05/07/2017 06:41
Băn khoăn chuyện tố lỗ của doanh nghiệp taxi
Một trong những thông tin đáng chú ý trong “cuộc chiến” truyền thông giữa taxi truyền thống và ứng dụng gọi xe Grab, Uber là việc Hiệp hội Taxi Hà Nội công bố Grab Việt Nam lỗ hơn 400 tỷ đồng năm 2016. Thông tin đáng chú ý này đặt ra nhiều câu hỏi pháp lý thú vị.
Thông tin từ Hiệp hội Taxi Hà Nội về chuyện nộp thuế của Grab khá chi tiết, từ tổng doanh thu đến số thuế đã đóng với từng sắc thuế, con số lỗ lãi… Những con số này được nhận xét là không hợp lý và hoàn toàn khác biệt so với các doanh nghiệp taxi truyền thống.
Vậy nhưng, chiếu theo quy định pháp luật hiện hành thì việc công bố này của Hiệp hội Taxi Hà Nội dường như… có vấn đề.
Theo Luật quản lý thuế 2006, người nộp thuế có quyền được bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật.
Bản thân cơ quan thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin người nộp thuế, trừ những trường hợp phải cung cấp thông tin cho một số cơ quan như cơ quan điều tra, tòa án, viện kiểm sát; kiểm toán nhà nước; cơ quan quản lý thuế nước ngoài nhưng phải phù hợp với các điều ước mà Việt Nam đã ký kết…
Bên cạnh đó, thông tin về người nộp thuế chỉ bị công khai trên các phương tiện truyền thông trong trường hợp trốn thuế, gian lận, chây ì không nộp thuế đúng hạn; vi phạm pháp luật về thuế và làm ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khác cũng như không thực hiện các yêu cầu của cơ quan quản lý thuế.
Với quy định pháp luật hiện hành như vậy thì rõ ràng phải đặt câu hỏi về chức năng chia sẻ những thông tin về thuế của Grab, đơn vị đang được các doanh nghiệp taxi truyền thống coi là đối thủ cạnh tranh mà Hiệp hội Taxi Hà Nội đã làm những ngày qua.
Quan trọng hơn là phải đặt câu hỏi về nguồn gốc của những thông tin này cũng như tính xác thực của nó.
Trong trường hợp của Grab Việt Nam, công ty này chưa niêm yết trên sàn chứng khoán, không công bố những báo cáo tài chính thì những số liệu như thế này không phải dễ kiếm.
Không chỉ vậy, doanh nghiệp này cũng chưa bị kiểm toán, thanh tra, kiểm tra thuế xác định là vi phạm các quy định về thuế để bị công khai thông tin với báo chí. Giả dụ, nếu có việc thanh tra, kiểm toán thì các tài liệu liên quan cũng ở dạng lưu hành nội bộ trong cơ quan thuế.
Trả lời báo chí, đại diện của Grab Việt Nam khẳng định, những thông tin mà Hiệp hội Taxi Hà Nội đưa ra là “sai lệch” và ảnh hưởng đến họ.
Vấn đề là, Grab thậm chí còn có thể có động thái pháp lý cao hơn, không chỉ với Hiệp hội Taxi Hà Nội mà còn với cơ quan chịu trách nhiệm cho việc thông tin bị phát tán công khai.
Cũng cần nói thêm rằng, chuyện Hiệp hội Taxi Hà Nội tố Grab báo lỗ hàng trăm tỷ đồng, nộp thuế ít nằm trong chuỗi thông tin mà các doanh nghiệp taxi truyền thống đang đưa ra với cơ quan quản lý, cơ quan truyền thông như một cách buộc tội các công ty cung cấp ứng dụng gọi xe.
Cuộc chiến giữa hai bên chắc chắn vẫn còn dai dẳng khi người tiêu dùng có sự lựa chọn của riêng mình và cơ quan quản lý vẫn đang tìm cách quản lý hài hòa, phù hợp. Chỉ lưu ý rằng, dùng cách nào thì mọi doanh nghiệp cũng cần tuân thủ pháp luật và suy xét kỹ càng để tránh phản tác dụng. Với người tiêu dùng, nhiều khi chỉ vì “ghét cái thái độ” của người này mà chọn dịch vụ của người kia!
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp