16/02/2025 11:23
Bất động sản 'chuyển động' theo hạ tầng
Các chuyên gia dự báo, bất động sản vẫn là kênh đầu tư tốt trong năm 2025.
Những yếu tố chu kỳ ảnh hưởng đến giá trị bất động sản và hoạt động đầu tư đang giảm bớt, thị trường bất động sản sẽ có thêm dư địa phát triển. Đặc biệt, phân khúc tích cực nhất của thị trường bất động sản sẽ liên quan đến hạ tầng với nhiều biến động mạnh.
Theo Công ty Savills đánh giá, một môi trường đầu tư bất động sản tích cực hơn trong năm 2025 khi mà các thách thức theo chu kỳ được lắng xuống đi kèm sự phục hồi của thị trường thời gian qua. Do đó, giá trị vốn đầu tư dự kiến tiếp tục cải thiện trên toàn cầu. Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư sẽ tăng mạnh với sự phục hồi được thúc đẩy bởi một số thị trường lớn.
Dưới góc nhìn chuyên gia, Tiến sỹ Trần Kim Chung - Nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, phân mảng tích cực nhất của thị trường bất động sản năm 2025 sẽ là bất động sản liên quan đến hạ tầng.
Việc phát triển đồng bộ sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc – Nam, Đường cao tốc ven biển phía Đông, Đường Hồ Chí Minh, Đường sắt tốc độ cao… cùng với chủ trương phát triển các đô thị TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng) thì thị trường bất động sản liên quan đến hạ tầng sẽ có một bước phát triển mới.
Bên cạnh đó, điểm sáng nữa chính là thị trường bất động sản công nghiệp. Theo ông Trần Kim Chung, trong năm 2025, cùng với việc vốn FDI tiếp tục vận hành vào Việt Nam, hệ thống hạ tầng phát triển mạnh đồng bộ... sẽ thúc đẩy các khu công nghiệp sẽ được thúc đẩy phát triển mạnh. Những yếu tố này tạo đà phát triển tích cực cho phân khúc bất động sản công nghiệp.
Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là vào lĩnh vực hạ tầng có tác động nhất định đến khả năng phục hồi của thị trường bất động sản. Trên thực tế, khi đầu tư công được đẩy mạnh, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được triển khai đều tạo sức hút dòng tiền của nhà đầu tư vào những khu vực kết nối này. Bởi thị trường bất động sản khu vực đó sẽ được hưởng lợi lớn, giá tăng lên, thanh khoản sản phẩm dễ dàng hơn.

Bất động sản 'chuyển động' theo hạ tầng. Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN
Ông Huỳnh Tuấn Kiệt - Trưởng bộ phận tiếp thị nhà ở CBRE Việt Nam nhận xét, hạ tầng là yếu tố tác động lớn đến thị trường bất động sản. Đơn cử như kế hoạch đầu tư công của Chính phủ vào khu vực phía Nam rất nhiều từ sân bay, tuyến đường vành đai, cao tốc cùng dự án cao tốc ở miền Tây…
Các tuyến đường vành đai, cao tốc sẽ tạo ra xu hướng xây dựng đô thị ly tâm phát triển, bởi hiện nay chi phí cao, quỹ đất khu vực trung tâm không còn nhiều từ đó, mở ra cơ hội cho tỉnh Bình Dương, Long An hay các huyện vùng ven như Bình Chánh, Củ Chi của TP Hồ Chí Minh. Hay như hệ thống tuyến metro đã tạo nên diện mạo chung của cả khu Đông Tp. Hồ Chí Minh. Các dự án mọc theo metro đã có mức tăng giá rất cao, từ 50 - 70%, cá biệt có dự án tăng giá gần 150%.
Tại khu vực phía Nam, Đồng Nai đang là tâm điểm thu hút sự chú ý với hàng loạt kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông. Nhất là mới đây, địa phương này đề xuất phương án xây hầm vượt sông, thay vì làm cầu như kế hoạch ban đầu (dự án cầu Cát Lái nối thành phố Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh với huyện Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai từng được bổ sung vào quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020).
Phương án xây hầm vượt sông được đề xuất với nhiều yếu tố tối ưu nhằm hạn chế giải phóng mặt bằng, đảm bảo mỹ quan và tránh ảnh hưởng tới hoạt động cảng Cát Lái. Khi khi hầm vượt sông Cát Lái được xây dựng thì Nhơn Trạch sẽ như “cánh tay nối dài” của Tp. Hồ Chí Minh, mở ra nhiều cơ hội cho thị trường bất động sản khu vực này.
Tổng giám đốc Công ty Bất động sản SG Holdings Nguyễn Thanh Sang khẳng định, trong mắt giới đầu tư, bất động sản luôn là kênh tích lũy tài sản được ưa chuộng, vấn đề còn lại chỉ là chọn thời điểm phù hợp.Thời gian gần đây, dòng tiền đầu tư đang có xu hướng dịch chuyển đến các khu vực giá còn mềm nhưng có tiềm năng phát triển; trong đó yếu tố được quan tâm nhất là quy hoạch và kết nối hệ thống hạ tầng kết nối. Từ năm 2026, thị trường bất động sản các khu vực phụ cận TP Hồ Chí Minh sẽ chuyển động mạnh.
Với phía Bắc, dù hạ tầng giao thông đã được chú trọng phát triển nhưng cũng vẫn tiếp tục được cũng cố và mở rộng. Làn sóng bất động sản “ăn theo” hạ tầng tại phía Bắc không “nóng” bằng phía Nam giai đoạn này nhưng nhiều khu vực vẫn còn dư địa tăng trưởng để nhà đầu tư “rót vốn”.
Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định, thị trường bất động sản hiện vẫn còn nhiều khu vực giàu tiềm năng nhờ tốc độ tăng trưởng về giá khá tốt.Trong thời gian tới, phía Bắc và nhất là phía Đông Hà Nội sẽ là được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Bởi các khu vực này tập trung ở vùng ven với các dự án khu đô thị lớn, được đầu tư bài bản.
Tại Hà Nội, các huyện Đông Anh, Mê Linh sẽ là nơi “đón sóng” bất động sản với sự tăng trưởng nguồn cung, giao dịch trong thời gian tới. Phía Đông Hà Nội có lợi thế quỹ đất lớn và nguồn cung bất động sản đa dạng. Khu vực này có hạ tầng giao thông mở rộng như đường Vành đai 2, Vành đai 3, cầu Chương Dương, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy...
Cùng đó là kỳ vọng dự kiến quy hoạch tuyến metro 1, metro 8 sẽ được thúc đẩy nhanh hơn nữa để kết nối phía Đông với trung tâm thành phố Hà Nội… Những yếu tố này sẽ tạo động lực quan trọng để phát triển cho thị trường bất động sản khu vực phía Đông Hà Nội; đồng thời giúp giải bài toán “giãn dân” nội đô.
Thị trường bất động sản đang dần hồi phục và lấy đà khởi sắc nhờ “trợ lực” từ các yếu tố về chính sách và động lực giải ngân vốn đầu tư công từ nhóm công trình hạ tầng.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp