10/06/2017 06:55
Bán 'con cưng' mía đường, bầu Đức sẽ vực dậy Hoàng Anh Gia Lai?
Giới đầu tư đang kỳ vọng sau khi bán đứt mảng mía đường, bầu Đức sẽ vực dậy được Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã HAG) sau những tháng ngày chìm trong thua lỗ, nặng nợ.
Dẫu vậy, con đường đưa con tàu HAG trở lại “quỹ đạo” sẽ lắm gian nan khi vẫn còn những gánh nặng về tài chính mà bầu Đức chưa thể giải quyết trong một sớm một chiều...
Mới đây, Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức đã chính thức về một nhà với Tập đoàn Thành Thành Công và đổi tên thành Công ty TNHH Mía đường TTC Attapeu. Trong thương vụ này, hai công ty mía đường của ông Đặng Văn Thành là SBT và BHS đã chi tổng cộng 1.330,1 tỷ đồng để thâu tóm 100% vốn điều lệ của Mía đường Hoàng Anh Gia Lai.
Bán “đứa con cưng”, bầu Đức giải quyết được gì?
Giới đầu tư ví Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Gia Lai là “đứa con cưng” của bầu Đức cũng có lý do.
Tính từ năm 2013 đến nay thì mảng mía đường đã mang lại doanh thu khá ổn định. Chưa kể, đường từ nhà máy này nhập khẩu vào Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi 0% theo quy định của Hiệp định Thương mại biên giới giữa Việt Nam và Lào.
Thế nên, việc bán “đứa con cưng” này có lẽ là một điều khá đau lòng với bầu Đức nói riêng, của cả Tập đoàn HAGL nói chung.
Trước đó, theo báo cáo tài chính được công bố, tính đến ngày 31.3.2017, tổng nợ phải trả của HAGL là 34.426 tỷ đồng, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của HAGL là 2,1. Trong đó, tổng vay ngắn hạn và dài hạn gần 25.785 tỷ đồng, đã giảm nhẹ 3,2% so với số đầu kỳ song đây cũng là phần chiếm đến gần 75% nợ phải trả.
Tuy nhiên, HAGL cũng được tạo điều kiện tái cơ cấu các khoản nợ khi một số khoản nợ dài hạn và trái phiếu đến ngày đáo hạn đã được gia hạn thêm từ 3 đến 6 năm. Cùng với đó, việc bán đi mảng mía đường, thủy điện, cộng với doanh thu từ bò, cao su,... có thể bớt gây áp lực lên dòng tiền của HAGL.
Dẫu vậy, áp lực về lãi vay vẫn đè nặng lên vai bầu Đức. Theo thống kê, nếu những năm 2012 - 2013, chi phí lãi vay mà HAGL phải chịu chỉ trên dưới 500 tỷ đồng thì 2 năm gần đây, khoản lãi vay mà HAGL phải gánh đã lần lượt tăng lên 1.079 tỷ đồng (năm 2015) và 1.579 tỷ đồng (năm 2016).
Thế nên, tại Đại hội cổ đông năm 2017 này (dự kiến ngày 30.6 tới), nếu bầu Đức tiếp tục đưa ra ý kiến bán tài sản thì không phải để tìm kiếm lợi nhuận mà là mục tiêu muốn nhanh chóng cơ cấu lại các khoản nợ.
Hiện tại, nhiều khả năng, HAGL sẽ giảm quy mô, bán bớt 20.000 ha ở Lào trong tổng số hơn 38.000 ha để giảm bớt nợ vay. Bên cạnh đó, việc tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của khu phức hợp Yangon tại Myanmar, HAGL cũng đang tìm kiếm các đối tác để chuyển nhượng.
Sẽ vực dậy HAGL bằng gì?
Sau khi bán mảng mía đường, một phần các dự án thủy điện tại Lào, thoái vốn khỏi mảng khoáng sản; có lẽ những mảng kinh doanh để bầu Đức trông chờ sẽ vực dậy “con tàu” HAGL trong tương lai đến từ cao su, cọ dầu, bán bò và các dự án bất động sản tại Myanmar...
Với cao su, HAGL đang sở hữu 38.428 ha, trong đó 22.177 ha tại Lào, 2.394 ha tại Việt Nam và 13.857 ha tại Campuchia. Tuy vậy, doanh thu từ cao su vẫn mới chỉ chiếm phần nhỏ trong cơ cấu tổng doanh thu tập đoàn, nguyên nhân có thể là vì giá cao su liên tục giảm trong vài năm gần đây.
Dù vậy, cơ hội với mảng này còn rất lớn khi kỳ vọng về giá cao su thiên nhiên trên thế giới có thể phục hồi trong vài năm tới.
Ở mảng cọ dầu, HAGL đã trồng thử nghiệm cây cọ dầu từ năm 2012 với diện tích ban đầu 4.000 ha. Đến cuối năm 2015, HAGL đã trồng được 28.626 ha tại Lào và 21.571 ha tại Campuchia.
Hiện tại, ở Campuchia, HAGL đang có nhà máy chế biến dầu cọ với công suất 45 tấn buồng quả tươi/giờ có thể chế biến 270.000 tấn quả tươi/năm, đủ phục vụ cho diện tích khoảng 9.000 ha. Tại Lào, HAGL đang tiến hành đầu tư xây dựng nhà máy chế biến dầu cọ với công suất 30 tấn buồng quả tươi/giờ và dự kiến đi vào hoạt động vào nửa đầu năm 2017.
Trong lĩnh vực kinh doanh bò trong hai năm gần đây đang đem lại nguồn lợi nhuận chính cho HAGL. Tuy nhiên, hệ số lợi nhuận gộp mảng này đã giảm mạnh từ khoảng 41,3% xuống gần 12,7%. Nguyên nhân có thể đến từ việc nuôi bò Úc của HAGL cần tiêu chuẩn và kỹ thuật cao. Trong khi đó, bò Úc nhập khẩu lại tăng, dẫn đến cạnh tranh gay gắt trên thị trường và biên lợi nhuận sụt giảm.
Riêng về mảng bất động sản ở Myanmar, HAGL đang đầu tư Dự án khu phức hợp trung tâm thương mại có diện tích 8 ha tại TP. Yangon (Myanmar). Tuy nhiên, mới đây chính sách địa phương này đã thay đổi đột ngột có thể ảnh hưởng đến việc kinh doanh của HAGL.
Tài sản của bầu Đức đang nằm ở đâu?
Theo báo cáo hợp nhất kiểm toán vừa được công bố, phần lớn số cổ phiếu có giá trị thị trường hơn 3.000 tỷ đồng của bầu Đức đang nằm tại các ngân hàng, trở thành tài sản thế chấp cho hàng loạt món vay từ dài hạn tới trái phiếu thông thường của HAG.
Cụ thể, khoảng 12,96 triệu cổ phiếu của ông Đức là tài sản thế chấp cho trái phiếu thông thường phát hành cho trái chủ là Ngân hàng Bản Việt; 76,52 triệu cổ phiếu thế chấp cho trái chủ là ngân hàng Bắc Á. Với các khoản vay bằng phát hành trái phiếu khác cho BIDV, HDbank hay VPBank, bầu Đức thế chấp 69,83 triệu cổ phiếu làm một phần tài sản bảo đảm cho tổng món vay hơn 9.000 tỷ đồng.
Với các khoản vay dài hạn, bầu Đức thế chấp khoảng 66 triệu cổ phiếu cho hai ngân hàng là Sacombank và HDBank.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp