Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Bất động sản nghỉ dưỡng chờ 'nắng mai'

Vắng bóng du khách Trung Quốc khiến nguồn khách quốc tế tới Việt Nam sụt giảm mạnh, cùng với đó là sự “uể oải” của phân khúc bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng khi tín dụng địa ốc bị siết chặt.

Ngóng tín hiệu tích cực từ Trung Quốc

Thông tin từ Tổng cục Du lịch cho biết, tính đến tháng 11/2022, Việt Nam mới chào đón 2,95 triệu lượt khách quốc tế. Bù lại, hoạt động du lịch nội địa ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng với 96,3 triệu lượt, vượt mức 85 triệu lượt của cả năm 2019 – thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện.

Còn theo Savills, cùng thời điểm, thị trường khách sạn Việt Nam ghi nhận công suất phòng chỉ đạt hơn 60% so với cùng kỳ 2019. Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á - Thái Bình Dương cho biết, mức độ khôi phục hoạt động kinh doanh của các khu nghỉ dưỡng tại Việt Nam không đồng đều. Các dự án trước đây vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn khách quốc tế hiện gặp nhiều khó khăn để quay lại mức trước dịch. Các điểm đến như Nha Trang, Cam Ranh, Đà Nẵng… mới đạt 50% mức công suất của năm 2019. Các khách sạn tại Hà Nội và TP.HCM ghi nhận mức độ hồi phục tốt hơn nhờ nguồn khách công vụ, khách lưu trú dài hạn cũng như đoàn khách cao cấp (MICE).

Bất động sản nghỉ dưỡng chờ 'nắng mai' - Ảnh 1.

Nhiều điểm đến đang chờ đón làn sóng du khách Trung Quốc quay trở lại. Ảnh: Dũng Minh

Đặc thù khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là khách Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn. Năm 2019 - thời điểm “hoàng kim” của Việt Nam về thu hút khách quốc tế với hơn 18 triệu lượt khách, riêng khách Trung Quốc đã chiếm hơn 32% (khoảng 5,81 triệu lượt khách). Do đó, việc nước này duy trì chính sách “bế quan tỏa cảng” để phòng chống dịch trong thời gian dài đã tác động mạnh mẽ đến lượng du khách đến Việt Nam, khi tính từ đầu năm đến tháng 11/2022, lượng du khách Trung Quốc vào nước ta chỉ khoảng 55.000 người, chưa bằng 1% so với năm 2019.

Bởi vậy, động thái nới lỏng chính sách “Zero - COVID” của Trung Quốc mới đây là tín hiệu tích cực cho ngành du lịch cũng như thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam.

Theo báo cáo của Tập đoàn PropertyGuru, TP. Thượng Hải bị áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt kể từ tháng 4/2022 để tuân thủ chính sách “Zero - Covid” của Chính phủ Trung Quốc khiến hàng triệu người phải ở trong nhà. Tương tự, sau lệnh phong tỏa mới đây, TP. Bắc Kinh chứng kiến sự đột biến trong hoạt động tìm kiếm bất động sản ở nước ngoài của người dân, so với mức chỉ 15% vào tháng 4/2022.

Không chỉ Bắc Kinh hay Thượng Hải, tại 2 trung tâm kinh tế lớn khác của Trung Quốc là Thâm Quyến và Quảng Châu cũng chứng kiến xu hướng người dân gia tăng tìm kiếm bất động sản ở nước ngoài trong mùa dịch.

Đặc biệt, người Trung Quốc vẫn tích cực tìm kiếm thông tin về đầu tư tại Việt Nam và kinh tế Việt Nam trên WeChat - mạng truyền thông xã hội lớn nhất nước này và lượng tìm kiếm tăng đột biến với từ khóa “đầu tư Việt Nam” đạt 4 triệu yêu cầu tìm kiếm mỗi ngày (tính tại thời điểm ngày 25/1/2022).

Hay trên Baidu - công cụ tìm kiếm trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, những từ khóa liên quan tới Việt Nam được tìm kiếm nhiều nhất xếp theo thứ tự ưu tiên là: Mua bất động sản tại Việt Nam, giá bất động sản tại Hà Nội, mua bất động sản tại Hà Nội, mua/bán nhà đất tại TP.HCM, giá bất động sản tại TP.HCM…

Chờ ngày nắng lên

Bất động sản nghỉ dưỡng chờ 'nắng mai' - Ảnh 2.

Đặc thù khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là khách Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn.Ảnh: Dũng Minh

Ông Nguyễn Phạm Kiên Trung, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch miền Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Định cho biết, Trung Quốc là thị trường rất quan trọng, cung cấp lượng khách lớn nhất cho ngành du lịch Việt Nam. Bởi vậy, việc nước này dần nới lỏng các quy định chống dịch sau thời gian dài siết chặt được ví như chiếc lò xo bị nén quá lâu ngày đến khi bung ra sẽ có lực bung rất lớn về du lịch.

Trong khi đó, Việt Nam với lợi thế nằm gần Trung Quốc, chi phí đi lại vừa phải giúp du khách bản địa thuận lợi trong di chuyển, nên việc nước này mở cửa trở lại biên giới sẽ giúp thị trường du lịch Việt Nam phục hồi nhanh. Thời gian qua, nhiều trung tâm du lịch lớn trong nước đã được đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng để đón đầu dòng khách du lịch rất quan trọng này. Theo đó, các sản phẩm bất động sản du lịch “ăn theo” dòng khách Trung Quốc cũng đứng trước nhiều cơ hội.

“Hy vọng thị trường khách Trung Quốc sớm có sự bùng nổ tại Việt Nam vì với các thị trường châu Âu, khách Trung Quốc đến đó không dễ dàng như sang nước ta. Theo tôi, các cơ sở lưu trú lớn đã có sự chuẩn bị để đón dòng khách này suốt 5 năm qua, sự suy yếu hiện tại chủ yếu do dịch bệnh làm gián đoạn, chứ không phải du lịch Việt Nam không còn hấp dẫn, đặc biệt tại miền Trung là khu vực rất được du khách Trung Quốc yêu thích. Hiện tại, các trung tâm du lịch lớn khu vực này đã sẵn sàng cả về nguồn nhân lực lẫn cơ sở hạ tầng để đón làn sóng du khách này quay trở lại”, ông Trung cho hay....

Từ góc nhìn thận trọng hơn, bà Phan Đặng Trà My, Tổng giám đốc Wow Holiday cho rằng, cần phải quan sát thêm động thái nới lỏng chống dịch của Trung Quốc bởi sự tác động chính sách thường có độ trễ, chưa kể những lo ngại về biến chủng mới vẫn hiện hữu.

“Theo quan sát của tôi, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng vào dòng khách Trung Quốc và đã có kế hoạch xây dựng các tour tuyến du lịch phù hợp với nhóm khách này trong điều kiện nước này có động thái nới lỏng chống dịch đầu tiên. Đây là yếu tố cần thiết để giảm bớt lo ngại việc sụt giảm nguồn du khách nội địa khi đây là cứu cánh cho ngành du lịch trong nước thời gian qua, tránh trường hợp đón được khách Trung Quốc lại ảnh hưởng tới việc khai thác khách nội địa, đây sẽ là thiệt hại kép cho ngành”, bà My phân tích.

Còn đại diện BHS Group cho biết, đã có sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng, bởi bên cạnh sự khan hiếm, thời gian sở hữu dài, thì đây còn là nơi định cư, phát triển sự nghiệp bền vững cho chủ nhân.

“Dòng tiền vẫn chảy mạnh vào bất động sản nghỉ dưỡng khi các kênh đầu tư khác biến động. Đáng chú ý, nhiều người có xu hướng đi theo trào lưu ‘bỏ phố về rừng’ để sống an nhàn. Theo đó, một loại hình bất động sản mới xuất hiện là các khu đất sinh thái với làn sóng đầu tư ngày càng lan rộng ra các vùng xa trung tâm. Đồng thời, xu hướng second home (ngôi nhà thứ hai) cũng xuất hiện với dòng sản phẩm biệt thự nghỉ dưỡng. Thời gian tới, các sản phẩm có pháp lý hoàn thiện, đáp ứng tiêu chí sở hữu lâu dài sẽ rất được các nhà đầu tư quan tâm”, vị đại diện BHS Group nói.

THÀNH NGUYỄN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement