22/06/2020 00:17
Bất động sản Bình Dương hưởng lợi từ việc di dời nhà xưởng vào khu công nghiệp
Năm 2010, UBND tỉnh Bình Dương đã có chính sách hỗ trợ di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nằm trong các khu dân cư trên địa bàn.
Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường, gây ồn, cháy nổ… của các nhà xưởng, công ty trong khu dân cư ở Bình Dương khiến người dân bất an, liên tục phản ánh đến cơ quan chức năng. Để đáp ứng tâm tư, nguyên vọng của người dân và làm thay đổi diện mạo đô thị xanh, sạch, đẹp, Bình Dương đã thực hiện chủ trương di dời nhà xưởng ra khỏi khu dân cư, thay đổi mục đích sử dụng đất có lợi hơn.
Trước đó, vào năm 2010, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành quyết định về chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nằm trong các khu dân cư, đô thị trên địa bàn. Sau đó, một loạt các nhà xưởng trong khu dân cư được di dời đến khu, cụm công nghiệp.
Theo đánh giá, việc thực hiện chương trình vận động, hỗ trợ di dời, chuyển đổi công năng các doanh nghiệp sản xuất vào các khu cụm công nghiệp quy mô lớn không chỉ tránh gây ô nhiễm, tiếng ồn, cháy nổ trong khu dân cư mà còn góp phần thực hiện điều chỉnh quy hoạch và chỉnh trang đô thị tại 5 khu vực phát triển đô thị quan trọng nhất của Bình Dương, gồm TP Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An (nay là TP Thuận An), thị xã Dĩ An (nay là TP Dĩ An), thị xã Tân Uyên và thị xã Bến Cát theo hướng đô thị văn minh, thông minh, hiện đại.
Một khu dân cư đang dần nên hình hài từ việc di dờinhà xưởng vào khu công nghiệp. |
Mới đây nhất, vào tháng 7/2019, UBND tỉnh Bình Dương trình HĐND tỉnh thông qua kế hoạch hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi đô thị với mức chi lên đến gần 300 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ tập trung vào 2 nhóm đối tượng gồm gồm: Hỗ trợ một lần đối với nhóm cơ sở tự chấm dứt hoạt động sản xuất hoặc chuyển đổi ngành nghề hoạt động tại địa điểm cũ, với mức chi 500.000 đồng/m2 nhà xưởng xây dựng hợp pháp (không quá 1 tỷ đồng cho 1 cơ sở); nhóm thứ hai là hỗ trợ đối với cơ sở di dời vào trong khu, cụm công nghiệp bằng tiền thuê đất, nhà xưởng tại địa điểm mới, chi phí tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt nhà xưởng, thiết bị và lãi vay đầu tư xây dựng cơ sở mới.
Theo đó, người lao động trong các doanh nghiệp thuộc diện di dời được hỗ trợ bằng 3 tháng tiền lương cơ bản nếu đã làm việc từ đủ 12 tháng trở lên. Bình Dương hiện đang có khoảng 150 cơ sở phải thực hiện di dời vào các khu, cụm công nghiệp, trong đó chủ yếu tập trung ở TP Thuận An, TP Dĩ An, thị xã Bến Cát và thị xã Tân Uyên với các ngành nghề phổ biến là sản xuất sắt thép phế liệu, cơ khí, hóa chất, giấy.
Vào thời điểm di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư, người dân Bình Dương với những băn khoăn không biết các khu đất trên sẽ được sử dụng để làm gì, có thoát được cảnh môi trường sống bị ô nhiễm hay không?. Và rồi, người dân vui mừng khi những khu đất “ám ảnh” một thời đã được Bình Dương kêu gọi đầu tư thành chung cư, nhà phố. Theo đó, giá trị đất tăng, đời sống người dân được nâng lên đáng kể.
Theo ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, tỉnh đang rà soát và có kế hoạch di dời các công ty, xí nghiệp nằm trong khu dân cư vào các khu, cụm công nghiệp. Việc làm này không chỉ tránh được sự nguy hiểm cho người dân trong trường hợp doanh nghiệp xảy ra cháy mà giúp đơn vị quản lý dễ dàng hơn.
Hiện nay, Bình Dương còn khoảng 1.000 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nằm ngoài khu cụm công nghiệp, chưa phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp. Bình Dương đang triển khai kế hoạch di dời các DN nằm ngoài khu, cụm công nghiệp nhằm phục vụ chỉnh trang đô thị, kiểm soát các nguồn phát thải ô nhiễm trên địa bàn.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp