27/10/2020 10:18
Bão số 9: Miền Trung gấp rút chèn chống nhà cửa, sơ tán dân
Từ sáng nay, người dân Đà Nẵng gấp rút đưa tàu thuyền vào bờ, chèn chống nhà cửa và hoàn thành sơ tán dân đến nơi an toàn trước 15h.
Trước thời điểm bão số 9 đổ bộ, tại Đà Nẵng sáng nay thời tiết khô ráo, có nắng. Trên nhiều tuyến đường công nhân công ty cây xanh khẩn trương cắt tỉa cành.
Dọc tuyến đường biển ở quận Sơn Trà, người dân cùng các lực lượng chức năng đưa tàu, thuyền lên bờ để phòng chống bão số 5. Một số chủ tàu thuê xe cẩu đưa tàu lên vỉa hè để đảm bảo an toàn.
Công nhân cắt tỉa cây xanh trước khi bão đổ bộ |
Tại âu thuyền Thọ Quang, nhiều tàu thuyền cỡ lớn vào trú tránh bão từ cơn bão trước vẫn chưa ra khơi, được chủ neo lại.
Nhiều người dân ra bờ biển xúc cát vào bao tải nhỏ mang về chằng chống lại nhà cửa. Chị Nguyễn Thị Lan (quận Sơn Trà) cho biết: “Tôi xúc hơn 20 bao về chèn lại cho an toàn, cơn bão rất mạnh nên không thể chủ quan được. Gia đình hôm qua cũng mua lương thực để dự trữ”.
Theo ông Võ Đình Công, Chủ tịch phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) sáng nay, đơn vị đang cùng với người dân đưa toàn bộ thuyền thúng lên bờ, dự kiến 10h sẽ hoàn thành. Riêng các tàu trên 50CV đã di chuyển vào âu thuyền Thọ Quang.
Người dân khẩn trương di chuyển thuyền thúng lên bờ. |
Ông Công cho biết thêm, phường đang tiến hành sơn tán tại chỗ hơn 3.000 người. Đồng thời lập các tiểu ban phòng chống lụt bão tại các khu dân cư.
“Hiện nay từng tổ dân phố trên địa bàn đã vận động người dân chi chuyển đến nhà người thân, hàng xóm nơi có nhà kiên cố cao tầng để tránh bão. Bà con đã chủ động chi chuyển đến nơi an toàn vì mọi người xác định cơn bão này rất mạnh.
Phường cũng bố trí 6 điểm sơ tán tập trung đối với các trường hợp không có nhà. Trước 15h chiều nay chúng tôi sẽ hoàn thành việc sơ tán, hộ nào không chấp hành sẽ cưỡng chế đến địa điểm an toàn”, ông Công nói và cho biết chiều nay sẽ cưỡng chế người dân còn ở các lòng bè nuôi cá, nhà hàng gần núi.
Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang - Nguyễn Hà Nam cho biết, hiện tại trên toàn địa bàn các xã đang lập danh sách hộ dân phải sơ tán. Trong chiều nay việc sơn tán người dân sẽ hoàn thành.
Trước đó, chiều 26/10, UBND TP Đà Nẵng có công điện gửi các cơ quan, đơn vị triển khai biện pháp ứng phó bão số 9.
Nội dung công văn yêu cầu các quận, huyện sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân đến nơi an toàn, chằng chống nhà cửa, cây xanh, neo đậu lồng bè nuôi trồng thủy sản và đưa người ra khỏi khu vực trước 15h ngày 27/10.
Các tàu công suất lớn đã vào neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang để tránh bão. |
Dân Quảng Nam, Quảng Ngãi chằng chống nhà cửa phòng bão số 9
Sáng nay, ông Bùi Ngọc Ảnh, Chủ tịch TP Tam Kỳ (Quảng Nam) cho biết, tính đến 7h sáng nay, TP Tam Kỳ đã sơ tán 2.130 hộ với 5.750 người dân.
Cũng theo ông Ảnh, thành phố đang tiếp tục sơ tán tập trung trung tại 3 xã gồm: Xã Tam Thanh sơ tán 100%; Xã Tam Thăng và Tam Phú sơ tán khoảng 2.620 hộ với 7.200 người dân. Việc sơ tán sẽ hoàn thành trước 16h ngày 27/10.
Trong khi đó, ông Nguyễn Công Tiến, Chủ tịch UBND xã Tam Hải (huyện Núi Thành, Quảng Nam) cho hay, địa phương đang triển khai di dời khoảng 500 hộ dân ở thôn Long Thạch Tây và Xuân Mỹ đến nơi an toàn.
Người dân Quảng Nam chằng chống nhà cửa trước khi bão số 9 đổ bộ. |
Hàng chục bao tải các được người dân đưa lên mái nhà. |
Theo ghi nhận, tại âu thuyền Tam Quang (xã Tam Quang, huyện Núi Thành) hàng trăm chiếc tàu cá đã được ngư dân neo đậu an toàn. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân khác cũng tìm đủ cách để ứng phó với bão.
Đang kéo từng bao cát chằng chống ngôi nhà cấp 4 của gia đình, ông Nguyễn Văn Mười (SN 1955, trú xã Tam Hải, huyện Núi Thành) cho biết, với kinh nghiệm sống ở gần biển, trước khi bão đổ bộ mà trời nắng đẹp thì bão sẽ to và không thể chủ quan
“Nhìn trời lặng gió tôi rất lo, rút kinh nghiệm những đợt bão trước, chúng tôi phải chèn chống nhà thật kỹ để giảm thiệt hại. Khả năng cao, gió giật mạnh sẽ làm tốc mái của gia đình tôi, nên cứ chằng chống cho an tâm”, ông Mười nói.
Người dân Quảng Ngãi gia cố lại bờ biển. |
Ông Ngô Quang Tuấn (trú phường Trường Xuân, TP Tam Kỳ) cho hay, khi nghe thông tin bão Molave đổ bộ vào miền Trung với sức gió mạnh nhất 150 km/h, giật cấp 15, ông đã dừng công việc chạy xe tải để ở nhà lo phòng chống.
Ông Tuấn mua hơn 30 túi bóng loại lớn và kéo vòi nước lên mái nhà. Lần lượt từng bao chứa đầy nước được buộc chặt chất lên thành hai dãy. Ông Tuấn dùng dây neo giữ các bao nước lại với nhau.
"Trước đây tôi thường dùng bao cát đặt lên mái để phòng chống gió bão thổi bay mái tôn. Tuy nhiên nguồn đất cát khan hiếm nên chuyển qua dùng túi nylon, vừa rẻ lại hiệu quả", ông Tuấn cho hay.
Trong khi đó, hàng trăm người dân thôn Phước Thiện (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn) mang bao cát, lưới thép để dựng lên "bức tường thành"; nhằm bảo vệ bờ biển, trước khi bão số 9 đổ bộ.
Ngư dân kiểm tra lại neo đậu tàu thuyền tại âu thuyền Tam Quang. |
Theo người dân, nhiều năm qua, đoạn bờ biển kéo dài gần 2 cây số thuộc thôn Phước Thiện liên tục bị sóng biển công phá, gây xói lở nặng nề. Cả trăm nhà dân nằm bên triền sóng chỉ còn cách mép nước chừng 4-5 chục mét.
Bên cạnh việc dựng tường rào bằng lưới thép rồi chèn thêm bao cát hai bên, bà con còn tận dụng cây gỗ và bạt để tạo nên bức tường chắn sóng nhằm bảo vệ bờ biển cũng như nhà cửa trước nguy cơ bị sóng biển "nuốt chửng", ông Trương Văn Đại (thôn Phước Thiện) chia sẻ.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp