Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Bến xe Lương Yên: Đường về Sungroup

Ngày 26/10/2015, VIID đã chuyển nhượng 99,9% phần vốn góp dự án số 3 Lương Yên cho Công ty Việt Minh Hoàng với tổng giá trị 94 tỷ đồng.

Một thông tin đáng chú ý đối với giới bất động sản thủ đô thời gian qua, đó là việc UBND TP Hà Nội đã ra thông báo, thống nhất với đề xuất của 3 nhà đầu tư Sun Group, Vingroup và CTCP Geleximco trong việc tổ chức phối hợp tài trợ kinh phí lập quy hoạch, mời các đơn vị tư vấn quốc tế có năng lực, có kinh nghiệm đã nghiên cứu lập quy hoạch đô thị hai bên bờ sông trên thế giới tham gia lập quy hoạch hai bên bờ sông Hồng và họp với Ban chỉ đạo Thành phố vào ngày 31/12/2016 để giao nhiệm vụ triển khai.

Cũng tại thông báo, Chủ tịch UBND TP giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội thu thập toàn bộ các hồ sơ thiết kế quy hoạch, kiến trúc của các đơn vị tư vấn trước đây đã nghiên cứu liên quan dọc hai bên sông Hồng bàn giao cho 3 nhà đầu tư để giao cho các đơn vị tư vấn nước ngoài nghiên cứu lập phương án quy hoạch.

Dự án Sun Grand City Ancora Lương Yên triển khai ngay tại nút giao thông sầm uất bậc nhất thủ đô.

Trước tiên cần phải khẳng định, đây là thông tin tích cực. Khát vọng về việc phát triển một đô thị quy củ, văn minh, phồn hoa và cân bằng hai bên bờ sông Hồng là giấc mơ nhiều nhiệm kỳ và nhiều đời lãnh đạo thủ đô. Mô hình kinh điển về những thành phố đôi bờ sông như Paris (sông Seine), Thượng Hải (sông Hoàng Phố), Seoul (sông Hàn) cũng đã nhiều lần được nêu ra làm hình mẫu….

Thứ hai, với sự xuất hiện của Vingroup, Sungroup và Geleximco – dù là chỉ trên tư cách nhà tài trợ - thì có lẽ lần đầu tiên, quá trình xây dựng quy hoạch đô thị của Hà Nội có sự tham gia của các tập đoàn kinh tế tư nhân.

Xuất phát từ đặc thù là những nhà đầu tư bất động sản lớn, quản lý một quỹ đất đáng kể trên địa bàn thủ đô, kinh nghiệm và kể cả nguồn lực của bộ ba V-S-G hẳn sẽ nhiều hữu ích với Hà Nội trong việc xây dựng quy hoạch.

Tất nhiên, ở đây cũng cần phải lưu ý đến các cơ chế quản lý, giám sát để tránh yếu tố lợi ích nhóm và trục lợi quy hoạch.

Thương hiệu mới trên thị trường BĐS thủ đô

So với Vingroup hay Geleximco, có thể nói rằng cái tên còn lại trong số 3 nhà đầu tư tham gia tài trợ kinh phí cho Hà Nội lập quy hoạch – CTCP Tập đoàn Mặt Trời (Sungroup) - vẫn còn là một thương hiệu khá mới trên thị trường bất động sản thủ đô.

Hiện người ta mới chỉ biết đến sự thâm nhập của tập đoàn này bắt đầu từ dự án tổ hợp chung cư Sun Grand City Thuy Khue Residence, tọa lạc tại số 69B Thụy Khuê, vừa mới được triển khai cách đây chưa lâu.

Ít người biết rằng, ngoài dự án trên, thị trường bất động sản thủ đô cũng sắp đón nhận thêm một “Sun Grand City” khác. Thậm chí, nếu mọi chuyện hanh thông, đáng lẽ ra dự án bên bờ sông Hồng này mới là lời chào sân của Sun Group tại Hà Nội.

Theo đó, ngày 27/4/2011, Tổng Công ty lương thực Miền Bắc (Vinafood 1), Công ty cổ phần hạ tầng và bất động sản Việt Nam (VIID) và Công ty cổ phần xây dựng, đầu tư bất động sản Việt Minh Hoàng đã ký thỏa thuận hợp tác kinh doanh số số 13/2011/TTHTKD về việc hợp tác đầu tư xây dựng, khai thác và kinh doanh Dự án tổ hợp công trình tại số 3 Lương Yên, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Kế đó, ngày 19/7/2011, ba bên chính thức ký hợp đồng hợp tác kinh doanh số 10/2011/HĐHTKD/1907.

Dự án đã được UBND TP. Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 01121001050 ngày 02/12/2011, đất của dự án do Tổng Công ty lương thực Miền Bắc ký hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã được UBND TP. Hà Nội cho phép chuyển mục đích sử dụng để thực hiện dự án theo Quyết định số 549/QĐ-UBND ngày 20/1/2012.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý đối với dự án trên là nó lại được triển khai trên nền đất của một bến xe, nói là tạm thời nhưng đã hoạt động liên tục kể từ năm 2004: Bến xe Lương Yên.

Nên do đó, mặc dù năm 2011, Công ty TNHH một thành viên Lương thực Lương Yên có công văn số 143 gửi Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề nghị chấm dứt hoạt động của bến xe Lương Yên từ ngày 1/7/2012, để phục vụ dự án xây dựng nhà cao tầng. Nhưng vì nhiều lý do, đề nghị đó đã không được chấp thuận.

Đặc biệt, ngày 23/11/2013, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 9578/VPCP-KTN truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, yêu cầu Vinafood 1 “không tiếp tục triển khai dự án Lương Yên; thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.”

Song mới đây, như đã biết, đêm 26/7/2016, chuyến xe cuối cùng đã lăn bánh rời bến Lương Yên, chấm dứt 12 năm hoạt động của bến xe này.

Thông tin quảng bá rộng rãi trên internet cho thấy, trên nền bến xe lịch sử sẽ mọc lên một khu đô thị diễm lệ mang tên: “Sun Grand City Ancora Lương Yên”.

Bến xe Lương Yên: Đường về Sungroup

Chủ đầu tư của dự án Sun Grand City Ancora Lương Yên, theo giới thiệu, là Công ty cổ phần xây dựng, đầu tư bất động sản Việt Minh Hoàng. Còn Công ty cổ phần hạ tầng và bất động sản Việt Nam – VIID (do SCIC nắm giữ 45,15% cổ phần), vốn trước đây vẫn được nhắc đến nhiều khi đề cập về dự án, không còn thấy xuất hiện.

Theo tìm hiểu, ngày 26/10/2015, VIID đã ký Hợp đồng chuyển nhượng99,9% phần vốn góp theo bộ Hợp đồng hợp tác kinh doanh tại dự án số 3 Lương Yên cho Công ty cổ phần xây dựng, đầu tư bất động sản Việt Minh Hoàng (Công ty Việt Minh Hoàng).

Tổng giá trị chuyển nhượng là 94 tỷ đồng. Tại thời điểm chuyển nhượng dự án mới triển khai xong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chưa hình thành tài sản trên đất.

Cũng trong tháng 10/2015, cơ cấu lãnh đạo Việt Minh Hoàng cũng xuất hiện những thay đổi quan trọng. Ông Trần Khanh – người nắm giữ nhiều trọng trách và cả cổ phần tại nhiều doanh nghiệp thành viên của Sungroup – thay ông Bùi Văn Thanh trong vai trò Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Công ty Việt Minh Hoàng.

Được biết, Công ty Việt Minh Hoàng được thành lập ngày 1/4/2016 với vốn điều lệ ban đầu ở mức khiêm tốn, chỉ 50 tỷ đồng, do các ông bà Trần Thị Anh Thơ, Đàm Văn Hiệp, Bùi Văn Thanh và Ngô Mạnh Quân góp vốn thành lập. Song, đến thời điểm này, cả 4 cổ đông sáng lập trên đều đã chuyển nhượng vốn góp.

Công ty này cũng vừa trải qua một quá trình tăng vốn ấn tượng, từ 50 tỷ đồng lên mức 750 tỷ đồng vào ngày 21/03/2016 và tiếp tục tăng lên mức 1.780 tỷ đồng vào ngày 7/9/2016.

Được biết, CTCP Dịch vụ Cáp treo Bà Nà (một thành viên của Sungroup) hiện đang nắm giữ 73,87 triệu cổ phần phổ thông, chiếm 41,50% vốn điều lệ Công ty Việt Minh Hoàng. Phần vốn này được ủy quyền cho bà Đỗ Thị Tuyết Hạnh đại diện.

Về phần Vinafood 1 - pháp nhân có liên quan khác đến dự án số 3 Lương Yên, được biết, theo Quyết định Điều chỉnh, bổ sung Đề án tái cơ cấu Vinafood 1 giai đoạn 2011 – 2015 của Thủ tướng Chính phủ, Vinafood 1 và 2 công ty con là Công ty TNHH MTV Lương thực Lương Yên và Công ty TNHH MTV Muối Việt Nam sẽ được cổ phần hóa vào năm 2017.

Khi đó, vai trò và đóng góp của Vinafood 1 trong dự án số 3 Lương Yên sẽ được xem xét và định giá ra sao trong kế hoạch cổ phần hóa tới đây của Tổng công ty này cũng là một nội dung rất đáng chú ý.

Title

Trao đổi với PV, KTS. Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam đánh giá, việc Hà Nội cho triển khai nghiên cứu lập phương án quy hoạch thành phố là rất tốt và cần thiết.“Nhưng quy hoạch chỉ là một chuyện, quy hoạch chỉ là bản vẽ. Cái mà dư luận bức xúc hiện nay là tại sao nhiều nhà cao tầng thế, ách tắc giao thông trầm trọng thế.

Chúng ta đã làm vành đại 1, vành đai 2, vành đai 3, chuẩn bị là vành đai 4, mở rất nhiều tuyến đường, làm đường sắt trên cao, làm tầu điện ngầm, làm xe bus nhanh mà tình trạng vẫn không được cải thiện, thậm chí trầm trọng thêm. Quy hoạch đặt ra là để giải quyến vấn đề đó”.

Theo vị chuyên gia, điểm bất cập của Hà Nội là giữa quy hoạch được duyệt và thực tiễn đời sống không giống nhau. “Bởi vì chúng ta hay điều chỉnh quy hoạch, tức là quy hoạch sau phủ nhận quy hoạch trước” – ông nói. Đồng thời, đánh giá: “Bức xúc hiện tại không hẳn đã nằm ở quy hoạch.

Mà vấn đề ở chỗ, quy hoạch được duyệt - chúng ta thiếu một sự tôn trọng cần thiết. Ai lên chỉ là kế thừa và thực hiện tiếp nó chứ không phải để thay đổi nó. Tức là tầm nhìn chúng ta ngắn, tầm nhìn chúng ta phải vượt qua tư duy nhiệm kỳ, tầm nhìn vượt trước 50 -70 năm hoặc hàng trước thế kỷ”.

Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng chỉ ra một số bất cập trong công tác quản lý quy hoạch, điển hình là việc cấp phép quá nhiều dự án cao tầng trong khu vực nội đô.

“Nhà đầu tư họ xây nhà xong họ đi, thu tiền xong họ đi. Cái làm cho ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông nhà đầu tư không phải chịu mà là nhà nước chịu. Nhà nước phải đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho cơ sở hạ tầng, tiền đó là tiền đi vay, tiền thuế của nhân dân đóng góp”.

“Vậy nên, cần phải có một cơ chế quản lý. Chẳng hạn đối với các dự án đầu tư tại các khu “đất vàng”, tạo áp lực giao thông lớn, khi đó, nhà đầu tư muốn triển khai thì phải đóng góp một khoản tiền vào ngân sách, để nhà nước sử dụng số tiền này cải tạo hạ tầng”, vị KTS khuyến nghị.

LAN NHI
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement