25/02/2023 10:31
Bệnh viện lớn đồng loạt kêu cứu, Bộ Y tế lên tiếng
Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội cho phép sửa đổi Luật Dược, xây dựng để ban hành cơ chế đặc thù về dự trữ đối với các thuốc hiếm, cần thiết cho điều trị.
Chia sẻ tại tọa đàm "Ngành y vượt khó nhằm tháo gỡ những trở ngại, vướng mắc đang tồn tại" ngày hôm 23/2, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đây là vấn đề vô cùng khó trong giai đoạn hiện nay. Khi các bệnh viện tuyến dưới thiếu vật tư, thiếu thuốc thì họ rất tín nhiệm Bệnh viện Bạch Mai. Người dân cũng như vậy, chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai rất nhiều.
"Ngay sau Tết, số lượng bệnh nhân tăng đột biến. Do vậy, thiết bị để phục vụ khám chữa bệnh của bệnh viện đang thiếu trầm trọng. Hầu hết các thiết bị của bệnh viện 10 năm qua thực hiện liên doanh liên kết. Khi hết hợp đồng, các thông tư về liên doanh, liên kết cũng đã hết hiệu lực và bệnh viện đang chờ các thông tư mới, quy định mới. Vì thế, hiện tại không thể tái ký hợp đồng cũng như không thể ký các hợp đồng mới được", ông Cơ nói.
Theo ông Cơ, việc đầu tư, mua sắm các thiết bị mới thì bệnh viện không có nguồn ngân sách. Về tài chính, ông Cơ cho biết 3 năm qua, những khó khăn về tài chính dẫn đến nguồn tài chính chi thường xuyên cho cán bộ nhân viên của Bệnh viện Bạch Mai giảm trầm trọng.
10 năm trước, bệnh viện có nguồn thu từ các hoạt động liên doanh liên kết, giá thu tương đối đúng tương đối đủ. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện liên doanh liên kết có những văn bản pháp quy chưa phù hợp. Vì thế, nhiều đề án liên doanh liên kết của bệnh viện vướng vào pháp lý, làm các đề án này dừng lại. Hiện nay, toàn bộ bệnh viện thu giá viện phí bằng giá của Bảo hiểm y tế. Trong khi đó giá của Bảo hiểm y tế đã ban hành từ rất lâu. Nhiều giá dịch vụ kỹ thuật hết sức lỗi thời, giá vật tư, thiết bị tăng rất nhiều, tiền lương cũng tăng lên.
"Vì thế nên dù bệnh nhân đến bệnh viện rất đông nhưng chênh lệch thu chi không đủ nên đãi ngộ với nhân viên y tế rất thấp. Chúng tôi hiện nay đã phải vay quỹ phát triển sự nghiệp để chi thường xuyên, làm thu nhập của y bác sĩ giảm rất nặng. Vì thế, cứ mỗi khi có bệnh viện nào mới thành lập, kể cả bệnh viện công lập thành lập khoa mới thì cán bộ bệnh viện lại rục rịch xin sang các đơn vị đó", ông Cơ nói.
Hiện tại số lượng bệnh nhân rất đông, mỗi ngày có thể đến 8.000-10.000 người dân đến khám. Số lượng bệnh nhân nội trú khoảng 4.000 người/ngày.
"Chúng tôi đang rất lo lắng đến ngày 1/7 chi cho lương mới thì nguồn chi thường xuyên của bệnh viện chưa chắc đã đủ để chi lương cho cán bộ y tế. Đây là điều hết sức khó khăn. Vì thế tôi mong Bộ Y tế, Chính phủ sớm có các văn bản hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn", ông Cơ chia sẻ.
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho hay, nếu như các bệnh viện khó khăn một thì Bệnh viện Bạch Mai khó khăn gấp đôi vì vướng vào những vấn đề pháp lý hết sức phức tạp, đặc biệt là câu chuyện liên doanh liên kết đã dừng, thiết bị không có, thiếu. Nguồn thu của bệnh viện toàn bộ từ bảo hiểm y tế, theo Dân Việt.
"Lấy ví dụ với giá siêu âm ổ bụng, có bệnh viện thu giá khám theo yêu cầu là 110.000, 150.000 đồng thì bệnh viện chỉ thu chưa đến 50.000 đồng. Nhiều người cứ bảo sao Bệnh viện Bạch Mai đông bệnh nhân thế mà cứ kêu thiếu tài chính. Nhưng thực tế hiện không có cơ chế tài chính nào cho bệnh viện thực hiện giá viện phí đúng", ông Cơ nhấn mạnh.
GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, các bệnh viện lớn trên toàn quốc hầu như đã hết vật tư y tế để dành cho chăm sóc người bệnh, các hóa chất xét nghiệm cũng hết.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung nghị định 98/2021 có điều khoản gia hạn giấy phép nhập khẩu/số đăng ký đến ngày 31/12/2023 chưa được phê duyệt. Điều này dẫn đến bệnh viện không mua được hóa chất xét nghiệm, trang thiết bị y tế.
Theo đó, bệnh viện không mua được các hóa chất định lượng nồng độ thuốc trong máu của bệnh nhân ghép tạng, các hóa chất miễn dịch, hóa chất khí máu, vật tư hút máu đông, miếng dán cố định phẫu trường, kim gây tê tủy sống...
Ông Giang cho hay, hiện tại hóa chất khí máu chỉ còn đủ dùng một tuần, hóa chất ghép tạng đủ dùng cho 2 tuần. Việc thiếu hụt các hóa chất, vật tư này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khám chữa bệnh. Bệnh viện đã họp nhưng rất khó khăn.
Trước tình trạng nhiều bệnh viện trên cả nước đang kêu vì thiếu vật tư, thiết bị y tế, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ các giải pháp tháo gỡ.
Cơ quan này kiến nghị Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội cho phép sửa đổi Luật Dược, xây dựng để ban hành cơ chế đặc thù về dự trữ đối với các thuốc hiếm, cần thiết cho điều trị.
Bộ cũng kiến nghị Chính phủ xem xét sớm ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP. Cụ thể đối với một số nội dung sau:
Thứ nhất, về quản lý giá trang thiết bị y tế, Bộ Y tế đề nghị bỏ quy định về thời điểm mua sắm và chuyển hình thức quản lý chỉ một số mặt hàng thuộc danh mục quản lý phải kê khai giá thay bằng tất cả các mặt hàng như hiện nay.
Đồng thời, bổ sung quy định tất cả các mặt hàng trang thiết bị y tế phải kê khai giá trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế để công khai, minh bạch thông tin.
Thứ 2, về đăng ký lưu hành trang thiết bị, Bộ Y tế cho rằng để tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức, cá nhân xuất nhập khẩu, kinh doanh trang thiết bị y tế, dự thảo nghị định quy định gia hạn thêm 1 năm hiệu lực của các giấy phép đã cấp đến hết ngày 31/12/2023.
Thứ 3, về thu hồi trang thiết bị y tế, bộ kiến nghị sửa đổi, quy định rõ thêm trường hợp xử lý trang thiết bị y tế tại đơn vị sản xuất, đơn vị nhập khẩu, đang lưu hành trên thị trường hoặc đã được cơ sở y tế mua sắm sau khi bị thu hồi số lưu hành trang thiết bị y tế.
Thứ 4, với quy định về xuất nhập khẩu và tạm nhập, tái xuất, cơ quan này kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định đối với trường hợp nhập khẩu để phục vụ mục đích phục vụ hội chợ, triển lãm, trưng bày hoặc giới thiệu sản phẩm cho phù hợp với pháp luật về quản lý ngoại thương.
Bộ Y tế cũng kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục sửa đổi thông tư 58/2016/TT-BTC, trong đó hướng dẫn cụ thể một số khái niệm như dự toán mua sắm với dự toán thu chi để tránh gây nhầm lẫn, không thống nhất.
Về phía Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu ngành Y tế cần giải quyết dứt điểm, không để người bệnh phải "mua ngoài".
Tập trung quản lý, cấp phép, gia hạn thuốc, trang thiết bị y tế kịp thời, công khai, minh bạch, khắc phục tâm lý sợ sai, làm ít sai ít, không làm không sai đang xảy ra ở một số cơ sở y tế.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi Nghị định 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017, Nghị định 29/2018/NĐ-CP theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Từ đó giải quyết vướng mắc về thẩm quyền phê duyệt quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, xác lập sở hữu toàn dân đối với trang thiết bị, vật tư tiêu hao.
Các cơ quan khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị quyết 144/NQ-CP năm 2022 về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement