02/11/2020 10:27
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 và những kỷ lục 'vô tiền khoáng hậu'
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 có lẽ sẽ đi vào lịch sử Hoa Kỳ như một cuộc đua với những sự kiện lạ lùng và những kỷ lục chưa từng thấy.
Dù vị lãnh đạo trong 4 năm tới sẽ là ai – đương kim Tổng thống Donald Trump hay ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden - bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 có lẽ sẽ đi vào lịch sử Hoa Kỳ như là một cuộc đua với những sự kiện lạ lùng và những kỷ lục chưa từng thấy.
Phiên tranh luận bị hủy bỏ vì ứng viên bị mắc bệnh
Ngày 3/10, cả thế giới, không riêng gì nước Mỹ xôn xao trước công bố của Nhà Trắng về việc Tổng thống Donald Trump và Đệ nhất Phu nhân Melania Trump dương tính với COVID-19, mở đầu chuỗi rắc rối cho chiến dịch tranh cử đang hồi nước rút của ông.
Hiện tại, ông Trump đang phải tự cách ly và nhiều nhân viên Nhà Trắng đã được yêu cầu làm việc tại nhà. Ảnh: Reuters |
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử bầu cử Mỹ, cuộc tranh luận Tổng thống phải hủy bỏ vì ứng viên “bị ốm”. Dẫu vậy, hai người vẫn tiến hành hai hoạt động tiếp xúc cử tri trên truyền hình ở hai kênh khác nhau vào đúng thời gian cuộc tranh luận thứ hai bị hủy bỏ, theo VTC News.
Bỏ phiếu trước đạt kỷ lục mới
Tính đến ngày 1/11, đã có hơn 90 triệu cử tri bỏ phiếu trước thông qua hình thức bỏ phiếu qua thư. Đây thực sự là con số kỷ lục. Bởi trong cuộc bầu cử 2016, tổng số cử tri đi bầu cũng chỉ đạt con số 120 triệu người. Theo nhiều chuyên gia bình luận, năm nay có lượng người bỏ phiếu sớm là bởi vì đại dịch COVID-19 khiến người dân lo ngại.
Thay đổi lãnh đạo tòa án tối cao ngay trước thềm bầu cử
Sự ra đi của cố Thẩm phán Tòa án tối cao Mỹ Ruth Bader Ginsburg và người kế nhiệm do ông Trump chỉ định - Amy Coney Barrett – nhậm chức trở thành sự kiện mang tính lịch sử của cơ quan này. Không chỉ vậy, giới quan sát đánh giá việc Trump bổ nhiệm người ủng hộ mình vào vị trí thẩm phán tối cao có lợi rất nhiều cho ông trong quá trình bầu cử. Nước Mỹ đã có tiến trình phê chuẩn nhanh nhất từ trước đến nay cho vị trí này, chưa tới 40 ngày.
Bà Barrett được cho là sẽ giúp củng cố thế đa số vững chắc cho phe bảo thủ tại Tòa án tối cao. Hơn nữa, ở tuổi 48, nữ thẩm phán này sẽ còn rất nhiều thời gian để giúp phe bảo thủ giữ vững những quan điểm chính sách của họ trong nhiều thập kỷ tới.
Bầu cử trong bối cảnh suy thoái kinh tế
Số liệu GDP quý III/2020 của Mỹ. Ảnh: CNBC |
GDP quý II của Mỹ giảm 32,9%, mức giảm thấp nhất từ năm 1947, gấp gần 4 lần quý tệ nhất lúc khủng hoảng tài chính. Mức sụt giảm GDP quý II năm nay cao gấp gần 4 lần đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính. Khi đó, GDP Mỹ giảm 8,4% trong quý IV năm 2008.
Các hoạt động kinh doanh trong hai quý đầu năm 2020 của Mỹ ngưng trệ vì các biện pháp phong toả. Đại dịch khiến chuỗi tăng trưởng kinh tế dài nhất của Mỹ chấm dứt và xoá sạch thành quả kinh tế 5 năm chỉ sau một vài tháng.
Đây thậm chí còn không phải một cuộc suy thoái thông thường. Sự cộng hưởng giữa khủng hoảng sức khoẻ cộng đồng và kinh tế là chưa từng thấy. Những con số không thể truyền tải đầy đủ những khó khăn mà hàng triệu người Mỹ đang phải đối mặt.
Quý III/2020 cho thấy một sự hồi phục kỳ diệu của nước Mỹ, đạt mức tăng GDP lên tới 33,1%.
Hai ứng viên đều có bê bối và đều bị truyền thông mổ xẻ
Vào mỗi “mùa” bầu cử, truyền thông Mỹ luôn có đề tài để mổ xẻ - những bê bối của các ứng viên đại diện cho các đảng. Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ 2020, truyền thông thế giới ngập tràn tin tức vụ trốn thuế nhiều năm của ông Trump và vụ con trai Joe Biden “kinh doanh phi pháp” ở Ukraine.
Nếu như ông Trump vẫn luôn khẳng định mình nộp hàng triệu USD tiền thuế trước tin đồn ông trốn thuế và chỉ nộp 750 USD tiền thuế trong hai năm liền thì ông Biden phải đối phó với các thông tin khẳng định con trai Hunter dựa vào danh tiếng của ông để tiến hành các hoạt động “kinh doanh phi pháp” ở nước ngoài. Dĩ nhiên, cả hai ứng viên đều phủ nhận các cáo buộc.
Tổng thống Donald Trump tại sự kiện vận động tranh cử ở Washington Township, Michigan, ngày 1/11. Ảnh: Reuters. |
Hiện tại, Trump và đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden đều tập trung đẩy mạnh tranh cử tại những bang chiến trường trong hai ngày vận động bầu cử cuối cùng.
Tổng thống Donald Trump ngày 1/11 tổ chức 5 cuộc bầu cử tại một số bang quan trọng, nơi ông đang theo sau hoặc dẫn trước đối thủ Joe Biden với cách biệt rất nhỏ, theo VnExpress.
Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Biden trong khi đó dành ngày 1/11 ở Philadelphia, một bang chiến trường có ý nghĩa quyết định cục diện cuộc bầu cử năm nay.
Trump khởi động lịch trình bận rộn của mình tại Michigan, nơi ông tổ chức một buổi vận động tranh cử ở Washington Township dưới cái lạnh âm 29 độ C với gió mạnh và tuyết rơi. Sau khi tới Michigan và Iowa, Trump tiếp tục có các sự kiện tranh cử ở Bắc Carolina, Georgia và Florida vào tối cùng ngày.
(Tổng hợp)
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp