25/09/2020 20:32
Bắt nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh cùng 2 đồng phạm
Tối 25/9, thiếu tướng Tô Ân Xô - Chánh văn phòng Bộ Công an cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra (C03) đã khởi tố, lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Quốc Anh (nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo Điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Đồng thời, Cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Hiền, nguyên Phó giám đốc bệnh viện và bà Trịnh Thị Thuận, nguyên Kế toán trưởng về cùng tội danh trên.
Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đang điều tra mở rộng vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty Cổ phần công nghệ y tế BMS (gọi tắt là Công ty BMS) và các đơn vị có liên quan trong việc thực hiện các đề án lắp đặt máy, thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai theo hình thức xã hội hóa.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy một số cá nhân tại Công ty BMS và Công ty VFS có thủ đoạn gian dối, hợp thức hóa các thủ tục để nâng khống nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai, nhằm chiếm đoạt số tiền lớn của người bệnh.
Bị can Trịnh Thị Thuận, Nguyễn Quốc Anh (giữa) và Nguyễn Ngọc Hiền. Ảnh: Bộ Công an. |
Theo Bộ Công an, quá trình mở rộng vụ án, cơ quan điều tra làm rõ hành vi sai phạm của một số lãnh đạo, cán bộ Bệnh viện Bạch Mai. C03 cáo buộc các bị can đã lợi dụng cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp y tế, chủ trương xã hội hóa liên doanh, liên kết mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh.
Từ kết quả điều tra bước đầu, C03 đã khởi tố, bắt tạm giam với Phạm Đức Tuấn (SN 1979) - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc BMS và Ngô Thị Thu Huyền (SN 1983) - Phó Giám đốc BMS. Cùng bị khởi tố về hành vi lừa đảo, bị can Trần Lê Hoàng (SN 1978) - Thẩm định viên VFS được áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, báo Tiền Phong đưa tin.
Bị can Tuấn, Huyền. |
Sau khi vụ án tại BV Bạch Mai được khởi tố điều tra, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã có những chia sẻ với báo chí và khẳng định: “Việc một số nhà đầu tư thiếu trung thực đưa vào Bạch Mai máy móc giá quá cao so với thực tế đã ảnh hưởng rất nhiều uy tín của bệnh viện. Và có thể có một số cán bộ Bạch Mai có thể liên quan điều đó. Tuy nhiên tôi khẳng định hơn 4.000 nhân viên y tế Bạch Mai hết sức tận tâm tận lực phục vụ bệnh nhân, và họ hầu như không được hưởng lợi từ nguồn thu không chính đáng đó”.
Ông Tuấn cho biết, trang thiết bị BMS nâng khống giá là 2 robot giúp hỗ trợ cho phẫu thuật sọ não và một số kỹ thuật chấn thương chỉnh hình. Đây là kỹ thuật cao làm giảm chảy máu và làm phẫu thuật chính xác hơn. Hiện 2 máy này đã được niêm phong để phục vụ điều tra và việc dừng 2 máy này không ảnh hưởng đến việc khám và điều trị bệnh nhân nói chung.
Cơ quan điều tra khẳng định đang tập trung lực lượng làm rõ hành vi vi phạm của các bị can, mở rộng điều tra các sai phạm tại Bệnh viện Bạch Mai để xử lý nghiêm trước pháp luật và thu hồi tài sản do phạm tội mà có.
Theo TTXVN, kết quả điều tra bước đầu có một số cá nhân tại Công ty BMS có hệ thống robot được nhập khẩu có giá trị 7,4 tỉ đồng (gồm VAT). Tuy nhiên, các bị can câu kết nâng khống lên 39 tỉ đồng, hợp thức bằng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý. Giá hệ thống robot là 7,4 tỉ đồng, chi phí khấu hao máy cho mỗi ca bệnh là 4 triệu đồng, nhưng với giá được khai thì người bệnh phải chi trả 23 triệu đồng/ca, chênh lệch 18 triệu đồng. Từ năm 2017-2019 có hơn 500 ca bệnh sử dụng thiết bị này, số tiền chênh lệch hưởng lợi chiếm đoạt của người bệnh là 10 tỉ đồng. |
(Tổng hợp)
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp