25/01/2017 06:34
Bánh chưng, bánh tét ba miền có gì khác nhau?
Theo dọc chiều dài đất nước với những điều kiện địa lý, văn hóa khác nhau, bánh trong mâm cỗ ngày Tết cũng có những điểm khác biệt thú vị.
Từ 25 tháng Chạp trở đi, trong cái se se lạnh mùa đông còn sót lại, các gia đình lo chuẩn bị gạo nếp, đậu xanh, thịt, lá dong, lá chuối để gói bánh chưng, bánh tét cúng ông bà, tổ tiên đón Tết.
Trong đời sống hiện đại, nhiều gia đình tại các thành phố lớn thường chọn mua bánh chưng, bánh tét tại siêu thị, chợ vì không có thời gian, điều kiện gói bánh. Thế nhưng, rất nhiều gia đình Việt tại các vùng quê, tỉnh thành vẫn giữ nguyên truyền thống gói bánh ngày cuối năm.
Hình ảnh các ông bố đi chặt lá, chẻ lạt, các bà các mẹ vo gạo nếp, làm nhân bánh rồi cả nhà cùng ngồi gói bánh, buộc lạt đã trở thành một nét đẹp mỗi khi Tết về.
Bánh chưng, bánh tét gói gọn trong mình một nền văn minh lúa nước lâu đời, thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên, đất trời. Nguyên liệu bao gồm: gạo nếp, thịt lợn, đậu xanh, lá và lạt tre để buộc.
Dọc theo chiều dài đất nước, do điều kiện văn hóa, địa lý khác nhau nên bánh chưng ,bánh tét giữa ba miền Bắc - Trung - Nam cũng có những thay đổi trong cách gói, cách làm nhân bánh.
Kiểu gói bánh chưng của người miền Bắc
Bánh chưng miền Bắc cóhìnhdạngvuông vức, xanh mướt và được chuẩn bị rất cầu kỳ từ những chiếc lá dong, hạt nếp cái hoa vàng, đỗ xanh cho đến lạt tre.
Nguyên liệu người Bắc dùng để gói bánh làgạo nếp, đậu xanh, thịt lợn và lá dong. Bánh muốn ngon phải chuẩn bị nguyên liệu chu đáo: gạo ngâm đãi thật kỹ; đậu xanh đồ vừa chín tới; thịt có cả nạc, bì, mỡ, ướp đủ gia vị; gói xong phải luộc ngay bánh mới xanh.
Lúc gói phải tuân theo nguyên tắc “đỗ trong gạo, gạo trong lá”, chiếc bánh mới vuông đẹp, gói chặt tay, không cần ép mà bánh vẫn để được lâu. Miếng bánh sau khi cắt, nhân đỗ và thịt nạc phải luôn cân đối ở tất cả các phần.
Ngoài loại bánh chưng truyền thống,người miền Bắc còn có những “biến tấu” trong cách làm, cho ra những chiếc bánh chưng có hương vị đặc biệt như bánh chưng gấc đỏ, bánh chưng cốm, bánh chưng nếp cẩm, bánh chưng ngũ sắc...
Kiểu gói bánh tét của người miền Nam
Người miền Nam có món "bánh chưng" riêng, gọi tên là bánh tét. Từ xa xưa, ông bà ta đã có câu thành ngữ “bánh chưng miền Bắc, bánh tét miền Nam” để thể hiện sự khác nhau giữa hai miền.
Nguyên liệu gói bánh tét giống bánh chưng miền Bắc, nhưng thay vì gói vuông vức, người miền Nam gói theo hình trụ dài.
Bánh tét thường được gói với nếp, đậu xanh, không có hoặc có ít thịt để có thể ăn sau Tết. Người dân dùng lá chuối thay cho lá dong.
Với 2-4 chiếc lá xếp theo chiều dọc, rải gạo, đậu xanh theo chiều của lá và quấn bằng lạt để bó chặt chiếc bánh. Bánh tét của miền Nam cũng có nhiều loại khác nhau như bánh tét chay, bánh tét không nhân, bánh tét ngọt...
Kiểu gói bánh tét của miền Trung
Miền Trung “gánh hai đầu đất nước” nên bánh chưng bánh tét ngày Tết là sự pha trộn giữa hai miền Nam - Bắc.
Ngày Tết, người miền Trung thường gói cả hai loại bánh là bánh chưng và bánh tét. Bánh ở miền Trung thường bé và ít nhân hơn bánh chưng ngoài Bắc. Bánh tét thì giống như trong miền Nam nhưng chỉ dùng để ăn trong nhà, không dùng làm quà biếu như trong Nam.
Người miền Trung quan niệm, “đòn bánh tét” nghe như “đòn roi” nên họ không dùng để tặng.
Dù thời đại có thay đổi thế nào, bánh chưng bánh tét vẫn là món bánh truyền thống của dân tộc. Những ngày cuối năm, cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng bánh tét sôi ùng ục, chờ vớt bánh chín là khoảnh khắc ấm áp nhất mỗi khi Tết về.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp