04/04/2020 10:36
Bất chấp dịch COVID-19, Việt Nam xuất hiện hãng hàng không mới
Trong bối cảnh ngành hàng không Việt Nam đang chịu thiệt hại nặng nề từ dịch bệnh COVID-19, Việt Nam lại có thêm một hãng hàng không mới “Vietravel Airlines”.
Thông tin từ Vietnamnet cho biết, ngày 3/4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký quyết định 457/QĐ-TTg, phê duyệt Chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines).
Được đầu tư với tổng số vốn 700 tỷ, quy mô ban đầu 3 tàu bay A320/321, B737 hoặc tương đương, sau đó tăng dần lên 8 tàu bay trong vòng 5 năm đầu tiên, Vietravel Airlines được xem là hãng hàng không gắn với du lịch, cung cấp các dịch vụ vận chuyển hàng không trong nước và quốc tế.
Sân bay căn cứ của Vietravel Airlines là sân bay Phú Bài (Thừa Thiên - Huế). Hãng này dự kiến khai thác và kinh doanh sau 9 tháng, kể từ ngày được phê duyệt chủ trương đầu tư. Điều đó có nghĩa là, nếu không có gì thay đổi, hãng sẽ bắt đầu khai thác từ cuối năm 2020.
Theo báo cáo kết quả thẩm định chủ trương đầu tư Vietravel Airlines của Bộ KH-ĐT gửi Thủ tướng Chính phủ, việc đầu tư dự án này trong 5 năm đầu khai thác góp phần tạo ra giá trị gia tăng trong nước khoảng 3.650 tỷ đồng, đóng góp vào thu nhập quốc dân hơn 3.185 tỷ đồng, trong đó thu nhập cho lao động khoảng 1.982 tỷ đồng và hơn 1.203 tỷ đồng cho thặng dư xã hội.
Vietravel Airlines là hãng bay mới tại Việt Nam. Ảnh: Minh họa. |
Điển hình như mô hình khai thác của Vietravel Airlines cung cấp chuyến bay thuê chuyến, phục vụ du lịch thường tập trung tại các trung tâm vận tải hàng không như: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cam Ranh, trong khi sân bay căn cứ đặt ở Cảng hàng không quốc tế Phú Bài có thị trường hành khách đi/đến không cao.
Trong khi, các cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh để đậu tàu bay qua đêm sẽ gây khó khăn chung cho hệ thống hạ tầng hàng không.
Đó mới là cảnh báo của Bộ KH-ĐT khi thẩm định dự án vào cuối năm 2019, trước khi dịch COVID-19 xảy ra.
Còn với tình hình thực tế, ngành hàng không đang chịu thiệt hại nặng nề từ dịch bệnh COVID-19.
Dự báo giữa tháng Ba vừa qua của Cục Hàng không Việt Nam, thiệt hại của ngành hàng không Việt Nam lên tới 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này chắc chắn sẽ gia tăng khi mới đây Bộ Giao thông Vận tải đã có quyết định dừng nhiều đường bay nội địa, đặc biệt cắt giảm tần suất trục Hà Nội-TP.HCM để phòng chống dịch COVID-19.
Dù tàu tạm dừng bay nhưng gánh nặng chi phí mà mỗi hãng hàng không vẫn phải chi trả cả nghìn tỷ đồng để duy trì bộ máy, trả lương, trả tiền thuê máy bay, bảo trì bảo dưỡng, đậu đỗ…
Dẫn chứng, đội bay Vietnam Airlines hiện có 108 chiếc, trong đó có 15 chiếc Boeing 787 và 14 chiếc Airbus 350. Mỗi tháng, tiền thuê, lãi ngân hàng của một chiếc “siêu tàu bay” này rơi vào khoảng 1 triệu USD/chiếc, cả đội tàu bay thân rộng sẽ lên tới gần 30 triệu USD/tháng.
Với Vietjet, hãng đang có 75 tàu Airbus 320, Airbus 321 khai thác, ước tính khoản tiền phải trả có thể lên tới 20 triệu USD/tháng. Điều này cũng không quá khó để ước số tiền mà Bamboo Airways phải chi trả cho đội tàu bay gồm 3 chiếc Boeing 787-9 và 20 chiếc máy bay thân hẹp mỗi tháng.
Ngoài chi phí thuê tàu (hoặc trả lãi vay), hãng hàng không còn phải trả cả tỷ đồng cho tiền đậu đỗ. Được biết, tiền đậu đỗ tại sân bay mỗi ngày của một chiếc Airbus 321 khoảng 1,6 triệu đồng, với dòng Boeing 787 là 4,16. Như vậy, riêng tiền sân đỗ máy bay, mỗi tháng, Vietnam Airlines phải chi trên 6 tỷ đồng; Vietjet khoảng 3,6 tỷ đồng; Bamboo Airways khoảng 1,24 tỷ đồng.
Trước đó, hãng hàng không Kite Air của Công ty cổ phần hàng không Thiên Minh cũng xin được đầu tư bay. Theo hồ sơ xin thành lập hãng bay, Kite Air chọn sân bay Chu Lai (Quảng Nam) làm sân bay căn cứ. Tổng vốn đầu tư của hãng là 5.500 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 1.000 tỷ đồng (chiếm 18% vốn đầu tư), vốn vay 4.500 tỷ đồng.
Ngoài ra, mới đây, Công ty TNHH MTV Hàng không Vietstar cũng có văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietstar Air.
Vietstar Air đã gửi hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh hàng không năm 2017, với vai trò là hãng hàng không vận chuyển hành khách và vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng đầu tiên tại Việt Nam.
Như vậy, đến nay, ngoài Vietravel Airlines đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư (còn chờ được Bộ GTVT cấp phép bay), còn 2 hãng nữa vẫn xếp hàng chờ được bay là Kite Air và Vietstar Air. Sự ra đời của các hãng bay mới luôn được thị trường đón nhận vì có thêm cạnh tranh, thúc đẩy thị trường hàng không Việt Nam phát triển. Song, trong bối cảnh ngành hàng không đang lao đao vì dịch COVID-19 thì các hãng bay đang đối mặt với thách thức rất lớn, kể cả các hãng đã hoạt động và đang chờ được bay.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp