Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Bánh ú, heo quay, vải thiều hết sạch ngày Tết Đoan ngọ

Thị trường 24h

14/06/2021 16:22

Nhiều mặt hàng như bánh ú, cơm rượu, heo quay, trái cây tại TP.HCM phục vụ chợ Tết Đoan ngọ hút khách từ sáng sớm. Năm nay bánh ú giá tăng vọt.

Heo quay, bánh ú, cơm rượu đắt khách

Tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5 Âm lịch) năm nay rơi vào đầu tuần, dù dịch bệnh nhưng ngay từ sáng hôm nay (14/6), nhiều chợ, quầy hàng, cửa hàng kinh doanh hoa, trái cây, bánh ú nước tro, cơm rượu và thịt quay tại TP.HCM đã tấp nập.

Các cửa hàng vịt quay, heo quay trên đường Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị (quận 5) nhộn nhịp từ khi mở cửa. Trước tình hình dịch bệnh, người mua đeo khẩu trang, xếp hàng bên ngoài tiệm, chờ nhận thịt.

Chủ cửa hàng cho biết lượng khách năm nay tuy giảm so với các năm, do tình hình dịch Covid-19, nhưng bán vẫn chạy. Giá vịt quay, heo quay cũng không thay đổi so với ngày thường. Vịt quay 340.000 đồng/con, heo quay 350.000 đồng/kg.

doanngo-com-ruou(1).jpg
doan-ngo-banh-u.jpg
Bánh ú, cơm rượu đắt hàng ngày Tết Đoan ngọ. Năm nam7 giá bánh ú tăng vọt gần 100.000 đồng/chục do hiếm hàng. Ảnh: H.Minh

Chủ tiệm thịt quay Phát Thanh cho biết chỉ sau vài tiếng đồng hồ mở cửa, hơn 9h, cửa hàng của ông đã hết thịt và tạm ngưng nhận khách, để giải quyết hết đơn cho những người đã xếp hàng trước đó.

Còn tại các chợ Bà Chiểu, chợ Thị Nghè, chợ Tân Định… nhiều mặt hàng truyền thống dịp Tết Đoan ngọ khá hút khách. Bánh ú nước tro năm nay được tiểu thương bán với giá 90.000 - 100.000 đồng/chục loại bánh to, có nhân, bánh không nhân khoảng 60.000 đồng/chục. Mức giá này tăng từ 20.000 - 30.000 đồng/chục so với năm ngoái.

Người bán cho biết, nguyên nhân bánh ú tăng giá là do nhiều lò bánh thiếu nhân công, bánh làm ra ít hơn so với thường năm, và giá nguyên vật liệu như lá tre, đường, đậu cũng tăng. Do đây là mặt hàng thường không thể thiếu dịp Tết Đoan ngọ nên vẫn được nhiều người mua, nhưng chỉ mua ít khoảng một chục bánh.

Năm nay, các mặt hàng trong mâm cúng không tăng giá là cơm rượu, từ 25.000 - 30.000 đồng mỗi hộp. Lá xông từ 10.000 đồng/bó. Hoa cúc các loại từ 15.000 - 20.000 đồng/bó, cát tường 35.000 đồng/bó. Vải thiều loại 1 chỉ từ 35.000 đồng/kg (rẻ hơn nhiều so với các năm), xoài 45.000 đồng/kg, quýt đường 50.000 đồng/kg.

Không chỉ heo quay, dù chỉ mới quá giờ trưa, nhưng nhiều tiểu thương bán cơm rượu, vải thiều đã “cháy hàng”.

Hàng hóa dồi dào

Để phục vụ thị trường ngày Tết Đoan ngọ, hàng hóa về các chợ đầu mối tại TPHCM rất dồi dào, thậm chí nhiều hơn so với năm ngoái. Tại chợ đầu mối Hóc Môn, lượng hàng về chợ trong hai ngày phục vụ mùng 5 tháng 5 Âm lịch tăng so với năm ngoái, với lượng từ 2.900 - 3.200 tấn mỗi ngày. Trái cây về chợ cũng gần 900 tấn.

doan-ngo-p.jpg
Vải thiều giá chỉ 35.000 đồng/kg được nhiều tiểu thương bán hết veo sau vài giờ ở hàng. Ảnh: H.Minh

Trưởng ban quản lý chợ hoa Đầm Sen (quận 11) - ông Lý Phú Quí, cho biết trong 3 ngày chợ hoa được mở lại theo quyết định của Sở Công Thương TPHCM, ước tính tiêu thụ được hơn 100 tấn hoa hỗ trợ cho nông dân tỉnh Lâm Đồng.

Chợ hoa Đầm Sen là một trong những chợ đầu mối hoa tươi lớn nhất TPHCM, chuyên tập kết hoa từ các tỉnh thành, nhiều nhất là Lâm Đồng về, sau đó phân phối cho các chợ lớn nhỏ trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận.

3 ngày mở cửa, việc tiêu thụ hoa hỗ trợ nông dân Lâm Đồng tại chợ hoa Đầm Sen rất tốt, nhiều tiểu thương đã bán hết hàng sớm dù chưa hết ngày Tết Đoan ngọ. Để đảm bảo hoạt động phòng chống dịch Covid-19, các cửa ngõ ra vào chợ hoa Đầm Sen đều có các chốt kiểm soát. Tiểu thương, bạn hàng, người mua lẻ được yêu cầu luôn luôn đeo khẩu trang, tránh tập trung đông người.

Trước tình hình Covid-19 vẫn đang phức tạp, các doanh nghiệp bán lẻ vẫn cho biết hàng hóa dự trữ đang rất dồi dào nên không cần lo thiếu hụt.

Trước đó, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - ông Bùi Tá Hoàng Vũ, cũng nhận định mỗi ngày có khoảng 8.000 tấn rau củ quả được nhập và tiêu thụ tại 3 chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức. Sản lượng này đáp ứng khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố, 30% còn lại do hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và các doanh nghiệp phân phối lớn đảm nhiệm.

Sở Công Thương TP.HCM cũng đã kích hoạt liên kết 22 tỉnh thành trong chương trình kết nối cung cầu và bình ổn thị trường theo chỉ đạo từ Bộ Công Thương. Hàng hóa hiện nay đầy đủ, các doanh nghiệp đều có phương án dự phòng, các mặt hàng không khan hiếm, không tăng giá.

H. MINH
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement