05/07/2017 06:25
Bán nước ép trái cây cũng phải đạt chuẩn an toàn
Trên thị trường hiện nay xuất hiện nhiều cửa hàng bán nước trái cây. Nhưng muốn bán những loại nước này phải tuân theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chỉ tiêu an toàn thực phẩm.
Hiện nay nhiều cửa hàng buôn bán đồ uống không cồn, bao gồm nước rau quả, nectar rau quả và đồ uống pha chế sẵn không cồn vẫn chưa tuân thủ các quy chuẩn về chỉ tiêu an toàn thực phẩm được quy định tại QCVN 6-2:2010/BYT (được ban hành theo Thông tư số 35/2010/TT-BYT ngày 02 tháng 6 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế).
Theo các quy chuẩn nêu trên, nước sử dụng để chế biến đồ uống không cồn phải đáp ứng các yêu cầu: Mùi vị: Không có mùi, vị lạ; pH: trong khoảng 6,5-8,5…
Giới hạn tối đa các chất nhiễm bẩn như: Chì, mg/l giới hạn tối đa: 0,05; thiếc (đối với sản phẩm đóng hộp tráng thiếc), mg/l giới hạn tối đa: 150; Yêu cầu về độc tố vi nấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cho từng sản phẩm. Ngoài ra, còn có các chỉ tiêu về sinh vật của đồ uống không cồn như: Tổng số vi sinh vật hiếu khí, CUF/ml sản phẩm; Coliform CUF/ml; Tổng số nấm men và nấm mốc, CUF/ml. Bên cạnh đó sản phẩm còn phải ghi nhãn theo đúng quy định.
Theo luật sư Đặng Thành Trí, Đoàn Luật sư TP.HCM, tại Nghị định số 178/2013/NĐ-CP quy định hành vi sử dụng nước không đạt quy chuẩn kỹ thuật để sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, việc bán buôn, bán lẻ thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm lưu thông trên thị trường không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật hoặc quy định an toàn thực phẩm có mức phạt cao nhất đến 50 triệu đồng.
Và hành vi sản xuất, nhập khẩu, bán ra thị trường thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật hoặc quy định an toàn thực phẩm có mức phạt cao nhất đến 100 triệu đồng.
Ngoài ra còn bị buộc thu hồi sản phẩm hàng hóa vi phạm đang lưu thông trên thị trường để chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế đối với sản phẩm vi phạm; trường hợp không thực hiện được tái chế thì buộc tiêu hủy; Buộc tái xuất hoặc tiêu hủy hàng hóa nhập khẩu.
Advertisement