08/07/2020 07:01
Bệnh nhân COVID-19 đầu tiên ở Hàn Quốc được ghép phổi
Đây là ca ghép phổi đầu tiên tại Hàn Quốc và là ca thứ 9 trên toàn thế giới. Bệnh nhân này cũng là trường hợp nặng nhất của Hàn Quốc tính đến thời điểm hiện tại.
Hàn Quốc vừa thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên cho một nữ bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở độ tuổi 50. Ca ghép được thực hiện tại bệnh viện Sungsim thuộc trường Đại học Hallym của tỉnh Gyeonggi.
Bệnh nhân nhiễm COVID-19 đã được lắp đặt “ECMO” (thiết bị tim phổi nhân tạo) trong gần 4 tháng và cơ hội sống sót sau ca ghép phổi chỉ là 50%, nhưng những nỗ lực của nhân viên y tế trong nước đã cứu sống bệnh nhân.
Người phụ nữ 50 tuổi trên nhập viện Sungsim vào ngày 29/2/2020 với các triệu chứng nặng và phải thở máy. Sau đó, tình trạng suy hô hấp của bệnh nhân này biến chứng nặng. Lúc đó, bệnh nhân vẫn có ý thức nhưng ở trong tình trạng không ổn định, nồng độ oxy trong máu ở dưới mức 88% ngay cả khi dùng máy thở oxy.
Các bác sĩ buộc phải can thiệp bằng cách chuyển từ thở máy không xâm nhập sang thở máy xâm nhập theo kỹ thuật oxy hoá máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO) cho bệnh nhân.
Sau 3 giờ nhập viện, huyết áp và nộng độ oxy vẫn không được cải thiện và bệnh nhân có biểu hiện khó thở. Thuốc chống sốt rét Chloroquine và Caletra cùng thuốc điều trị AIDS đã được sử dụng, Steroid dùng để chống viêm nhưng tất cả đều không có tác dụng, theo Naver.
Bệnh nhân vốn là người khoẻ mạnh, ECMO được lắp đặp ngay từ ngày nhập viện để thay thế chức năng phổi của bệnh nhân, ECMO là thiết bị lấy máu của bệnh nhân ra khỏi cơ thể, cung cấp oxy sau đó đưa nó trở lại cơ thể.
Sau quá trình điều trị tích cực, bệnh nhân cho kết quả âm tính vào tháng 3. Tuy nhiên chỉ có virus được loại bỏ còn chức năng phổi ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Các xét nghiệm và phiếu chụp CT lồng ngực cho thấy sự xâm lấn sâu rộng ở cả 2 lá phổi và tốc độ xơ hoá phổi nhanh chóng mặt. Bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao ngay cả khi dừng ECMO vì chức năng phổi bị suy giảm nghiêm trọng.
Các nhân viên y tế đã quyết định ghép phổi cho bệnh nhân. Tính đến trước ngày phẫu thuật, bệnh nhân đã điều trị ECMO 112 ngày, thời gian lâu nhất trong số các bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Hàn Quốc.
Giáo sư Kim Soo Hyung thuộc khoa Phẫu thuật Tim lồng ngực cho biết: Đây là trường hợp nặng và phục hồi khá tốt trong các ca nhiễm nặng do COVID-19. Lá phổi được loại bỏ có dấu hiệu co lại, không giống như một lá phổi khoẻ mạnh và đông cứng như một hòn đá chứng tỏ bị xơ phổi nặng.
"Lá phổi bị đông đặc nghiêm trọng của bệnh nhân COVID-19, phổi khoẻ mạnh sẽ mềm như bọt biển", ông Kim cho biết thêm.
Bệnh nhân đã điều trị ECMO một thời gian dài và phải nằm bất động trên giường bệnh, để tránh việc bị teo cơ, các bài tập vận động phải được thực hiện định kỳ.
Ghép phổi có độ khó cao, tỷ lệ thành công chỉ 70%, so với các ca ghép tạng khác như tim, gan là 90% thì tỷ lệ này khá thấp. Tỷ lệ sống sau ca ghép phổi trong 5 năm là 50-60%, 10 năm chỉ ở mức 30%. Phổi là cơ quan duy nhất tiếp xúc với không khí và môi trường bên ngoài, vì vậy chúng dễ bị nhiễm trùng.
Giáo sư Park Seong Hoon thuộc trung tâm Hô hấp ECMO cho biết, đặc điểm của bệnh nhân nhiễm COVID-19 rất khó thể hiện khi xét nghiệm hình ảnh nhưng thực chất phổi của họ đã bị tàn phá nghiêm trọng.
Một bệnh nhân đang hồi phục sức khoẻ cho biết: “Mọi người nên hết sức cẩn thận với dịch bệnh nguy hiểm này. Đừng nên coi thường nó như một bệnh cảm lạnh mà hãy nghĩ nó giống như một căn bệnh phải dành giật sự sống. Tôi đã không thể thở được nếu không có ECMO, tôi không biết mình phải cảm ơn thế nào khi vẫn còn đang thở khoẻ mạnh thế này”.
Sau phẫu thuật ghép phổi, sức khỏe của bệnh nhân hiện đang trong tình trạng ổn định và đã có thể tự thở, tự ăn và thực hiện các bài tập cơ bản phục hồi chức năng. Nếu ổn định, bệnh nhân hoàn toàn có thể sớm trở lại cuộc sống bình thường.
Advertisement
Advertisement