Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Bi hài chuyện hủy niêm yết ở LMH

Chứng khoán

22/05/2020 08:16

Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM vừa công bố quyết định hủy niêm yết bắt buộc với Công ty cổ phần Landmark Holding (LMH - HOSE) kể từ ngày 19/6/2020 do Công ty kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến với báo cáo tài chính năm 2019 của doanh nghiệp này.

Công ty kiểm toán độc lập đã nêu lý do từ chối cho ý kiến với báo cáo tài chính của LMH và những điểm cần nhấn mạnh liên quan chủ yếu là do không có cơ sở để xác định các giao dịch như khoản phải thu, khoản trả trước cho người bán ngắn hạn… lên đến hàng trăm tỷ đồng, chiếm trọng yếu trong tài sản của LMH.

LMH thì giải trình việc này là do: “Dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp, các công ty thực hiện nghiêm chỉnh chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các công ty đã cho nhân viên nghỉ việc. Vì vậy đến thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán, kiểm toán viên đã không thể thu thập đủ chứng thư xác nhận cũng như các thủ tục kiểm toán bổ sung khác đối với các khoản nợ phải thu phải trả”.

Bi hài chuyện hủy niêm yết ở LMH

Như vậy, về cơ bản LMH đổ lỗi do Covid. Tuy nhiên, kể từ ngày kiểm toán công bố báo cáo và LMH gửi công văn giải trình đến nay (5/5/2020), LMH đã không công bố thêm bất kỳ tài liệu, chứng thư nào từ các bên để kiểm toán có thể hoàn tất hồ sơ đưa ra các nhận định bổ sung nhằm cứu vãn tình thế bị huỷ niêm yết bắt buộc, dù HOSE đã đưa ra cảnh báo.

Trước cái án hủy niêm yết, cổ đông chờ đợi LMH có thông tin để thị trường yên tâm hiểu rằng, sự cố này thực sự do Covid, còn tiền của cổ đông vẫn còn đó và có người nhận nợ, chứ không phải Công ty đã bị rút ruột khi kiểm toán không thể xác nhận được tính xác thực của các khoản phải thu, khoản cho vay bên ngoài.

Tuy nhiên, Ban lãnh đạo LMH dường như vẫn bình chân như vại trước sự cố huỷ niêm yết có liên quan đến tài sản của hàng trăm cổ đông.

Ngoài những bản giải trình không có thông tin nào đáng giá, không một lãnh đạo nào của LMH xuất hiện trước công chúng để trình bày, để nói lý do một cách chi tiết về việc rời khỏi thị trường.

Câu chuyện của LMH khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Chuyện gì xảy ra ở LMH khi Công ty này mới niêm yết chưa đầy 2 năm và có một khởi đầu tích cực với phiên giá chào sàn 13.400 đồng/cổ phiếu? Vai trò của cơ quản quản lý ở đâu khi để những sự cố như LMH xảy ra?

Bên cạnh việc nhắc nhở thông thường, nhà quản lý đã có giải pháp gì để thúc đẩy LMH công bố thông tin một cách có trách nhiệm với hàng trăm cổ đông đại chúng?

LMH đổ lỗi cho Covid nên báo cáo tài chính của Công ty bị kiểm toán từ chối ra ý kiến. Tuy nhiên, các cổ đông của LMH mới là người ở vào cảnh “quít làm, cam chịu”.

Ban lãnh đạo của LMH đã tự ý giảm dần lĩnh vực truyền thống là kinh doanh xăng dầu để chuyển đổi sang lĩnh vực bất động sản khiến kết quả kinh doanh lao dốc bất ngờ.

Cũng chính Ban lãnh đạo LMH đã để Công ty đi đến tình trạng bị huỷ niêm yết khi có nhiều khoản mục trong báo cáo tài chính không thể xác nhận bằng chứng thư hay các nghiệp vụ kiểm toán. Phía sau việc LMH hủy niêm yết là nỗi đắng cay của nhiều nhà đầu tư…

Tình trạng Hội đồng quản trị, Ban giám đốc một doanh nghiệp dễ dàng đưa cổ phiếu lên sàn, rồi dễ dàng để công ty bị hủy niêm yết, phủi tay với nhà đầu tư đại chúng, không phải là cá biệt.

Trong góc nhìn của nhà đầu tư, các quy định công bố thông tin và giải trình trên TTCK đều có, nhưng chất lượng thực hiện của doanh nghiệp còn thấp.

Dường như quy định pháp lý thiếu nội dung về giám sát chất lượng giải trình và chế tài cho những doanh nghiệp giải trình vô trách nhiệm.

Thực tế này cho thấy, nền tảng pháp lý cần được làm mới, chặt chẽ và rõ ràng về trách nhiệm của các chủ thể tham gia, cả doanh nghiệp và nhà quản lý trước những mất mát của nhà đầu tư và đặc biệt, không được để lọt nhiều doanh nghiệp yếu kém về quản trị lên sàn.

PV
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement