02/08/2019 22:46
Bị giang hồ tạt sơn nhiều lần, Phở Hòa thông báo đóng cửa để sửa chữa
Quán đã đóng cửa sau 8 lần bị tạt sơn đỏ, mắm tôm. Theo người dân xung quanh, phở Hòa sẽ nhanh chóng kinh doanh trở lại sau khi sửa chữa.
Những ngày gần đây, thông tin về quán phở Hòa (trên đường Paster, phường 8, quận 3, TP.HCM) bị tạt sơn và mắm tôm được nhiều người quan tâm. Phở Hòa là một thương hiệu cha truyền con nối mấy chục năm, quán nằm trong danh sách những địa chỉ ăn ngon ở Sài Gòn nên được nhiều du khách nước ngoài đến đây để thưởng thức.
Phở Hòa đóng cửa ngừng kinh doanh tiếp tục sửa chữa, mở rộng quán. |
Ngày 31/7 vừa qua, Công an quận 3 đã vào cuộc điều tra sau trình báo của chủ quán Phở Hòa là ông Phạm Tùng Linh về việc quán nhiều lần bị người lạ mặt cản trở kinh doanh.
Cụ thể, quán của ông đã 8 lần bị giang hồ tạt sơn, mắm tôm, đồ bẩn trong vòng một tháng qua, gần nhất là vào tối 30/7. Những lần đầu, nhóm người này còn hành động vào ban đêm, nhưng gần đây, nhóm giang tấn công quán cả vào ban ngày. Hành động trên không chỉ làm cho gia đình ông Linh sợ hãi mà còn khiến các thực khách của quán e ngại. Đã có lần khách hàng của quán bị tạt trúng sơn lên người.
Cận cảnh biển hiệu Phở Hòa Pasteur bị giang hồ tạt sơn đỏ đe dọa. |
Chủ quán khẳng định gia đình không mâu thuẫn với ai. Ông Linh cho biết, nguyên nhân có thể từ một người quen của ông mượn tiền nhiều nơi rồi bỏ trốn. Vì thế, nhóm giang hồ mới tìm đến và gây áp lực cho gia đình và công việc kinh doanh của ông Linh.
Bản thông báo dán trước cửa với lý do tạm nghỉ để sửa chữa. |
Sau khi bị cản trở, quán phở đã bắt đầu đóng cửa và ngừng kinh doanh vào 31/7 với lý do để sửa chữa và mở rộng quán. Đến nay, Công an quận 3 vẫn đang theo dõi và bảo vệ hoạt động tu sửa của Phở Hòa. Theo người dân xung quanh, Phở Hòa sẽ nhanh chóng được mở cửa trở lại để kinh doanh.
Với hành vi tạt mắm tôm, sơn vào nhà người khác thì sẽ bị xử lý ra sao?
Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết trên Pháp luật TP.HCM: Theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 7 Nghị định 167/2013 thì người nào có hành vi đổ, ném chất thải, chất bẩn hoặc các chất khác làm hoen bẩn nhà ở, cơ quan, trụ sở làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh của người khác thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Người vi phạm có thể bị xử lý theo quy định về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 BLHS nếu dùng sơn ném hoặc chất bẩn khác vào nhà người khác gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc, thiệt hại về tài sản dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau:
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;
- Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
- Tài sản là di vật, cổ vật thì người vi phạm...
Với tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, người vi phạm sẽ bị phạt tiền mức thấp nhất là 10 triệu đồng, mức cao nhất là phạt tù 20 năm tùy theo mức độ vi phạm.
Ngoài ra, người gây ra thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường cho người bị hại.
Advertisement