26/08/2017 06:22
Bài học từ khủng hoảng giá lợn: Mắc kẹt ở khâu nào?
Sau “bão giá” khiến hàng triệu người chăn nuôi lao đao, Cục Chăn nuôi nhận định, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là giải pháp quan trọng cho phát triển chăn nuôi bền vững tại Việt Nam.
Bài học từ khủng hoảng giá lợn
Ông Võ Trọng Thành – cán bộ dự án Chuỗi thịt lợn VIP (Cục Chăn nuôi) cho biết, thời điểm năm 2014 đến nửa đầu 2016, bức tranh ngành chăn nuôi Việt Nam toàn “màu hồng” khi giá lợn hơi đạt 45.000 – 53.000 đồng/kg, lợi nhuận mang lại cho người chăn nuôi từ 700.000 đồng – 1 triệu đồng/con. Người chăn nuôi nhân dịp đó đã tăng đàn nái lên mức 4,2 triệu con.
Tuy nhiên, từ nửa cuối 2016, ngành chăn nuôi rơi vào khủng hoảng, cụm từ “giải cứu lợn” trở thành mối quan tâm của cả xã hội khi nhiều cơ quan, tổ chức, đoàn thể… phải chung tay tiêu thụ thịt lợn cho người chăn nuôi.
Cũng theo ông Thành, sau “bão giá”, công tác dự báo, cảnh báo cung cầu của ngành chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn trong khi việc điều tiết cung cầu bằng mệnh lệnh hành chính hay vận động tiêu dùng là điều không thể. Do đó, Cục Chăn nuôi nhận định, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là giải pháp quan trọng cho phát triển chăn nuôi hiện đại, bền vững ở Việt Nam.
Để làm được điều này, Cục Chăn nuôi đề xuất phải kết nối được sản xuất với thị trường, tặng tính dự báo, tăng chủ động, điều tiết cung cầu hợp lý. Đặc biệt, phải phân bổ lợi nhuận hợp lý giữa các bên tham gia.
“Vấn đề đầu tiên là phải xác định rõ và khai thông thị trường thịt lợn của Việt Nam, đưa việc giết mổ, phân phối thịt lợn và quy mô chăn nuôi hàng hóa thành ngành nghề có điều kiện. Đồng thời, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp, HTX triển khai liên kết chuỗi” - ông Thành nhận định.
Một trong những địa phương đã triển khai thí điểm chuỗi liên kết trong chăn nuôi từ sản xuất, giết mổ đến tiêu thụ là TP.HCM. Ông Huỳnh Tấn Phát – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, thông tin hiện TP.HCM đã xây dựng được chuỗi chăn nuôi lợn với 3 doanh nghiệp được cấp chứng nhận, cung cấp khoảng 1.300 con/ngày, đáp ứng 10% lượng thịt lợn tiêu thụ của toàn thành phố.
Ngoài ra, còn có 7 doanh nghiệp trứng gà, 7 doanh nghiệp cung cấp thịt gia cầm được chứng nhận chuỗi liên kết, đáp ứng được 30-45% nhu cầu.
Mắc kẹt ở đâu?
Thế nhưng, cái khó của chuỗi liên kết chăn nuôi hiện nay vẫn còn kẹt ở khâu giết mổ. Theo đó, TP.HCM vẫn chưa thể hoàn thiện các nhà máy giết mổ hiện đại theo quy hoạch, lộ trình. Một số nhà máy giết mổ hiện đại đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, hình thức liên kết với người chăn nuôi và các doanh nghiệp chế biến chủ yếu vẫn là giết mổ gia công, cho thuê theo giờ, theo ngày… Do đó, chưa thể phát huy được vai trò của chủ cơ sở giết mổ trong chuỗi liên kết.
Ngoài ra, ông Huỳnh Tấn Phát cũng cho rằng, cần thống nhất các logo Chuỗi thực phẩm an toàn gắn trên sản phẩm tham gia chuỗi. Vì như hiện tại, mỗi sản phẩm ra thị trường gắn nhiều logo, từ VietGAP, Lifsap, truy xuất nguồn gốc đến logo Chuỗi. Không chỉ vậy, chuỗi của mỗi tỉnh, thành phố lại khác nhau khiến người tiêu dùng không nhận diện được.
Anh Phạm Quang Thái, một người có kinh nghiệm trong chăn nuôi lợn, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Hòa Bình (xã An Lão) cũng từng có ý tưởng thành lập hợp tác xã chăn nuôi, nhưng anh cho biết, để thành lập hợp tác xã cũng không phải đơn giản, bởi khó tìm được người cùng chung chí hướng. Trên địa bàn xã ít người nuôi nhiều, những hộ khác họ chỉ nuôi dưới 100 con.
“Vào hợp tác xã thì mặt bằng chung lợi nhuận sẽ giảm đi, song sự bền vững lâu hơn, nhưng bà con lại không thích như thế mà muốn phải nhìn thấy lợi nhuận ngay trước mắt” - anh Thái phân tích.
Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, thực tế cho thấy nhiều mô hình chăn nuôi lợn có liên kết quy mô lớn từ 500 - 2.500 con/lứa cho lợi nhuận bình quân khoảng 220 triệu đồng/năm; các chuỗi liên kết gà thịt, trứng tại các tỉnh, thành phố cũng cho giá trị cao gấp 2-3 lần so với không liên kết. Đáng chú ý, chương trình hợp tác thương mại giữa Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ qua 5 năm đã có gần 1.350 hợp đồng cung cấp, tiêu thụ sản phẩm giữa thành phố với các địa phương được ký kết, giao thương hai chiều đạt hơn 22.100 tỷ đồng.
Trong đó, nhiều mô hình liên kết chuỗi phân phối và tiêu thụ đã đem lại hiệu quả, điển hình như Công ty San Hà - HTX Gò Công (tiêu thụ 1.500 con gà/ngày), Công ty Ba Huân và các trại chăn nuôi gia cầm, cơ sở chăn nuôi gà tre Hương Việt ở Chợ Gạo (Tiền Giang)… Nhiều doanh nghiệp cũng cho biết, nhờ tham gia vào chuỗi liên kết, đã có những đơn hàng mới mở ra, nguồn cung và nguồn cầu tăng lên rõ rệt. Đáng chú ý là việc cam kết hợp tác giữa những bên liên quan đã góp phần ổn định đầu vào cả số lượng và chất lượng.
Tuy nhiên, do thiếu chế tài ràng buộc nên sự liên kết vẫn còn lỏng lẻo, quy mô hẹp, mới dừng ở dạng mô hình là chính.
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho biết: Việc kết nối với doanh nghiệp tham gia bao tiêu sản phẩm cho các hộ còn khó khăn, chủ yếu là do nông dân không có kế hoạch ký kết bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp tiêu thụ từ thời điểm bắt đầu nhập giống; tiêu thụ bán buôn qua thương lái nên lợi nhuận nông dân thu về chỉ khoảng 20%, còn lại là doanh nghiệp và thương lái hưởng.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp