Từ năm 1996 đến nay, Nhơn Trạch diễn ra 5 cơn sốt đất. Hệ quả là hàng tỷ USD được bơm vào thị trường, hàng trăm ha đất bị bỏ hoang cùng nhiều căn nhà không người ở.
Advertisement
Huyện Nhơn Trạch nằm ở phía Tây Nam tỉnh Đồng Nai và phía Đông TP.HCM, cách TP.HCM 20km và cách sân bay Long Thành tương lai chỉ 10km. Việc di chuyển giữa nơi này đến TP.HCM hiện thông qua phà Cát Lát, nối quận 2 và Nhơn Trạch.
Huyện Nhơn Trạch được xem là trung tâm của vùng tam giác phát triển kinh tế TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa -Vũng Tàu và được đánh giá là cánh tay nối dài về phía Đông của TP.HCM.
Cơn sốt đất đầu tiên của Nhơn Trạch diễn ra vào năm 1996, khi huyện này được phê duyệt quy hoạch lên thành phố, là đô thị loại II với dân số dự kiến năm 2005 là 100.000 người cho diện tích 2.000ha và đến năm 2020 khoảng 500.000 người cho diện tích 8.000ha. Huyện Nhơn Trạch có đầy đủ các khu chức năng như công nghiệp, dân dụng, đô thị...
Trong quy hoạch tổng thể, thành phố mới Nhơn Trạch có hàng trăm dự án thành phần với nhiều lợi thế. Chính vì vậy, nơi đây trở thành cuộc đua của các dự án phát triển khu đô thị, khu dân cư mới. Tuy nhiên, thành phố mới này không thu hút người dân đến sinh sống như kỳ vọng. Hàng chục dự án đã "chết lâm sàng" tại đây.
Lần thứ 2,giá đất Nhơn Trạch lên đỉnh bắt đầu từ năm 2006, khi có thông tin xây cầu nối với quận 9, TP.HCM. Đến năm 2014, dự án sân bay quốc tế Long Thành được thông qua chủ trương, đất đai ở huyện Nhơn Trạch lại sốt lần thứ 3, sau đó trầm lắng.
Lần thứ 4 là vào năm 2016, khi TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương bổ sung quy hoạch xây dựng cầu thay thế phà Cát Lái. Điểm đầu dự án kết nối với nút giao thông Mỹ Thủy, quận 2 và điểm cuối cách bến phà Cát Lái hiện hữu khoảng 1,2km, thuộc xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch.
Lần thứ 5 là hồi đầu tháng 8 vừa qua, khi UBND tỉnh Đồng Nai họp với TP.HCM về phương án xây cầu Cát Lái. Theo đó, Đồng Nai tỏ ra sốt ruột với việc TP.HCM chậm triển khai các thủ tục để có phương án xây cầu Cát Lái, nên tỉnh Đồng Nai đang muốn thay TP.HCM chủ trì thực hiện dự án.
Tại cuộc họp này, TP.HCM đồng ý "nhường" cho Đồng Nai làm chủ đầu tư dự án xây cầu Cát Lái. Thông tin này một lần nữa đã khiến thị trường bất động sản Nhơn Trạch sốt ảo trở lại. Bởi tàn tích của 2 lần sốt đất trước đó là hàng trăm ha đất nền đã làm xong hạ tầng nhưng không có một nóc nhà, cỏ dại mọc um tùm. Một số biệt thự, chung cư đã xây xong phần thô thì rêu phong phủ kín…
Nằm dọc đường Lê Hồng Phong của khu đô thị mới Nhơn Trạch có hàng chục căn biệt thự đang xây dựng dang dở.
Đây là tàn tích còn sót lại của đợt sốt đất lần đầu tiên, sau khi Nhơn Trạch được quy hoạch để trở thành đô thị loại II.
Những căn biệt thự ở đây nằm ở mặt tiền đường Lê Hồng Phong, thời điểm đó trị giá mỗi căn lên tới vài chục tỷ đồng.
Tuy nhiên, bong bóng bất động sản xì hơi khiến nhà đầu tư bỏ chạy, những căn biệt thự này bị bỏ chỏng chơ giữa trời.
Một căn biệt thự trị giá hàng tỷ đồng bị bỏ hoang.
Không chỉ dọc đường Lê Hồng Phong, sát trung tâm hành chính của huyện Nhơn Trạch, việc nhà đầu tư bỏ chạy, chung cư xây dựng xong không có người ở là điều bình thường.
Điển hình như chung cư này, nằm cách trung tâm hành chính huyện Nhơn Trạch chỉ vài bước chân, đã hoàn thiện nhưng không có ai vào ở.
Căn biệt thự này nằm cách trung tâm hành chính Nhơn Trạch 500m, đã hoàn thành phần thô nhưng bỏ hoang vài năm nay.
Ở khu vực này, không chỉ một vài căn mà là cả dãy biệt thự bỏ hoang.
Tường nhuốm rêu phong, những căn biệt thư này bắt đầu xuống cấp.
Bên trong những căn biệt thự này rất nham nhở.
Vẻ hoang vu đến lạnh người.
Xung quanh trung tâm hành chính huyện Nhơn Trạch không thiếu các căn biệt thự đã làm xong móng rồi để đó.
Cỏ mọc um tùm, che khuất cả phần sắt của các căn biệt thự đã làm xong móng.
Nguyên nhân khiến hàng loạt căn biệt thự, chung cư ở Nhơn Trạch chết yểu là do giới đầu cơ đẩy giá đất lên quá cao. Hệ quả là khi nhắc đến Nhơn Trạch, nhiều người vẫn nghĩ đến khu đô thị ma khiến cho tình hình càng trở nên ảm đạm.
Bài 2: Làm khu đô thị để trồng keo tràm và khoai mì
Ở xã Phước An và xã Long Thọ của huyện Nhơn Trạch có hàng chục dự án bất động sản đã làm xong hạ tầng, điện nước, nhưng chỉ để trồng keo lá tràm và khoai mì. Nguyên nhân là do giá đất quá cao và thiếu các công trình phụ trợ như chợ, trường học, bệnh viện, trung tâm vui chơi giải trí…