29/07/2024 09:17
Ban tổ chức Olympic Paris 2024 xin lỗi vì lễ khai mạc 'thảm hoạ' nhất lịch sử
Lễ khai mạc Thế vận hội mùa hè 2024 đã kết thúc vào rạng sáng ngày 27/7, tuy nhiên những tranh cãi vẫn bùng nổ khi khán giả toàn thế giới chỉ trích dữ dội lễ khai mạc, cho rằng một tiết mục của chương trình mang ý báng bổ tôn giáo.
Trong lễ khai mạc, ban tổ chức (BTC) Olympic Paris đã có màn mô phỏng bức tranh Bữa Tiệc Ly nổi tiếng của Leonardo Da Vinci với ý nghĩa tái hiện cảnh trong Kinh thánh về Chúa Jesus và các môn đệ cùng nhau dùng bữa cuối cùng trước khi bị đóng đinh. Màn mô phỏng tại lễ khai mạc Olympic Paris 2024 có sự góp mặt của các nghệ sĩ giả nữ, người mẫu chuyển giới, ca sĩ khỏa thân hóa trang thành vị thần rượu vang Dionysus của Hy Lạp và một đứa trẻ.
Cảnh tượng này khiến các tín đồ Công giáo bàng hoàng, coi là sự xúc phạm "thô tục" với hàng tỷ người theo đạo Thiên chúa trên khắp thế giới.
Hiệp hội Anh giáo ở Ai Cập cũng cho biết thất vọng với tiết mục, nhận xét lễ khai mạc có thể khiến Olympic mất đi bản sắc thể thao và thông điệp nhân văn. Trước đó, tỷ phú Elon Musk viết trên X về màn diễn này: "Vô cùng thiếu tôn trọng những người theo đạo Thiên chúa".
Ngoài tranh cãi về tiết mục "nhại bức tranh The Last Supper"", lễ khai mạc bị nhiều khán giả nhận xét vượt giới hạn đạo đức. Trong đó có đoạn ba vũ công mặc trang phục sặc sỡ, hôn và ôm nhau, sau đó một vũ công làm động tác đóng cửa.
Chủ tịch BTC Thế vận hội Olympic Paris 2024 Tony Estanguet sau đó đã lến tiếng: "Chúng tôi tổ chức một buổi lễ để thể hiện các giá trị và nguyên tắc của mình. Đây là một buổi lễ của Pháp dành cho Olympic Pháp. Chúng tôi tin tưởng giám đốc nghệ thuật của mình. Chúng tôi có quyền tự do ngôn luận ở Pháp và chúng tôi muốn bảo vệ quyền này".
Còn người phát ngôn của Olympic Paris 2024, Anne Descamps, phát biểu tại một cuộc họp báo: "Rõ ràng là chúng tôi không hề có ý định thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với bất kỳ nhóm tôn giáo nào. Lễ khai mạc đã cố gắng tôn vinh lòng khoan dung của cộng đồng. Nhìn vào kết quả các cuộc khảo sát, chúng tôi tin rằng tham vọng này đã đạt được. Nếu mọi người cảm thấy bị xúc phạm, chúng tôi thực sự xin lỗi".
Giám đốc nghệ thuật của buổi lễ Thomas Jolly đã giải thích với hãng thông tấn The Associated Press về ý tưởng của mình: "Tôi không muốn phá hoại, chế giễu hay gây sốc. Hơn hết, tôi muốn gửi đi thông điệp yêu thương, thông điệp hòa nhập và không chia rẽ".
Buổi lễ dài ba tiếng với 10 chương, ban tổ chức đưa nhiều nét văn hóa, nghệ thuật của nước chủ nhà đan xen các nghi thức diễu hành, châm đuốc. Trong chương ba mang tên Tự do, các nghệ sĩ tái hiện vở kịch Những người khốn khổ, chuyển thể từ tiểu thuyết của Victor Hugo.
Trong một sự kiện được xem là có nhiều "sạn" và gây tranh cãi, điểm sáng duy nhất chính là phần trình diễn của danh ca Celine Dion sau thời gian dài cô nghỉ ca hát vì bệnh tật.
Tờ The Guardian bình luận: "Trong lúc Ban Tổ chức vẫn chưa biết xử lý ra sao với những sự cố khó đỡ, sự xuất hiện của Céline Dion đã lu mờ tất cả. Ngôi sao người Canada tỏa sáng trong chiếc váy lấp lánh, cất giọng tuyệt vời, mang bài hát L'Hymne A L'Amour đến khán giả. Céline Dion đã làm ngây ngất con tim của hơn 1,5 tỷ người xem trực tiếp và đặc biệt hơn, cô đã cứu Ban Tổ chức khỏi chỉ trích".
Céline Dion đã không biểu diễn kể từ năm 2021, khi cô được chẩn đoán mắc hội chứng cứng người và hủy bỏ chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới Courage. Sự xuất hiện của Celine Dion tại lễ khai mạc Olympic Paris 2024 đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người.
(Nguồn: The Guardian)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement