14/07/2023 17:50
Bệnh tay chân miệng vẫn tăng cao, nhưng không phải cứ đưa lên tuyến trên là tốt
Khi thấy trẻ có biểu hiện mắc bệnh tay chân miệng phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, chăm sóc và điều trị tại chỗ. Chỉ những trường hợp nặng, cơ sở y tế sẽ có hướng dẫn chuyển viện lên tuyến trên.
Dịch bệnh có thể tăng cao vào tháng 8
Sở Y tế TP.HCM vừa dự báo số ca mắc bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết sẽ tiếp tục tăng trong những tuần tới, và có thể kéo dài nếu không quyết liệt có các biện pháp dự phòng bệnh.
Số bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết tại các bệnh viện tuyến cuối ở TP.HCM đều tăng. Theo bác sĩ điều trị, nếu trẻ mắc hai bệnh này tiếp tục tăng, có thể làm quá tải hệ thống y tế.
Là một trong những bệnh viện tuyến cuối, đang tiếp nhận điều trị số lượng lớn ca mắc tay chân miệng, BS Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, tình hình bệnh tay chân miệng vẫn tiếp tục gia tăng trong những tuần gần đây.
Hiện khoa Nhiễm đang có 140 ca điều trị nội trú, trong đó có 22 ca nặng. Mỗi ngày, có khoảng 50-60 ca xuất viện và cũng nhận số lượng tương đương ca mới nhập viện. Đây được xem là thời điểm đỉnh của dịch khi số ca nhập viện ở mức cao mỗi ngày.
BS Quy cho biết các ca nhập viện chủ yếu đến từ các tỉnh thành khác. Điều này nếu không được truyền thông rộng rãi, các ca bệnh đều về TP.HCM khám và điều trị dễ gây ra tình trạng quá tải.
Cũng như một số tỉnh, thành phố khác trên cả nước, hiện nay, trên địa bàn tỉnh An Giang, số ca mắc tay chân miệng tăng cao, bình quân mỗi tuần có hơn 100 ca mắc. Trong tháng 6 vừa qua, BV tỉnh tiếp nhận số bệnh nhân mắc tay chân miệng tăng đột biến, với gần 260 ca, tăng gấp nhiều lần so với năm ngoái. Bệnh tăng nhanh, số lượng nhiều, số ca diễn biến nặng cũng tăng hơn so với những tháng trước
TS-BS Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế An Giang cho biết, hiện nay tình hình bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp, có xu hướng tăng, nhất là thời điểm tháng 8 và đầu tháng tháng 9 tới, đây lại là thời điểm trẻ em bắt đầu tựu trường.
Không phải cứ mắc bệnh là chuyển lên tuyến trên
Trước dự báo tình hình dịch bệnh sẽ gia tăng, Sở Y tế TP.HCM cho hay ngành y tế đã chủ động triển khai hàng loạt biện pháp phòng chống dịch bệnh ngay từ tháng 5 và tập trung nhiều hoạt động trong tháng 6.
Đồng thời, Sở Y tế TP.HCM đã xây dựng kịch bản ứng phó dịch bệnh tay chân miệng gồm 3 cấp độ, thực hiện phân tầng điều trị với tầng cuối là các bệnh viện chuyên khoa nhi và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng thành lập tổ chuyên gia điều trị bệnh tay chân miệng nhằm tăng cường công tác hội chẩn các ca nặng cần chuyển tuyến, hoặc ca khó với các đơn vị trong TP và các tỉnh, thành phía Nam để đảm bảo công tác chuyển viện an toàn.
Phụ huynh không nên quá lo lắng nhưng cũng không được ỷ lại. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không nóng vội, nhưng khi có dấu hiệu nghi ngờ con mắc tay chân miệng thì cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám ngay.
Nhân viên y tế địa phương cũng được trang bị đầy đủ kiến thức cũng như phác đồ điều trị, thuốc men, cơ sở thiết bị cũng đầy đủ do vậy bệnh viện tuyến huyện, tỉnh hoàn toàn có khả năng điều trị được các ca mắc ở mức độ nhẹ.
Do vậy, khi nghi ngờ trẻ bị tay chân miệng, BS.CKII Dư Tuấn Quy khuyên phụ huynh nên đem trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, chăm sóc và điều trị tại chỗ.
(Nguồn: Tổng hợp)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp