25/09/2017 09:17
Bị cấm đi thăm con vì… nợ thuế
Việc dừng xuất cảnh vì doanh nghiệp nợ thuế là trái luật.
Nhiều người đại diện pháp luật của doanh nghiệp (DN) đau đầu vì không thể xuất cảnh được do cònnợ thuế.
Bất ngờ vì bị chặn tại sân bay
Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đại lý thuế thuộc Hiệp hội DN TP.HCM, cho biết nhiều trường hợp người đại diện pháp luật của DN ra đến tận sân bay mới biết mình bị cấm xuất cảnh do thông báo còn nợ thuế củacơ quan thuếgửi cho cơ quan hải quan cửa khẩu sân bay.
“Nhiều chủ DN cho biết họ không hề nhận được các thông báo yêu cầu thanh toán nợ thuế của cơ quan thuế gửi. Chỉ khi ra tới sân bay họ mới biết bị cấm xuất cảnh do nợ thuế nên rất bất ngờ. Điều này gây thiệt hại lớn cho cá nhân, DN, nhất là trong công việc kinh doanh của DN. Trong khi đó cơ quan thuế lại cho rằng đã gửi thông báo nhiều lần cho DN” - ông Nghĩa nói.
Ông Đ., giám đốc đồng thời là người đại diện pháp luật một công ty chuyên xuất khẩu nông sản, buồn rầu vì không thể xuất cảnh được do công ty của ông còn nợ thuế.
“Việc ra nước ngoài của DN là để tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường, tìm kiếm thị trường mới ký hợp đồng xuất khẩu nhằm có tiền để trả nợ thuế. Trong khi đó cơ quan thuế lại dừng xuất cảnh xem như chặn đường làm ăn, chặn đường tìm đường trả nợ của chúng tôi” - ông Đ. thở dài.
Dù ông đã làm việc với cơ quan thuế, chứng minh đi nước ngoài phục vụ công việc kinh doanh nhưng vẫn không được xuất cảnh. “Sau đó chúng tôi đành phải thay đổi người đại diện pháp luật DN mới đủ điều kiện đi nước ngoài. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, vì việc thay đổi người đại diện kéo theo rất nhiều hệ lụy, khó khăn cho DN. Tôi xuất cảnh vì công việc của DN chứ không phải xuất cảnh để định cư nước ngoài nên cấm là bất hợp lý, làm khó cho cả DN lẫn cá nhân tôi” - ông Đ. bức xúc.
Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, ông T. là người đại diện pháp luật của một công ty tại TP.HCM cho biết đã gặp nhiều rắc rối vì DN nợ thuế. Chẳng hạn ông không thể đi thăm người thân hay đi du lịch nước ngoài với gia đình.
“Mới đây nhất, đứa con trai của tôi phải lên đường đi du học một mình dù tôi rất muốn đi cùng con để xem chỗ ăn ở của con ở nước ngoài thế nào. Người thân hỏi tôi sao không đưa con sang nhập học, lo chỗ ăn ở cho nó mà để con một mình khi còn lạ lẫm nơi đất khách… Tôi đành viện cớ do bận công việc chứ không dám nói mình bị cấm xuất cảnh vì công ty nợ thuế” - ông T. ngậm ngùi.
Hai DN trên chỉ là một vài trường hợp điển hình trong số rất nhiều đơn vị hiện nay đang gặp khó khăn vì bị cấm xuất cảnh do nợ thuế. Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, nói: “Theo quy định tại Điều 53 Luật Quản lý thuế thì chỉ có ba trường hợp bị dừng xuất cảnh. Đó là người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài (Việt kiều), người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam còn nợ thuế. Còn trường hợp dù họ là chủ DN, người đại diện pháp luật DN còn nợ thuế nhưng không thuộc ba trường hợp trên thì không thể dừng xuất cảnh họ” - luật sư Xoa phân tích.
Rủi ro cho cả cơ quan thuế
Đại diện Cục Thuế TP.HCM giải thích khi đề nghị tạm dừng xuất cảnh, cơ quan thuế đều làm theo đúng quy trình và chỉ khi xác định rõ DN có dấu hiệu bỏ trốn (ba tháng không nộp tờ khai, xác minh địa điểm kinh doanh không còn hoạt động, phường xã xác nhận bằng văn bản và cơ quan thuế ra thông báo) thì mới áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm dừng xuất nhập cảnh.
Tổng cục Thuế cho biết tính đến ngày 31/5, tổng số tiền thuế nợ là 75.534 tỉ đồng. Một trong những giải pháp mà Tổng cục Thuế sẽ thực hiện trong những tháng cuối năm là kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho người nộp thuế đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh hiệu quả…, từ đó giảm nợ đọng thuế.
Cũng theo đại diện Cục Thuế TP.HCM, tạm dừng xuất cảnh là biện pháp rất hiệu quả để thu nợ thuế với những DN đã bỏ trốn, biến mất khỏi địa điểm kinh doanh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, cơ quan thuế cũng làm rất thận trọng vì việc này liên quan trực tiếp đến quyền lợi của cá nhân.
Tuy nhiên, luật sư Trần Xoa, chuyên gia thuế, khẳng định với trường hợp DN nợ thuế thì cơ quan thuế không có quyền dừng xuất cảnh với người đại diện pháp luật, chủ DN đó. Làm như vậy là trái luật. Đối với trường hợp DN nợ thuế đã có những biện pháp xử lý quy định trong luật như khống chế tài khoản, thông báo dừng sử dụng hóa đơn, phát mại tài sản…
“Vì vậy, cơ quan thuế cần làm đúng pháp luật, sử dụng tất cả biện pháp để xử lý DN nợ thuế. Nếu tiếp tục áp dụng giải pháp cấm xuất cảnh cá nhân vì DN nợ thuế thì cơ quan thuế sẽ là đơn vị gặp rủi ro, chắc chắn thua kiện nếu cá nhân đó khởi kiện. Mặt khác, điều này cũng khiến cá nhân là chủ DN, người đại diện pháp luật sẽ chịu thiệt, mất uy tín” - ông Xoa nhấn mạnh.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đại lý thuế thuộc Hiệp hội DN TP.HCM, cho rằng để tránh những rủi ro, vướng mắc cho cả ngành thuế lẫn DN thì cơ quan thuế cần chủ động gửi thông báo nợ thuế trực tiếp cho chính người đại diện pháp luật. “Hiện nay việc thông báo nợ thuế chủ yếu gửi qua đường bưu điện cho DN nên có thể thất lạc, không đến tay người cần phải nhận. Chính điều này làm nảy sinh nhiều rắc rối, như đại diện DN bị chặn ngay tại sân bay” - luật sư Nghĩa nói.
Thua kiện vì dừng xuất cảnh sai
Thực tế cho thấy ngành thuế từng thua kiện DN vì chuyện tạm dừng xuất cảnh. Điển hình là hồi cuối tháng 5-2012, Công ty CP Delta đã khởi kiện ra TAND TP.HCM yêu cầu tòa hủy công văn của Cục Thuế TP.HCM đề nghị dừng xuất cảnh đối với tổng giám đốc công ty. Sau đó HĐXX TAND TP.HCM nhận định người có nợ thuế mà xuất cảnh để định cư ở nước ngoài hoặc có dấu hiệu bỏ trốn mới là đối tượng để dừng việc xuất cảnh.
Mặt khác, việc nợ thuế nếu có là nợ của Công ty Delta chứ không phải là nợ của cá nhân chủ công ty. Do đó nghĩa vụ nộp thuế là nghĩa vụ của công ty, không phải là nghĩa vụ cá nhân. Việc Cục Thuế ban hành văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền dừng việc xuất cảnh với chủ công ty là không đúng pháp luật. Tòa tuyên hủy công văn của Cục Thuế TP.HCM.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp