05/08/2017 08:11
Bi hài câu chuyện 3 năm tìm chồng ngoại quốc để ly hôn
Người chồng Ấn Độ chung sống được đúng 3 tháng thì bỏ đi biệt tăm. Hơn ba năm qua người phụ nữ ngược xuôi sang tận Ấn Độ, đi tìm chồng để ly hôn mà chẳng được.
Đó là câu chuyện của chị H.D. (SN 1984, ở Q.9, TP.HCM). Chồng chị là người Ấn Độ, tên A.K. Hai người quen nhau qua mạng vào năm 2011, kết hôn vào năm 2014. Sống với nhau chưa đầy ba tháng, người chồng bỏ đi biệt tăm cho đến nay, chị D. đã tìm mọi cách nhưng không liên lạc được.
Ngặt nỗi chị và người chồng Ấn Độ đã đăng ký kết hôn, vì thế chị gặp rấtnhiều khó khăn trong các giao dịch, mối quan hệ xã hội khác.
Cuối năm 2014, chị làm đơn ly hôn gửi TAND TP.HCM và tòa này đang thụ lý đơn của chị. Nhưng suốthơn ba năm chị vẫn chưa thể ly hôn được. Chị đã rất mệt mỏi…
Chuyện tình xuyên biên giới trên thế giới ảo
Chị D. kể, năm 2011, chị lên mạng kết bạn, nói chuyện với anh K. Cả hai tâm sự cho nhau nghe những chuyện riêng tư, những chuyện vui buồn trong cuộc sốngvà nhu cầu về người bạn đời của mình. Khi anh K. tỏ tình trên mạng,chị đã đồng ý.
Chị cho biết, vì đang làm việc cho một công ty nước ngoài nên mục tiêu của chị là phải lấy được một người đàn ông nước ngoài làm chồng. Gặp anh K., nói chuyện hợp nên chị vô cùng hạnh phúc.
Mỗi ngày, hai người giành cho nhau hai tiếng vào ban đêm để trò chuyện qua mạng. Kể cả những những hôm bận việc, cả hai vẫn thay phiên nhau gọi điện để tâm sự những chuyện xảy ra trong ngày.
Năm 2014, anh chị tổ chức đám cưới trên thế giới ảo. Bằng cách, anh mặc đồ vest, chị mặc một bộ váy đẹp tự chụp hình rồi gửi qua ghép lại để làm hình cưới. Thế là thành vợ chồng.Đêm tân hôn, hai người giành thời gian lên mạng nói chuyện nhiều hơn.
Tháng 4/2014, anh bay sang Việt Nam gặp chị. Đón chồng ở sân bay chị mừng khôn xiết. Một tháng sau, hai người đi đăng ký kết hôn.
Chị dặn anh, khi cán bộ tư pháp hỏi, anh phải trả lời hai người tình nguyện đến với nhau, sẽ sống với nhau mãi. Anh có công việc ổn định, muốn định cư ở Việt Nam. Chuyện tình yêu của hai người được hai gia đình biết và ủng hộ.
Ba tháng sau khi các thủ tục hành chính hoàn chỉnh, tháng 7/2014, anh nói có việc ở Ấn Độ nên phải bay sang gấp. Chia tay chồng, chị mừng mừng tủi tủi, mong ngày chồng quay lại để được đoàn tụ. Thế mà, anh đi biệt cho đến nay.
"Chồng ơi về đi cho em ly hôn với"
Chia tay chồng được mấy hôm, chị nhận điện thoại của một cô gái Việt Nam bảo là vợ anh, đang tiễn anh ra sân bay về Ấn Độ. Một cô gái Ấn Độ cũng gọi cho chị báo là vợ anh. Hai người đã đính hôn với nhau. Thậm chí cô gái này biết anh lăng nhăng, cô gái đã kiện ra tòa để đòi sính lễ. Vì theo đạo Hồi ở Ấn Độ, khi kết hôn, cô gái phải tự tổ chức đám cưới và mang sính lễ sang nhà trai.
Về phía chị D., cố tìm mọi cách liên lạc với anh để hỏi cho rõ nhưng chẳng được. Chị chỉ biết làm đơn ly hôn. Nhưng cho đến nay, đã hơn ba năm, chị vẫn không thể ly hôn.
Hồ sơ, bằng chứng và đơn xin ly hôn chị đã nộp hết cho tòa. Tòa yêu cầu chị phải cung cấp thông tin, chỗ ở của anh để tòa tống đạt hồ sơ, giấy triệu tập cũng như thông tin liên quan đến vụ án.
Chị tìm anh trên mail, nick chát, sang nơi anh sống, nhờ bạn bè tìm giúp nhưng anh vẫn bặt vô âm tín. Chị nhờ lãnh sự quán Việt Nam tại Ấn Độ liên lạc với ba mẹ anh cũng không được. Ba mẹ anh cũng không biết con trai mình đang ở đâu.
“Hơn ba năm qua tôi rất chán nản. Tôi đã sai khi có giấc mơ kết hôn với người nước ngoài. Tôi đã yêu chồng không tính toán, làm tất cả vì anh ta, vậy mà tôi chỉ nhận lại sự thất vọng, oán hận mình.
Sao tôi lấy chồng thì dễ mà giờ muốn ly hôn lại khó quá. Tôi chỉ cần có địa chỉ nơi anh ta sống thôi mà cũng chẳng được. Ba năm qua, tôi chỉ biết đi tìm chồng trong vô vọng”, chị D. tâm sự.
Chị cho biết, do đơn của chị trước đây không hợp lý, mới đây, TAND TP.HCM đã kêu chị viết đơn lại nộp cho tòa để sớm được giải quyết. Chị cũng đã làm theo nhưng đến nay, đã hơn bốn tháng chị vẫn chưa được giải quyết.
Người vợ được quyền đơn phương ly hôn
Trao đổi cùng chúng tôi, một cán bộ TAND TP.HCM cho biết, trường hợp của chị D., do chị làm đơn ly hôn mà không cung cấp được địa chỉ của chồng nên tòa đã hướng dẫn để chị làm đơn lại theo nội dung đơn phương ly hôn. Hiện tòa đang thụ lý hồ sơ và đang tiến hành ủy thác tư pháp. Khi tòa ủy thác tư pháp ba lần mà không liên lạc được với bị đơn sẽ đưa vụ án ra giải quyết vắng mặt bị đơn.
Một thẩm phán của TAND TP.HCM cho biết, hiện nay trình trang ly hôn giữa các cô gái Việt với người nước ngoài rất nhiều. Đa số các trường hợp yêu nhanh, cưới nhanh và ly hôn cũng nhanh. Có trường hợp, chỉ mới cưới nhau được tháng là nộp đơn ra tòa đòi ly hôn.
Thông thường, người đệ đơn ly hôn là các cô gái, còn người chồng thì đang định cư ở nước ngoài. Để chấp nhận đơn ly hôn của họ, tòa phải có thời gian để tirệu tập đương sự, liên lạc với lãnh sự quán Việt Nam ở nước ngoài để tống đạt quyết định cho người chồng.
''Nhiều cô gái bây giờ dại dột quá. Họ thích lấy chồng nước ngoài mà chẳng tìm hiểu kỹ về người bạn đời của mình như thế nào. Ít nhất cũng phải biết họ ở đâu, sống ra sao, làm việc gì, cha mẹ, gia đình họ thế nào. Rất nhiều côcứ lên mạng làm quen, kết bạn, gặp nhau rồi thành vợ chồng mà chẳng lường hết hệ lụy mình phải đối mặt.
Khi xảy ra chuyện, nộp đơn ra tòa ly hôn thì mới biết mình dại. Bây giờ công nghệ thông tin phát triển nên việc lừa qua mạng nhiều lắm. Có nhiều cô vì quá tin tưởng người yêu, người bạn đời của mình mà vi phạm pháp luật. Vì thế, tôi chỉ mong những người con gái Việt hãy tỉnh táo khi chọn một người bạn đời cho mình, nếu thích lấy chồng ngoại quốc'', vị thẩm phán nhấn mạnh.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp