Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Bèo bọt cổ tức DN bất động sản: Nắm trong tay 10.000 cổ phiếu, nhận cổ tức chưa tới 4,2 triệu đồng

Chứng khoán

25/04/2017 12:33

Sau một năm làm ăn thuận lợi, cổ các công ty địa ốc kỳ vọng sẽ nhận được mức cổ tức hậu hĩnh. Tuy nhiên, cổ tức mà cổ đông nhận được lãi rất bèo bọt giống như những năm trước.

Trả bằng cổ phiếu

Việc huy động vốn thông qua phát hành thêm cổ phần là điều không xa lạ đối với các công ty cổ phần và là một trong những mục tiêu chính khi doanh nghiệp quyết định niêm yết. Sàn chứng khoán được nhiều doanh nghiệp kỳ vọng là nơi cung ứng nguồn vốn trung và dài hạn thay cho các khoản vay nợ từ các ngân hàng.

Về phía cổ đông, dù là nhà đầu tư hay đầu cơ thì khi quyết định chi tiền cho một cổ phiếu đều nhắm đến khoản cổ tức sẽ được hưởng hay kỳ vọng tiền chênh lệch giá từ sự tăng trưởng của cổ phiếu. Tuy nhiên, câu chuyện mã cổ phiếu SCR của Sacomreal lại đang diễn ra theo chiều hướng không như mong đợi của các nhà đầu tư.

SCR niêm yết lần đầu trên HNX vào ngày 9/11/2010 với 100 triệu cổ phiếu. Chốt phiên giao dịch đầu tiên, giá khớp lệnh cao nhất của SCR đạt 31.500 đồng/cổ phiếu, giá khớp lệnh thấp nhất là 25.300 đồng/cổ phiếu. Tổng khối lượng giao dịch thành công của SCR đạt 966.900 cổ phiếu.

Đến ngày 18/11/2016, SCR chuyển từ sàn HNX vào niêm yết trên HOSE với hơn 217 triệu cổ phiếu. Hiện tại, theo giá trị sổ sách của Sacomreal thì giá cổ phiếu SCR ở mức hơn 14.000 đồng/cổ phiếu nhưng trên thị trường, SCR chỉ đang giao dịch quanh mức 8.370 đồng/cổ phiếu. Thị giá của SCR thấp hơn giá trị sổ sách do làm ăn bết bát, hàng tồn kho và nợ ngắn hạn quá nhiều.

Cổ tức mà Sacomreal chia cho cổ đông là rất bèo bọtvà chi trả bằng cổ phiếu.

Năm 2016, Sacomreal đạt lợi nhuận sau thuế gần 90 tỉ đồng. Sau khi trích bốn loại quỹ, lợi nhuận còn lại hơn 71 tỉ đồng. Lợi nhuận năm 2015 sau khi phân phối còn gần 354 tỉ đồng. Tuy nhiên, cổ tức của Sacomreal chi trả cho cổ đông lại rất bèo bọt.

Cụ thể, lợi nhuận chưa phân phối đến ngày 31/12/2016 là hơn 425 tỉ đồng nhưng Sacomreal chỉ chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỉ lệ 7%, tương đương khoảng 30 tỉ đồng trong tổng số 425 tỉ đồng lợi nhuận chưa phân phối. Phần lợi nhuận sau thuế còn lại gần 396 tỉ đồng sẽ được chuyển qua năm 2017.

Cổ đông có một cổ phiếu tương ứng với một quyền nhận cổ phiếu. Tỉ lệ thực hiện quyền là 1:0,05. Nghĩa là, cổ đông có một cổ phiếu sẽ được nhận 0,05 cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối năm 2016. Ví dụ, một cổ đông có 10.000 cổ phiếu SCR của Sacomreal chỉ nhận được 500 cổ phiếu là cổ tức.

Trên HOSE, SCR đang giao dịch quanh mức 8.370 đồng/cổ phiếu. Như vậy, cổ đông sở hữu 10.000 cổ phiếu của Sacomreal chỉ nhận được chưa tới 4,2 triệu đồng. Trong khi đó, để sở hữu 10.000 cổ phiếu SCR, nhà đầu tư phải bỏ ra gần 100 triệu đồng.

Tương tự, tổng doanh thu hợp nhất năm 2016 của Tập đoàn FLC đạt 6.656 tỉ đồng, tăng 11% so với năm 2015. Lợi nhuận trước thuế đạt mức 1.335 tỉ đồng, tăng 15,4% lợi nhuận sau thuế là 1.029 tỉ đồng, tăng trưởng 11,4% so với năm 2015.

Năm 2016, FLC chi trả cổ tức 10%. Trong đó 3% bằng tiền mặt và 7% bằng cổ phiếu. Giá trị sổ sách của cổ phiếu Tập đoàn FLC ở mức 13.006 đồng/cổ phiếu. Còn trên HOSE, mã FLC của Tập đoàn FLC chỉ giao dịch quanh con số 7.500 đồng/cổ phiếu.

Việc chi trả cổ tức 10% là quá nhỏ nhoi so với tầm vóc của Tập đoàn FLC. Tuy nhiên, đây dường như là truyền thống của FLC. Cổ phiếu FLC được niêm yết trên HNX vào cuối năm 2011 với vốn điều lệ ban đầu là 100 tỉ đồng và chuyển sang niêm yết trên HOSE vào cuối năm 2013.

Dù ồ ạt tăng vốn để mở rộng quy mô, trở thành một trong những doanh nghiệp bất động sản lớn ở nước ta nhưng những gì FLC trả lại cho cổ đông lại không tương xứng, từ mức cổ tức nhận được cho tới thị giá của cổ phiếu FLC.

2011 là năm đầu tiên cổ phiếu FLC được niêm yết, cổ đông được chi trả cổ tức bằng tiền với tỉ lệ 7%, tương đương 700 đồng/cổ phiếu. Đây là mức cao nhất trong lịch sử chi trả cổ tức của FLC. Qua năm 2012, FLC bất ngờ quyết định không thực hiện chi trả cổ tức năm 2012 và giữ lợi nhuận để tái đầu tư, dù trong kế hoạch là 15%.

Đến năm 2013, cổ tức được FLC chi trả bằng tiền mặt giảm xuống còn 5% và trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 4%. Tuy nhiên, mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt tỉ lệ 5% khi đó đã được FLC hoãn chi trả từ 30/9 qua tới 29/11/2013 do không thu xếp được dòng tiền.

Đến năm 2014, dù tỉ lệ chi trả cổ tức tăng lên 10% nhưng FLC không trả tiền mặt mà chuyển hoàn toàn qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu. Đồng thời, FLC cũng phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông với tỉ lệ 10%. Sau sự kiện này, vốn điều lệ FLC đã lên gần 5.300 tỉ đồng.

Đến năm 2015, với lý do cần cân đối tài chính để tập trung đầu tư, phát triển các dự án bất động sản nên mức cổ tức 10% đã thông qua tại đại hội cổ đông thường niên 2014 đã không được thực hiện, dù là tiền mặt hay bằng cổ phiếu.

Trong khi đó, Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình dự kiến trình đại hội vào chiều mai, ngày 26/4/2017 để thông qua mức trả cổ tức 45%. Trong đó, 10% sẽ chi trả bằng tiền mặt và 35% chi trả thông qua phát hành cổ phiếu.

Còn Công ty Cổ phần Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh trả cổ tức 15% trong năm 2016. Tuy nhiên, chỉ có 5% tiền mặt và 10% còn lại sẽ trả bằng cổ phiếu.

Vào cuối năm 2016, Novaland được niêm yết trên HOSE. Vào sáng ngày 27/4 tới, Novaland sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên lần đầu tiên sau khi lên sàn. Cổ đông đang kỳ vọng mức cổ tức mà Novaland chi trả sẽ vượt trội hơn các doanh nghiệp bất động sản khác.

Bởi năm 2016 công ty đã bán được hơn 8.000 sản phẩm, tăng 13,3% so với năm 2015 và chiếm 23% sức tiêu thụ ở thị trường TP.HCM. Kết quả này mang về cho Novaland mức doanh thu 7.359 tỉ đồng, tăng 10,3% so với 2015. Tổng tài sản đạt mức kỷ lục 36.527 tỉ đồng, tăng 37,5%và lợi nhuận sau thuế đạt 1.659 tỉ đồng, tăng 276,1% so với năm 2015. Hiện tại trên HOSE, mã cổ phiếu NVL của Novaland đang giao dịch quanh mức 73.100 đồng/cổ phiếu.

Công ty địa ốc lớn nhất cả nước là Tập đoàn Vingroup lại quyết định không chia cổ tức năm 2016 dù lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến thời điểm 31/12/2016 trên Báo cáo tài chính hợp nhất là 942 tỉ đồng. Số tiền 942 tỉ đồng sẽ được trích 5 tỉ đồng vào Quỹ dự trữ, phần còn lại sẽ được để dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Vingroup.

Công ty Cổ phần Xây dựng Conteccons và Công ty Cổ phần Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân phải dời lịch đại hội cổ đông đến cuối tháng 5/2017 vì chưa sắp xếp được nhân sự và bài toán chia cổ tức cho cổ đông.

Phải chọn mặt gửi vàng

Hiện tại, bất động sản đang là nhóm ngành có nhiều doanh nghiệp niên yết nhưng lợi nhuận và giá cổ phiếu đang có sự phân hóa rõ rệt, chạy hai hướng ngược nhau. Một là tăng trần liên tục như mã NVL của Novaland, CTD của Conteccons… và số còn lại là rớt giá ngang với ly trà đá như HQC, HAR…

Vingroup không chia cổ tức cho cổ đông trong năm 2016

Với việc siết tín dụng theo Thông tư 06 của ngân hàng Nhà nước, các công ty bất động sản sẽ tăng cường việc phát hành cổ phiếu để có được nguồn vốn trung và dài hạn thay cho các khoản vay nợ từ các ngân hàng.

Tuy nhiên, phương án phát hành cổ phiếu khiến các nhà đầu tư dè dặt vì rủi ro pha loãng ở hiện tại trong khi hiệu quả sử dụng vốn lại là vấn đề trong tương lai. Đó còn chưa kể đến việc nắm giữ quá nhiều cổ phiếu sẽ gây ra khó khăn trong việc bán ra nếu thanh khoản của cổ phiếu đó thấp.

Trên thực tế, cổ phiếu của của những doanh nghiệp không chi trả cổ tức hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu nhưng lại liên tục tăng vốn thường có thị giá thấp hơn mệnh giá như SCR, FLC... Trong khi những công ty có trả cổ tức, dù không nhiều nhưng vẫn duy trì được ở mức giá tương đối.

Chuyên gia Bùi Quang Tín cho biết, nguyên tắc chia cổ tức là dựa vào mệnh giá chứ không phải thị giá. Do đó, việc đầu tư cổ phiếu ngành bất động sản phải hết sức chuyên nghiệp chứ không thể lướt sóng.

“Khi quyết định đầu tư thì người mua cổ phiếu doanh nghiệp bất động cần đánh giá toàn diện doanh nghiệp về các chỉ tiêu tài chính, quỹ đất, nội bộ hoạt động của công ty…”, ông Tín nói.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển phân tích, sau khi thị trường địa ốc phục hồi các nhà đầu tư chứng khoán đã có sự chọn lọc khắt khe hơn và chỉ quan tâm đến những cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng, doanh nghiệp có năng lực tài chính vững mạnh. Vì vậy chỉ có những công ty quy mô lớn, có nền tảng vững chắc mới lọt vào danh sách những cổ phiếu đáng để xem xét đầu tư.

“Nhà đầu tư sẽ tiếp tục có xu hướng lựa chọn cổ phiếu của các công ty có quy mô lớn, có quỹ đất nhiều hoặc có những dự án ở các vị trí tốt vì như thế kết quả kinh doanh mới đảm bảo ổn định để chia cổ tức hậu hĩnh”, ông Hiển nói.

NGUYỄN DUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement