05/03/2022 08:10
Bất động sản nghỉ dưỡng vào vụ thu gom
Bất động sản nghỉ dưỡng được đánh giá sẽ bứt phá mạnh mẽ trong năm 2022, khi hoạt động du lịch dần mở cửa. Theo đó, làn sóng thu gom những dự án nghỉ dưỡng phải thanh lý do ảnh hưởng dịch cũng trỗi dậy.
Đẩy mạnh “bắt đáy” dự án thanh lý
Bắt đầu câu chuyện với phóng viên, anh Tâm, chủ một khách sạn 8 tầng với 1.200 m2 mặt sàn trên đường Dương Khuê, TP. Đà Nẵng chia sẻ, anh đang đăng lại thông tin rao bán khách sạn này trên các trang quảng cáo, rao vặt bất động sản để tìm khách mua mới.
Anh cho biết, khách sạn vừa đầu tư xong thì dịch Covid-19 tái bùng phát nên phải ngừng kinh doanh, tổng chi phí vào khoảng 35 tỷ đồng, nhưng nay chấp nhận bán thanh lý với giá 23-25 tỷ đồng, tức chịu lỗ khoảng 30%.
“Mặc dù du lịch Đà Nẵng đang phục hồi dần, điển hình như dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, lượng khách đổ về rất đông, nhưng tôi cũng không thể vận hành hay cầm cự thêm vì đã cạn vốn, mà ngân hàng thì không cho vay thêm. Cũng may, hiện có nhiều nhà đầu tư quan tâm hơn so với 1 năm trước nên cơ hội bán thành công cũng cao hơn”, anh Tâm nói.
Tương tự, nhiều chủ khách sạn khác tại Đà Nẵng đều đang chấp nhận cắt lỗ từ 10-25% giá trị đầu tư, trong đó nhiều khách sạn vừa mới xây dựng xong. Theo tìm hiểu của phóng viên, câu chuyện “du lịch - sắm đất” đã quay trở lại với Đà Nẵng, khi nhiều nhà đầu tư (chủ yếu từ Hà Nội, TP.HCM) về đây săn dự án thanh lý giá rẻ.
Anh Hoàn, đại diện một nhóm nhà đầu tư từ Hà Nội cho hay: “Dịch bệnh rồi cũng phải qua đi và có thể vẫn còn rủi ro, nhưng tôi và nhóm bạn đều sẵn sàng chấp nhận. Chúng tôi đang tìm kiếm những khách sạn đẹp, gần biển, với mức giá khoảng 80-90 tỷ đồng để mua, hy vọng sẽ có thể triển khai vận hành ngay trong quý II/2022”.
Triển vọng sáng
Hiện tại, nhiều thị trường nghỉ dưỡng truyền thống như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc đang trở nên đặc biệt hấp dẫn các nhà đầu tư tìm mua dự án thanh lý, bên cạnh làn sóng đầu tư trở lại phân khúc này với loạt sản phẩm mới.
Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Đức Giới, Tổng giám đốc DK Land, đơn vị chuyên phân phối các sản phẩm nghỉ dưỡng tại Phú Quốc cho biết, dù thị trường chung gặp khó khăn nhưng phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng tại Phú Quốc vẫn duy trì được sự ấm nóng. Điều này đến từ việc Phú Quốc có được các dự án đầu tư bài bản, quy mô của các chủ đầu tư lớn như Vingroup, Sun Group... Ngay cả thời điểm khó khăn nhất thì thị trường này cũng ít thông tin rao bán khách sạn, khu nghỉ dưỡng, bởi suốt thời gian dịch bệnh diễn ra, Phú Quốc vẫn đón khách du lịch khá đều đặn, nhất là trong mùa hè hay các dịp lễ tết.
Về diễn biến thị trường hiện tại, theo ông Giới, ngày càng nhiều nhà đầu tư tìm mua bất động sản nghỉ dưỡng ở đây, điều này đến từ niềm tin phục hồi của ngành du lịch. Sản phẩm được quan tâm nhiều vẫn là căn hộ nghỉ dưỡng - vốn được xem như ngôi nhà thứ 2, vừa có thể sử dụng, vừa có thể khai thác cho thuê.
“Sản phẩm này có suất đầu tư hợp lý, được ngân hàng hỗ trợ nhiều, khả năng sinh lời từ cho thuê lại cao nên rất được quan tâm. Trong đó, khu vực Bắc, Nam đảo, hay sản phẩm trong dự án gần cáp treo, khu đô thị, sân bay, khu tham quan du lịch… đều được tiêu thụ tốt”, ông Giới cho hay.
Một điểm thú vị khác, theo ông Giới, đó là từ nhiều năm nay, Phú Quốc luôn là thị trường yêu thích của các nhà đầu tư phía Bắc, khi nhóm này chiếm tỷ trọng khoảng 70% cơ cấu nhà đầu tư tại đây, còn lại là đến từ TP.HCM, Tây Nam Bộ, việt kiều…
Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng gắn chặt với công tác chống dịch, nhưng mối quan tâm đến triển vọng ngành du lịch và câu chuyện bắt nhịp lại với thị trường này đã diễn ra từ cuối năm 2021. Ông Lê Xuân Nga, Tổng giám đốc BHS Group cho biết, các nhà đầu tư nhanh nhẹn, có kinh nghiệm đã tìm mua các sản phẩm nghỉ dưỡng từ cuối năm 2021, xuất phát từ tính toán điểm rơi thị trường phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 khi độ phủ vắc-xin lớn, người dân chủ động hơn trong ứng phó với bệnh dịch, đặc biệt là du lịch nội địa, quốc tế sẽ phục hồi trở lại.
“Năm qua là một năm khá thành công với nhiều nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng khi quyết định xuống tiền sớm và bắt đầu có lãi. Nhà đầu tư có kinh nghiệm thì đi trước, còn nhà đầu tư non tay hơn thì theo sau và dòng vốn tiếp tục chảy vào phân khúc này khi ngành du lịch đang dần mở cửa hoàn toàn, thậm chí năm 2023 sẽ còn tốt hơn nữa khi hoạt động giao thương trở lại mạnh mẽ”, ông Nga nói.
Cũng theo ông Nga, hiện tại, các thị trường nghỉ dưỡng biển như Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên... đang thu hút các nhà đầu tư nhờ có hạ tầng liên kết vùng hoàn thiện. Ngoài ra, thị trường Cam Ranh (Khánh Hòa) cũng đang “nóng”, đặc biệt là các dự án có mặt biển và mặt vịnh.
“Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ấm trở lại không chỉ từ các dự án thanh lý giá rẻ, mà còn bởi sự khan hiếm của sản phẩm khi nhiều dự án đến nay mới đủ điều kiện mở bán”, ông Nga chia sẻ thêm.
Về phân khúc đầu tư, ông Nga cho rằng, sản phẩm thấp tầng trong các dự án được quy hoạch hạ tầng bài bản, có tiện ích đầy đủ đang rất được săn đón, trong khi đất nền dân cư cạnh dự án chưa được quan tâm nhiều vì khó quản lý, khai thác. Tuy nhiên, một bộ phận nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn đang âm thầm mua gom để chờ tăng giá.
Còn ông Giáp Văn Kiểm, Chủ tịch AVLand đánh giá, 2022 sẽ là năm bứt phá của bất động sản nghỉ dưỡng, khi không chỉ ngành du lịch đang dần phục hồi, mà từ 2 năm trước dịch, nhà đầu tư đã tập trung vào đất nền, nhà phố, chung cư, đẩy mặt bằng giá các phân khúc này lên cao, trong khi giá bất động sản nghỉ dưỡng đang ở vùng đáy, nên nhà đầu tư đẩy mạnh “bắt đáy” để đón đầu xu hướng.
“Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông với nhiều tuyến đường cao tốc kết nối các điểm đến, nên các thị trường nghỉ dưỡng sẽ rất tiềm năng, có thể mang lại lợi nhuận cao cho các nhà đầu tư”, ông Kiểm nhấn mạnh.
Advertisement
Advertisement