12/07/2017 06:04
Bao nhiêu phần trăm là sự thật ở truyền hình thực tế
Những gì người xem thấy trên truyền hình chưa phải toàn bộ câu chuyện và liệu rằng ai có thể kiểm chứng tính thật - giả của truyền hình thực tế?
Truyền hình thực tế bao giờ cũng vậy, không đơn giản chỉ là câu chuyện giám khảo, thí sinh hay các phần thi. Song hành với nó luôn là những scandal, câu chuyện bên lề, khiến dư luận phải quan tâm - dù thích hay không thích, tin tưởng hay ngờ vực.
Từ câu chuyện The Face và Vietnam's Next Top Model
Hai chương trình truyền hình thực tế về thời trang đang lên sóng và cũng tạo ra nhiều tranh cãi là The Face và Vietnam's Next Top Model. Nếu lướt một vòng qua các trang mạng, bạn sẽ thấy nhiều ý kiến phàn nàn cuộc thi mà không tập trung vào chuyên môn, chỉ thấy chiêu trò, cãi nhau như cái chợ.
Đặc biệt, màn đối đầu giữa hai huấn luyện viên, Minh Tú và Lan Khuê, trở thành tâm điểm của The Face Vietnam 2017. Minh Tú, sau vụ lớn tiếng quát mắng Lan Khuê trên sóng truyền hình, phải hứng chịu không ít "gạch đá" từ cộng đồng mạng. Cô chia sẻ bản thân rất buồn khi nhận về những lời miệt thị, chửi rủa. Thậm chí, khán giả còn chỉ trích cô mất dạy, thiếu văn hóa.
Khi yếu tố drama được đẩy lên cao, tất yếu tính chuyên môn sẽ bị chìm. Nhưng cũng phải nói một cách công bằng rằng không phải chỉ các chương trình truyền hình thực tế ở Việt Nam mới như vậy. Phiên bản The Face và Next Top Model quốc tế cũng ngập ngụa những tranh cãi.
Format chung của The Face là tập trung vào mâu thuẫn của huấn luyện viên, kịch tính nằm ở vòng loại trừ. Ở The Face Mỹ, Australia và cả UK, siêu mẫu Naomi Campbell nổi tiếng ghê gớm với những phát ngôn thẳng thắn. "Nàng báo đen" từng khiến siêu mẫu Coco Rocha bẽ bàng với lời nhắc: "Hãy kiểm tra son môi của cô trước khi đến gặp và nói chuyện với tôi".
Là đàn chị, Naomi Campbell thẳng thắn buông lời miệt thị huấn luyện viên Nicole Trufino ở The Face Australia: "Đừng so sánh cô với tôi. Cô không cùng đẳng cấp với tôi và sẽ không bao giờ như thế". Nicole Trufino chỉ biết cười trừ và đi ra khỏi phòng.
Phiên bản The Face Thái Lan thậm chí còn có những cuộc khẩu chiến kịch tính hơn. Các huấn luyện viên gọi nhau bằng những danh xưng như quái vật, quỷ cái. Tại mùa thi 2017, huấn luyện viên Lukkade Metinee và Marsha Wattanapanich thể hiện ghét nhau ra mặt và chỉ chăm chăm loại thí sinh của đội đối phương.
Trong một tập phát sóng, khi Lukkade giành chiến thắng và được quyền loại thí sinh, cô thách đố đàn chị Marsha: "Nếu chị rời khỏi chương trình thì thí sinh của đội chị sẽ được giữ lại". Tất nhiên, Marsha không dễ dàng rời khỏi cuộc chơi. Cô chỉ trích hành động của đồng nghiệp là lố bịch, điên rồ.
Với Next Top Model cũng vậy, drama lâu nay chính là gia vị không thể thiếu. Những câu chuyện tưởng chừng nhảm nhí như thí sinh tranh giường ngủ, nói xấu, chê bai nhau... là chuyện bình thường ở nhà chung Next Top.
Còn nhớ khi Quỳnh Mai tham gia Asia's Next Top Model 2016, người mẫu Việt bị các thí sinh nhà chung cô lập và chỉ trích. Không chỉ bàn tán về ngoại hình, họ còn chê Quỳnh Mai ăn nhiều, cư xử thô lỗ. Sau đó, Quỳnh Mai đáp trả bằng câu nói mà khán giả vẫn nhớ đến tận bây giờ "Cô là cô, còn tôi là tôi. Hãy quen với điều đó".
Đến câu hỏi 'Bao nhiêu phần trăm là sự thật?'
Khi các chương trình quá nhiều drama, đương nhiên khán giả bị quay cuồng trong mớ bòng bong, không biết đâu là thật, đâu là giả. Đơn cử như chuyện xích mích giữa Minh Tú và Lan Khuê ở The Face. Họ thực sự căng thẳng với nhau vì thí sinh hay chỉ diễn theo kịch bản của nhà sản xuất, mà ở đó huấn luyện viên là những quân cờ?
Chẳng ai có thể đưa ra đáp án chính xác ngoài Minh Tú, Lan Khuê và nhà sản xuất. Bản thân Minh Tú mới đây cũng tuyên bố sau khi tìm được quán quân, cô sẽ trả lời 100% sự thật về The Face. Người mẫu 9X tiết lộ cô quay hai ngày mới xong một tập, trong khi đó khán giả chỉ được xem trong vòng 45-65 phút nên không thể truyền tải hết toàn bộ nội dung câu chuyện.
Trước câu hỏi về tính thật - giả của truyền hình thực tế, siêu mẫu Xuân Lan, người từng có kinh nghiệm ngồi ghế nóng nhiều năm, chia sẻ vớiZing.vn: "Giống một bộ phim truyền hình dài tập, nếu phim càng dài thì càng phải có nhiều vai phản diện. Vai phản diện càng ác, càng thu hút khán giả. Cho dù người xem chửi tơi bời, vai ác chỉ chết vào tập cuối (hoặc là không chết mà còn sống lại ở phần sau). Phim nào không có vai ác, khán giả sẽ thấy nhạt và không xem nữa. Phim sẽ thua vì không có rating".
Theo Xuân Lan, nếu một show toàn nhân vật nhạt nhoà như hoa hậu thân thiện, không có câu chuyện để truyền hình khai thác và báo chí mổ xẻ thì tính chất thu hút của chương trình sẽ không cao. Cựu giám khảo Next Top Model cho biết các thí sinh muốn ở lại lâu thì phải thể hiện "cá tính" đặc biệt của mình, càng bị chửi càng ở lại lâu, càng ở lâu càng có nhiều cơ hội.
Xuân Lan chia sẻ thẳng thắn rằng một quy tắc khi ký hợp đồng tham gia truyền hình thực tế là quyền cắt dựng và biên tập phụ thuộc vào nhà sản xuất. Thí sinh và giám khảo không kiểm soát được và không có quyền can thiệp hình ảnh của mình sẽ hiền lành hay dữ dằn khi lên sóng.
"Có những chương trình khai thác rất tốt cá tính của thí sinh, giám khảo nhưng vẫn giữ được ý chính: đó là kỹ năng nghề nghiệp, sự nỗ lực, học hỏi không ngừng và thể hiện qua những vòng thử thách cam go.
Nhưng ngược lại, có những chương trình chỉ tập trung khai thác vào sự chặt chém, cãi nhau, đẩy cao nhu cầu quan trọng của một số thành viên để câu view, mà quên mục tiêu chính của nghề nghiệp được đề cập theo suốt cuộc thi. Khán giả không thấy thí sinh, giám khảo học hỏi được gì, chỉ thấy hơn thua. Điều đó dần dần sẽ ảnh hưởng không tốt đến nhận định của khán giả với đặc thù riêng của mỗi ngành nghề", Xuân Lan nói.
Chân dài thế hệ 7X tâm sự hiện tại cô không mặn mà với vị trí giám khảo các chương trình thời trang vì đã chán những quy luật khắc nghiệt của truyền hình thực tế. Xuân Lan muốn làm chủ hình ảnh của mình và đào tạo ra người mẫu giỏi, cho họ sự tự do phát triển nghề nghiệp.
"Tôi muốn nghề người mẫu được nhìn nhận trân trọng vì chuyên môn, chứ không phải vì chiêu trò chặt chém. Tôi muốn làm nhiều chương trình chất lượng để cho các người mẫu thoả sức thể hiện bản lĩnh và kiếm tiền".
Trong khi đó, một người mẫu từng tham gia sân chơi Vietnam's Next Top Model tiết lộ chương trình không có một kịch bản cụ thể nào về drama (tính kịch) dành cho thí sinh. Chỉ đơn giản thí sinh nào bản chất ra sao sẽ được chương trình tập trung khai thác để làm bật cho khán giả thấy. Theo người mẫu 9X này, nếu nói truyền hình thực tế có drama, trước hết nằm ở chính các thí sinh drama.
Tương tự, các chương trình truyền hình thực tế quốc tế cũng từng nhiều lần bị đặt câu hỏi về mức độ chân thực. Khi trả lời phỏng vấn trangRefinery29, một nhà sản xuất giấu tên từng sản xuất chương trình cho các kênh Lifetime, Oxygen, VH1 hay MTV chia sẻ thẳng thắn chương trình nào cũng có những khía cạnh không thực tế để phóng đại sự việc, đẩy câu chuyện thành kịch tính.
"Bất cứ show truyền hình nào cũng vậy, nhà sản xuất không quan tâm sự thật. Đôi khi sự việc bị bóp méo hoàn toàn. Nhà sản xuất sẽ hướng bối cảnh, hướng cuộc hội thoại theo ý mình. Hoặc họ có thể làm điều đó ở khâu hậu kỳ, sử dụng các công cụ biên tập để tạo ra một câu chuyện".
Hay cách đây 2 năm, Angelea Preston, thí sinh tham gia America’s Next Top Model mùa 17, từng tố chương trình đầy rẫy sự giả dối và giám khảo Tyra Banks không quan tâm hay giúp đỡ các thí sinh như những gì phát trên truyền hình. Chân dài kể có lần cô bị lên cơn hen khi đang quay, nhưng để tăng sự kịch tính cho chương trình, ê-kíp không cho bộ phận y tế vào chăm sóc ngay lúc đó.
Rất khó để tính toán cụ thể yếu tố thật chiếm bao nhiêu phần trăm trong các chương trình truyền hình thực tế. Nhưng rõ ràng nó là "món ăn" đan xen giữa thật - giả. Nhà sản xuất cần tỉnh táo cân bằng hai yếu tố này để chương trình không bị lố và ngay cả khán giả cũng cần "tỉnh" nếu không muốn bị đánh lừa.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp