Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Bất động sản nghỉ dưỡng qua thời 'nghỉ ngơi'

Quyết định mở lại tất cả các đường bay nội địa bắt đầu từ ngày 21/10/2021 của Bộ Giao thông - Vận tải tạo thêm “đòn bẩy” cho du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng “ấm” trở lại.

Những động lực phục hồi

Khẩn trương ban hành Chiến lược tổng thể về phòng chống dịch bên cạnh Kế hoạch phục hồi kinh tế để thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh Covid-19 và Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược này là một trong những vấn đề trọng tâm tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV đang diễn ra.

Theo đó, hầu hết các đại biểu Quốc hội đều nhìn nhận, việc đặt ra một chiến lược tổng thể phòng chống dịch là một bước đột phá, bởi lẽ thay vì “bị động” đóng cửa trước mỗi đợt bùng phát dịch, thì sự “chủ động” sẽ giúp nhiều ngành kinh tế, bao gồm cả du lịch và nhiều địa phương có được sự linh hoạt trong việc xây dựng các giải pháp để vừa chống dịch, vừa kinh doanh có hiệu quả.

photo-cms-tinnhanhchungkhoan-zadn-vn_1-6432(1).jpg
Nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng được giới thiệu ra thị trường ngay trong dịch. Ảnh: Dũng Minh

Thực tế, sau gần 2 năm kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, các chỉ số tăng trưởng ngành du lịch Việt Nam đều sụt giảm nghiêm trọng, trong đó cùng chịu thiệt hại nặng nề là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành và các nhà phát triển bất động sản nghỉ dưỡng - những đơn vị nỗ lực “nâng cánh” cho hạ tầng du lịch nghỉ dưỡng trong hàng chục năm qua và góp phần đưa Việt Nam vào tốp những quốc gia hấp dẫn nhất về du lịch nghỉ dưỡng.

Nói như ông Trần Đạo Đức, Phó tổng giám đốc CEO Group, lưu thông kinh tế sẽ là liều “vắc-xin” hiệu quả nhất, đồng thời tạo bước ngoặt để thị trường bất động sản với vai trò rất lớn trong đời sống kinh tế - xã hội nhanh chóng phục hồi trở lại, trong đó những phân khúc giàu tiềm năng như bất động sản nghỉ dưỡng sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ do nhu cầu du lịch giống như một chiếc lò xo đã bị nén lại quá lâu trong dịch.

CEO Group cũng là một trong những nhà phát triển bất động sản chịu nhiều tác động tiêu cực khi phải “gồng lỗ” trong suốt 2 năm vừa qua do ảnh hưởng dịch. Tuy nhiên, theo chia sẻ của lãnh đạo tập đoàn này, sự lạc quan với thị trường chưa bao giờ mất đi, nhất là với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, thậm chí còn coi dịch bệnh là cơ hội tái cơ cấu, nâng cấp chất lượng dịch vụ, tạo tiền đề bứt phá khi ngành du lịch hồi phục.

photo-cms-tinnhanhchungkhoan-zadn-vn_2-5327(1).jpg

Thực tế, nhu cầu của khách hàng, nhà đầu tư đối với các sản phẩm bất động sản nhà ở và bất động sản du lịch là rất lớn, bởi đây đều là các sản phẩm cơ bản, đáp ứng nhu cầu không thể thiếu của người dân.

Ông Nguyễn Thái Phiên, Phó tổng giám đốc NovaGroup

Thực tế, trong suốt giai đoạn giãn cách vừa qua, không chỉ CEO Group, mà nhiều nhà phát triển bất động sản nghỉ dưỡng khác cũng luôn có niềm tin vào thị trường nghỉ dưỡng, bởi không nhiều quốc gia có được lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và khí hậu cho hoạt động du lịch như Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Thái Phiên, Phó tổng giám đốc NovaGroup, giãn cách xã hội khiến nhiều dự án bị đình trệ, nhưng đó chỉ là khó khăn ngắn hạn, còn trong dài hạn, từ 3-5 năm tới thì không phải là vấn đề quá lớn, tác động xấu đến khả năng thu hồi lợi nhuận của chủ đầu tư. Thực tế, nhu cầu của khách hàng, nhà đầu tư đối với các sản phẩm bất động sản nhà ở và bất động sản du lịch là rất lớn, bởi đây đều là các sản phẩm cơ bản, đáp ứng nhu cầu không thể thiếu của người dân.

Lãnh đạo Tập đoàn Danh Khôi cũng nhìn nhận, khi công tác phòng chống dịch có thêm nhiều kết quả tích cực, dòng tiền sẽ dồn về “vùng trũng” là các dự án đất nền, đại đô thị, khu du lịch có tiềm năng phát triển. Bản thân các chủ đầu tư cũng luôn trong tâm thế sẵn sàng và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để tận dụng cơ hội thị trường hồi phục vào cuối năm 2021, từ đó làm bàn đạp cho các năm tiếp theo.

Tin vào tiềm năng thị trường

Các khảo sát mới đây cho biết, hoạt động tìm kiếm thông tin và đặt chuyến du lịch đang gia tăng nhanh chóng tại những nước đã tiêm chủng vắc-xin diện rộng. Theo Expedia - công ty mua sắm du lịch trực tuyến ở Mỹ, có tới 72% trong số 8.000 công dân ở 8 quốc gia cho biết có kế hoạch đi du lịch trong 12 tháng tới. Tại Việt Nam, theo khảo sát của BizLIVE với hơn 12.000 du khách nội địa, có đến 78,4% cho biết đã sẵn sàng khởi hành nếu chính quyền cho phép người có “hộ chiếu vắc-xin” được đi du lịch.

Số liệu thống kê của Batdongsan.com.vn cũng cho thấy, lượng người tìm kiếm sản phẩm bất động sản nói chung và bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng đã tăng nhanh kể từ tháng 8/2021, khi các thông tin về nới lỏng giãn cách xã hội dần được công bố. Đáng chú ý, một số dự án đô thị nghỉ dưỡng lớn với quy hoạch đồng bộ, sản phẩm đa dạng và chất lượng tại Hạ Long, Quy Nhơn, Quảng Bình… vẫn thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư, đạt tỷ lệ hấp thu tương đối tốt khoảng 30-40% ngay trong thời điểm dịch diễn biến căng thẳng nhất.

Nhìn vào giao dịch trên thị trường bất động sản nghỉ dưỡng thời gian qua, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho hay, nhà đầu tư đã cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn sản phẩm với các tiêu chí về chất lượng, an toàn được đưa lên hàng đầu. Theo đó, chỉ những dự án của chủ đầu tư uy tín, pháp lý minh bạch, xây dựng trên quy mô lớn với hệ sinh thái sản phẩm - tiện ích phong phú mới thực sự thu hút giới đầu tư.

Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, trong dịch, vẫn có nhiều nhà đầu tư quốc tế bày tỏ sự quan tâm tới bất động sản nghỉ dưỡng và khách sạn chất lượng cao tại Việt Nam, bao gồm cả các dự án đã đi vào hoạt động hoặc đang trong quá trình triển khai.

“Các thương hiệu khách sạn quốc tế sẽ tiếp tục gia nhập thị trường từ nay cho tới năm 2023, cung cấp khoảng 1.300 phòng nghỉ, tương đương 48% nguồn cung tương lai, bao gồm những thương hiệu lớn như Eastin, Grand Mercure, Fairmont, Four Seasons, Lotte, Dusit, Wink…”, ông Matthew Powell thông tin, đồng thời giải thích, sở dĩ có làn sóng đầu tư này là bởi các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao tiềm năng phục hồi của thị trường nghỉ dưỡng Việt Nam khi dịch được kiểm soát và các hoạt động phục vụ khách du lịch nội địa cũng như quốc tế được mở cửa trở lại.

Cũng theo ông Matthew Powell, điểm hấp dẫn cốt lõi của bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam vẫn nằm ở tỷ lệ lấp đầy phòng so với mặt bằng chung của thế giới. Điều này cũng sẽ tạo nên niềm tin vững chắc cho các nhà đầu tư, các đơn vị phát triển, quản lý vận hành quốc tế vốn luôn hào hứng và mong muốn rót tiền vào thị trường đầy tiềm năng này.

Ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, các nhà phát triển bất động sản lớn như Vingroup, Sun Group, Tân Á Đại Thành - Meyland, FLC, TNR Holding, Eurowindow Holding, Danh Khôi, Novaland… liên tục giới thiệu ra thị trường dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn và điểm đáng chú ý là các dự án đều có sự khác biệt trong xu hướng thiết kế.

Về vấn đề này, các chuyên gia nhận định, sự thay đổi bối cảnh kinh tế - xã hội và các yếu tố nhân khẩu học đang thúc đẩy sự hình thành các xu hướng mới, du khách có khuynh hướng “tìm kiếm trải nghiệm” hơn so với giai đoạn trước. Khách sạn giờ đây không chỉ đơn giản là nơi lưu trú, mà du khách sẽ mong muốn có nhiều trải nghiệm mới mẻ hơn, đồng thời có cơ hội tìm hiểu, khám phá văn hóa bản địa, mở mang tri thức mới, cảm nhận những nét riêng tại điểm đến du lịch.

Bên cạnh đó, các khách sạn cũng bắt đầu ứng dụng nhiều công nghệ mới trong hoạt động vận hành để thích ứng với xu hướng toàn cầu mới, cũng như những thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng.

TRANG VIỆT
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement