04/11/2019 07:39
Bất ổn ở TTC Land!
Hàng loạt nhân sự cấp cao của TTC Land ra đi hoặc đổi chỗ, sự chuyển hướng kinh và mở rộng doanh ở TTC Land chưa mang lại hiệu quả.
Xáo trộn nhân sự cấp cao
Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín-TTC Land (SCR) vừa công bố Nghị quyết số 42/2019/NQ-HĐQT về thay đổi cơ cấu nhân sự công ty. Theo đó, kể từ 1/11/2019, ông Nguyễn Đăng Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị sẽ thôi kiêm nhiệm chức danh Tổng Giám đốc TTC Land. Thay vào đó, ông Vũ Quốc Thái được tuyển dụng và bổ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc.
Ông Vũ Quốc Thái đang là Tổng Giám đốc Công ty DHA, đã từng công tác tại mảng chiến lược kinh doanh của TTC Land. Cụ thể, từ 2012-2016 ông Thái là Trưởng phòng Chiến lược kinh doanh của Công ty Địa ốc Sài Gòn Thương Tín. Từ 2016-2017, ông Thái là Trợ lý của Chủ tịch sáng lập TTC Land. Năm 2017-2019, ông Thái giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc khối Kinh doanh Tiếp thị của Công ty DHA.
Sự thay đổi cơ cấu nhân sự cấp cao ở TTC Land khiến nhiều người bất ngờ. Bởi trước đó chỉ vài tháng, ông Nguyễn Đăng Thanh được giao cả chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc với kỳ vọng tìm lại ánh hào quang năm xưa cho TTC Land.
Cụ thể, khoảng nửa năm trước, TTC Land công bố Nghị quyết bổ nhiệm ông Nguyễn Đăng Thanh làm Tổng giám đốc thay ông Bùi Tiến Thắng. Trước đó, tại đại hội cổ đông thường niên 2018, ông Thanh cũng được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị TTC Land.
Ông Nguyễn Đăng Thanh rời vị trí Tổng giám đốc sau khoảng nửa năm tại vị. |
Ông Nguyễn Đăng Thanh, sinh năm 1976, là Cử nhân ngành Kinh doanh tiền tệ, tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM. Ông có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, bất động sản.
Ông Thanh cũng tự nhận mình là “người học trò” của Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công-TTC Group, ông Đặng Văn Thành. Trên cương vị mới, ông Thanh sẽ chịu trách nhiệm định hướng chiến lược từ hoạt động tái cấu trúc tổ chức và tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh kinh doanh, quản lý và vận dụng nguồn vốn, kêu gọi sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài.
Trở về với TTC Land, ông Nguyễn Đăng Thanh coi đây là cơ hội để có thể tái ngộ với sếp cũ là ông Đặng Văn Thành sau nhiều năm. Trước đó, ông Thanh đã nhận được lời mời từ ông Đặng Văn Thành về làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc của TTC Land.
Không chỉ ông Thanh, nhân sự cấp cao ở TTC Land cũng liên tục thay đổi. Trước đó, ông Nguyễn Quốc Vinh đã xin từ nhiệm khỏi chức vụ Phó tổng Giám đốc TTC Land. Ông Vinh là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thương mại Hải Phòng Plaza.
Thời điểm ông Vinh rời TTC Land gần như cùng lúc với việc TTC Land chuyển nhượng 21,7 triệu cổ phần, tương ứng 70% vốn tại Thương mại Hải Phòng Plaza. Tổng giá trị thu về đạt 311,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, bên mua cổ phần phải hoàn trả cho TTC Land các khoản tiền và tương đương tiền theo số liệu trên báo cáo tài chính của Thương mại Hải Phòng Plaza sau khi bù trừ các khoản đầu tư, phải thu, phải trả tương ứng với số lượng cổ phần chuyển nhượng. Thương mại Hải Phòng Plaza thành lập từ năm 2006, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Ngoài hai cái tên đình đám nói trên, ban lãnh đạo TTC Land cũng liên tục biến động. Cụ thể, hồi cuối tháng 5, Hội đồng quản trị cho thôi chức vụ Thư ký đối với bà Huỳnh Kim Yến. Cũng trong tháng này, TTC Land cũng miễn nhiệm ông Hồ Hữu Nhân khỏi vị trí Phó tổng Giám đốc.
Đến tháng 6/2019, TTC Land cũng đã thông qua Nghị quyết miễn nhiệm 2 Phó tổng Giám đốc Nguyễn Quốc Vinh và bà Nguyễn Thị Mai Thảo theo nguyện vọng cá nhân. Tới ngày 19/7, Hội đồng quản trị miễn nhiệm ông Nguyễn Văn Triển khỏi chức vụ Giám đốc Tài chính, đồng thời bổ nhiệm ông Lê Hùng Cường thay thế.
Hồi 22/8, Hội đồng quản trị TTC Land thông qua việc miễn nhiệm chức vụ Phó tổng Giám đốc đối với ông Phạm Trung Phan Xuân Quang. Ông Quang sinh năm 1980, là Cử nhân Công nghệ thông tin Đại học Hùng Vương, ông được bổ nhiệm vào vị trí Phó tổng Giám đốc từ ngày 17/12/2018.
Còn ở đại hội cổ đông thường niên 2019, Hội đồng quản trị TTC Land đã có tờ trình hết nhiệm kỳ 5 năm đối với bà Huỳnh Bích Ngọc, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị. Do đó, số Thành viên Hội đồng quản trị từ 6 xuống còn 5 người.
Bà Bích Ngọc là vợ ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC Group, cổ đông sở hữu 22,4% vốn điều lệ của TTC Land. Hiện tại, bà Ngọc sở hữu 0,18% vốn điều lệ của TTC Land. Con trai ông Thành và bà Ngọc là Đặng Hồng Anh nắm 10,11% vốn điều lệ của TTC Land.
Ngoài ra, Hội đồng quản trị TTC Land cũng trình miễn nhiệm Thành viên Hội đồng quản trị với Chủ tịch Hội đồng quản trị Phạm Điền Trung và Thành viên Hội đồng quản trị độc lập Tạ Chí Cường.
Sống “tầm gửi”
Không chỉ xáo trộn về mặt nhân sự cấp cao, kết quả kinh doanh của TTC Land cũng đang bộc lộ nhiều vấn đề. Trong báo cáo tài chính quý III/2019, TTC Land công bố doanh thu tăng 47%, đạt 321 tỷ đồng. Trong đó, 87% doanh thu này đến từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bất động sản. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 33% cùng kỳ năm trước còn 3% trong quý này.
Quý III/2019, TTC Land đang sống nhờ công ty liên kết. |
Cụ thể, trong kỳ, doanh thu SCR đạt 321 tỷ đồng, tăng 47% so cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng 113% khiến lãi gộp Công ty còn vỏn vẹn 8 tỷ đồng, giảm 89%. Quý III, hoạt động kinh doanh chính của SCR gặp nhiều khó khăn do sự giảm tốc của thị trường. Mảng chuyển nhượng bất động sản có tỷ trọng lớn nhất (chiếm 87%) thậm chí chịu lỗ gộp, trong khi mảng dịch vụ cho thuê dù tăng mạnh nhưng con số tuyệt đối doanh thu chỉ 21 tỷ đồng.
TTC Land lãi ở quý III là nhờ chuyển nhượng cổ phần tại Công ty Cổ phần Thương mại Hải Phòng Plaza, sau gần 18 tháng nắm giữ kể từ khi nhận chuyển nhượng. Ngoài ra, yếu tố có ảnh hưởng lớn lên kết quả của SCR chính là phần lãi 137 tỷ đồng từ liên kết liên doanh. Kết quả là SCR báo lãi gần 170 tỷ đồng, gấp 4,5 lần cùng kỳ năm trước.
Đến cuối quý 3, SCR đang có 7 công ty liên kết với tổng vốn đầu tư (theo giá gốc) là gần 800 tỷ, tăng 32% so với đầu năm.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu giảm 64% còn 739 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ tăng 50% lên 304 tỷ đồng. Như vậy sau 9 tháng, công ty hoàn thành 25% kế hoạch doanh thu và 95% lợi nhuận năm.
Tính đến 30/9, TTC Land có hơn 1.405 tỷ đồng người mua trả trước ngắn hạn (khoản tiền trả trước hay đặt cọc của khách hàng theo các hợp đồng chuyển nhượng bất động sản để bán từ các dự án). Số tiền này đã giảm 87 tỷ đồng so với cuối quý II.
Trong quý III, công ty đã trả 326 tỷ đồng nợ vay, chủ yếu là vay ngắn hạn. Tới cuối kỳ, TTC Land vay nợ 2.241 tỷ đồng. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 0,47 lần. Hàng tồn kho cuối kỳ 4.295 tỷ đồng, giảm 8% so với cuối quý trước. Trong đó, bất động sản dở dang lớn nhất là dự án Jamona City (1.910 tỷ đồng).
Có lợi nhuận nhưng kết quả mà cổ đông nhận được chỉ là cổ phiếu. Trong đợt trả cổ tức sắp tới, TTC Land sẽ thực hiện phương án phát hành hơn 27,1 triệu cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông. Tỷ lệ phát hành 8%, có nghĩa cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận về 8 cổ phiếu mới.
Giá trị phát hành 271 tỷ đồng. Nguồn vốn phát hành lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính bán niên năm 2019 đã kiểm toán của công ty. Thời gian thực hiện ngay trong quý IV/2019 sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Đặt nhiều kỳ vọng trong 2019 nhưng TTC Land đang có nhiều bất ổn. |
Cổ đông phải nhận cổ phiếu nhưng cổ phiếu SCR của TTC Land mở đầu phiên giao dịch ngày 4/11 là 6.200 đồng/cổ phiếu, đang ở dưới mệnh giá và thị giá ở mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua.
TTC Land có hóa “Rồng”?
Năm 2019, chứng kiến nhiều xáo trộn trong công tác nhân sự cấp cao, phương hướng kinh doanh của TTC Land. Tất cả những điều ấy đều hướng đến múc đích là giúp TTC Land tìm lại ánh hào quanh năm xưa và lấy lại vị thế “ông lớn” trên thị trường bất động sản.
Nên nhớ, TTC Land là thương hiệu mới của Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín, thay cho Sacomreal vào ngày 29/3/2018. Sacomreal là thương hiệu của Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (SCR) từ những ngày đầu thành lập. Công ty này có mã số doanh nghiệp 0303315400, được đăng ký lần đầu vào ngày 29/3/2004 với vốn điều lệ 11 tỉ đồng và đăng ký thay đổi lần thứ 28 vào ngày 2/12/2017. Hiện tại, TTC Land có trụ sở chính tại 253, Hoàng Văn Thụ, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM.
Quá trình thành lập và hoạt động trong 14 năm qua của Sacomreal luôn nằm dưới cái bóng của Sacombank. Sacomreal có 11 cổ đông sáng lập với 5 pháp nhân và 6 cá nhân. Những ngày đầu thành lập, hoạt động chính của doanh nghiệp này là cung cấp dịch vụ quảng cáo và bán bất động sản, pháp lý nhà đất, tư vấn thiết kế và trang trí nội thất… Đến năm 2005, Sacomreal tiến hành đa dạng hóa các lĩnh vực hoạt động, trong đó chú trọng đầu tư kinh doanh nhà ở.
Sacomreal chuyển mình trở thành đại gia trong làng bất động sản vào năm 2008. Tuy nhiên, hiệu quả thì trái ngược hẳn quy mô doanh nghiệp. Thời điểm này, Sacomreal đầu tư xây dựng các dự án như chung cư Hòa Bình ở quận Tân Phú, căn hộ Phú Lợi 1 ở quận 8, cao ốc văn phòng Sacomreal-Generalimex ở quận 1, Khu căn hộ cao cấp Belleza quận 7...
Năm 2010, khi ông Đặng Hồng Anh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Sacomreal niêm yết 100 triệu cổ phiếu trên HNX. Vốn điều lệ của Sacomreal lúc niêm yết là 1.000 tỉ đồng. Như vậy, chỉ sau 6 năm thành lập, vốn điều lệ của Sacombank đã tăng gần 91 lần.
Ở thời điểm đó, Sacomreal là ngôi sao sáng trên thị trường địa ốc TP.HCM. Giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên của cổ phiếu SCR trên HNX là 26.100 đồng/cổ phiếu và nằm trong top 10 các công ty bất động sản có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán với 1.430 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu 2.257 tỉ đồng và tổng tài sản lên đến 6.519 tỉ đồng.
Sau 14 năm có mặt trên thị trường, dấu ấn đậm nét của Sacomreal là chuỗi 3 dòng sản phẩm chuyên biệt như Jamona (biệt thự, nhà phố), Charmington (căn hộ cao cấp), Carillon (căn hộ tầm trung).
Chuyển mình thành TTC Land, công ty sẽ thực hiện mô hình quản trị tập trung khi tiến hành xây dựng 5 Tổng công ty ngành tương ứng 5 ngành nghề khác nhau của TTC Group. Trong đó bất động sản được xem là ngành chủ lực.
Đổi tên thành TTC Land, bên cạnh việc phát triển các dự án bất động sản dân dụng như trước nay, doanh nghiệp này sẽ mở rộng lĩnh vực hoạt động trong nhóm ngành bất động sản như bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản thương mại cho thuê, bất động sản khu vông nghiệp, logictis và các dịch vụ bất động sản.
Đối với mảng bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, TTC Land xem đây là lĩnh vực mới nhưng tương lai đầy hứa hẹn khi công ty sở hữu Khu phức hợp Vịnh Đầm ở Phú Quốc. Dự án này có tên thương mại là Ocean Lotus rộng 305ha, tọa lạc trên bãi biển tự nhiên rộng, tầm nhìn hướng biển. Ocean Lotus là dự án phức hợp gồm khu đô thị cảng biển, công nghiệp dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng tại phía Nam đảo Phú Quốc.
Sự chuyển mình từ Sacomreal sang TTC Land chưa mang lại hiệu quả. |
Với mảng bất động sản thương mại cho thuê, hiện nay TTC Land đang đưa Trung tâm thương mại TTC Plaza Tây Ninh vào hoạt động. TTC Land cũng đang thi công hai dự án là TTC Plaza Bình Thạnh ở TP. HCM và TTC Plaza Đức Trọng ở Lâm Đồng. Năm 2018, doanh nghiệp này sẽ triển khai thêm 2 dự án nữa là TTC Plaza Đà Nẵng và TTC Plaza Hải Phòng. Các dự án trung tâm thương mại do TTC Land phát triển đều là những dự án có quy mô lớn và nằm ở những vị trí sầm uất của khu vực.
Đối với mảng bất động sản khu công nghiệp, TTC Land thông qua các công ty thành viên đã sở hữu Khu Công nghiệp Thành Thành Công (TTCIZ) tại Tây Ninh có quy mô 1.020ha, Khu Công nghiệp Tân Kim mở rộng tại Long An hơn 53ha. Các khu công nghiệp đều nằm trong vùng trọng điểm Kinh tế phía Nam và tỷ lệ lấp đầy của hai khu công nghiệp này đã đạt 60%.
Còn về lĩnh vực dịch vụ bất động sản, TTC Land có hai đơn vị thành viên TTC Land Services chuyên tư vấn, phân phối các bất động sản với hơn 250 chuyên viên tư vấn chuyên nghiệp và TTC Land Management chuyên quản lý, vận hành, khai thác các bất động sản. Cả hai doanh nghiệp này đều có kinh nghiệm nhiều năm lích lũy dưới thời Sacomrel.
Hiện tại, TTC Land có tổng tài sản gần 17.000 tỷ đồng, quỹ đất sạch hơn 1.500ha đủ để công ty phát triển trong vòng 15 năm tới. Quy mô hoạt động của TTC Land không chỉ gói gọn tại khu vực phía Nam như thời Sacomreal mà sẽ mở rộng hoạt động đầu tư của mình khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam. Với mô hình Tổng công ty, TTC Land đang có 7 khối với 24 phòng ban chuyên môn.
Cho năm 2019, TTC Land đặt mục tiêu doanh thu thuần 2.969 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 340 tỷ đồng, tăng lần lượt 2% và 6% so với kết quả năm trước. Tỷ lệ cổ tức dự kiến không thấp hơn 7%.
Thế nhưng, tất cả những gì TTC Land nhận lại ở đây chỉ là sự bất ổn!
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement