16/06/2017 06:50
Bánh kẹo, đồ chơi ngoại nhập: Lạ và... độc
Đánh vào” thượng đế nhí, nhiều cửa hàng chuyên doanh bánh kẹo, đồ chơi - nhập từ Anh, Đức, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… với tiêu chí “độc”, lạ.
Không chỉ có tên nghe đã… sợ, nhiều sản phẩm còn có nguy cơ đe dọa sức khỏe người dùng.
Độc, lạ và... phản cảm
Bước vào cửa hàng Thế giới kẹo Mỹ trên đường Phan Đình Phùng, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, không chỉ học sinh tiểu học, trung học mà ngay cả người lớn cũng bị choáng ngợp bởi thế giới bánh kẹo, đồ chơi đủ hình dạng, màu sắc.
Thương hiệu này có đến bốn chi nhánh tại TP.HCM, đều bày bán các loại bánh kẹo tích hợp đồ chơi khiến trẻ mê mệt như kẹo hình thỏi son, khi mút sẽ có điện chớp sáng; kẹo tích hợp kèn thổi hoặc chong chóng; vô số kẹo đồ chơi hình thú.
Lạ nhất là các bạn nhỏ còn truyền tai nhau về một loại “kẹo thúi”, loại kẹo có cả vị ngon (dâu, cam, nho…) lẫn vị hôi (rác, bùn, keo dán…) để các bé chơi trò “hên-xui”.
Không chỉ một cửa hàng thế giới kẹo Mỹ, trên thị trường còn có nhiều cửa hàng khác mở các chi nhánh và phủ sóng cả online. Thơ Nguyễn Family shop là một cái tên được nhiều trẻ nhỏ biết đến. Ngày mở đợt sale, shop chật kín khách nhí chen chúc từ ngoài cổng.
Ngoài bán hàng tại nhà ở Bình Dương, cửa hàng này còn bán trên Facebook, Youtube. Riêng kênh Facebook, cửa hàng này đã thu hút hơn 207,5 nghìn người thích và liên tục có khách mua hàng, mở rộng đối tượng tiêu thụ vươn tới nhiều tỉnh thành lân cận.
Đáng kể là ở đây bày bán nhiều loại bánh kẹo có tính chất rất phản cảm, như: kẹo shit (có hình dáng y chang cục phân); kẹo shit động vật (mùi vị í ẹ); kẹo nổ banh miệng hình quả bom (ăn vào nổ lốp bốp); kẹo nhuộm lưỡi xanh, đen, đỏ (các em ăn vào và thích thú nhát ma nhau); bột pha rượu, bia không cồn (các em rủ… nhậu).
Hàng ngoại cao cấp, chất lượng không xịn
Nếu như bấy lâu, phụ huynh chỉ cảnh giác với bánh kẹo trôi nổi, giá rẻ có xuất xứ Trung Quốc thì hiện nay phải cảnh giác với cả hàng ngoại “có vẻ cao cấp”.
Những sản phẩm kể trên được các cá nhân lấy hàng “xách tay” về bán với lời giới thiệu xuất xứ từ Mỹ, Anh, Nhật… những quốc gia có hàng rào kiểm soát chất lượng sản phẩm (SP) nghiêm ngặt.
Theo đó, giá các loại bánh kẹo này cũng ở mức rất cao. Một cây kẹo Fan Mickey, Fan M & M, Fan Frozen 180.000đ; bánh chocolate Bauli Panettone 350.000đ; kẹo trái cây kết hợp đồ chơi JellyBelly Mickey Machine 800.000đ, đồ chơi 1 triệu đồng/bộ. Song giá cao không phải lúc nào cũng đi kèm với chất lượng tốt.
Ghi nhận thực tế tại các chuỗi cửa hàng quảng bá chuyên doanh hàng Nhật Bản, Thái Lan, Anh, không ít người tiêu dùng đến đây đều tưởng rằng mình sẽ sở hữu SP được sản xuất tại những quốc gia này.
Song nhiều cửa hàng trong số đó đã bày bán lẫn lộn hàng Trung Quốc. SP đang làm mưa làm gió khiến các thượng đế nhí mê mẩn là hạt đồ chơi orbeez. Khi trẻ cho vào nước càng lâu, hạt càng nở to.
Cùng một mặt hàng này nhưng người bán này nói là hàng Nhật, người bán khác lại nói là hàng Trung Quốc. Khi người mua thắc mắc, người bán mới giải thích: “Hàng Trung Quốc nhưng sản xuất theo tiêu chuẩn Nhật” (!?). Được biết, đây cũng là một dạng đồ chơi hạt nở - một loại hạt nhựa cực độc, báo chí từng thông tin nhiều vụ ngộ độc tập thể qua da và đã bị cấmsử dụng.
Thêm nữa, tại một cửa hàng bán kẹo Mỹ, chúng tôi thấy có gói kẹo nhàu nát, xem kỹ thì… cận đát. Cô nhân viên bán hàng chống chế: “Vẫn còn mấy ngày mới hết hạn” (!?). Trong khi trước đó mấy phút, cũng cô này lập lờ: “Hàng mới nhập về!”. Hầu hết SP bánh kẹo, đồ chơi ngoại nhập kể trên đều không có nhãn phụ tiếng Việt theo quy định đối với hàng nhập khẩu.
Lật tẩy “Made in”…
Theo số liệu kiểm tra từ Chi cục Quản lý thị trường (CC QLTT) TP.HCM, tuần nào các đội QLTT cũng thu giữ hàng nghìn SP bánh kẹo, đồ chơi trẻ em nhập lậu, không rõ nguồn gốc; trong đó có nhiều bánh kẹo hết hạn sử dụng và đồ chơi bạo lực…
Đáng lưu ý hơn, CC QLTT TP.HCM cảnh báo: “Nhiều bánh kẹo, đồ chơi có nguồn gốc Trung Quốc nhưng được thay bao bì, gắn nhãn hàng châu Âu đánh lừa người tiêu dùng (NTD).
Đó là những đồ chơi có yếu tố gây hại cho trẻ như trong những quả trứng khủng long có kèm theo các hình xăm dán thẳng lên da có thể gây hại cho da; kẹo được làm giống hình thỏi son, phía dưới có gắn đèn bấm vào sẽ phát sáng, ánh sáng này không tốt cho mắt trẻ; màu sắc nhuộm đen, đỏ lưỡi phải được kiểm soát chất lượng…”.
Nói về tình trạng hàng ngoại chất lượng mù mờ, chuyên gia thị trường Trương Cung Nghĩa, nhận định: “Các nhà sản xuất, bán lẻ bánh kẹo nước ngoài nhận thấy thị trường tiềm năng này nên khai thác rất tốt. Họ tích hợp bánh kẹo với đồ chơi, dù giá cao vẫn nhiều NTD chọn mua. Các đối tượng này cũng đánh vào tâm lý NTD chuộng hàng ngoại nên đã khai thác thế mạnh thương hiệu theo xuất xứ quốc gia. Song thực tế, hàng hóa có đúng SP ngoại nhập chính hãng, chất lượng cao hay chỉ là hàng trôi nổi thì NTD cần tìm hiểu kỹ trước khi mua”.
“NTD cần đọc kỹ thông tin, tìm hiểu kỹ chất lượng SP trước khi mua”. Đây là một đòi hỏi mang tính thách thức NTD hiện nay. Nếu lúc nào NTD cũng mua sắm trong tâm trạng lo lắng ấy thì các cơ quan quản lý thị trường ở đâu và liệu các nhà sản xuất Việt Nam vẫn đang bám nghề hay ít nhiều trong số họ đã trở thành mối lái để… phân phối SP nước ngoài cho dễ cólợi nhuận?
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp