03/07/2017 08:56
Ba thách thức đang chờ ông Dương Công Minh ở Sacombank
Với số phiếu bầu lên tới hơn 3 triệu, ông Dương Công Minh đã bước vào Hội đồng quản trị ngân hàng Sacombank rồi trở thành Chủ tịch NH này. Tuy nhiên, thách thức cực kỳ lớn đang chờ ông Dương Công Minh ở Sacombank ...
Hôm nay sẽ là ngày đầu tiên ông Dương Công Minh đếnSacombank với vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị. Đặt ông Minh vào vị trí lãnh đạo cao nhất ở nhà băng này, từ cổ đông đến lãnh đạo Sacombank, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, VAMC, Ngân hàng Nhà nước… đều kỳ vọng rất lớn ở ông Dương Công Minh. Liệu ông Minh sẽ lèo lái Sacombank vượt qua cơn khủng hoảng khi hàng loạt khó khăn đang bủa vây Sacombank?
Nợ xấu 60.000 tỷ
Thách thức lớn nhất với ông Dương Công Minh chính là con số gần 60.000 tỉ đồng nợ xấu của Sacombank. Trong số nợ xấu này, có những khoản vay liên quan đến bất động sản rất khó xử lý. Vào cuối năm 2016, nợ xấu tại Sacombank được thể hiện trên báo cáo tài chính là 13.745 tỉ đồng, chiếm 6,9% tổng dư nợ. Nếu cộng cả số dư nợ xấu đã bán cho VAMC, tổng giá trị nợ xấu của Sacombank là 59.426 tỉ đồng, chiếm 29,9% tổng dư nợ.
Để xử lý cục nợ xấu này, cần một người am hiểu về lĩnh vực ngân hàng, bất động sản và phải có tiền thật. Ông Minh từng là Chủ tịch LienVietPostBank. Trong Tập đoàn Him Lam của ông Minh, có công ty con là Him Lam Land với nhiều dự án đình đám. Ông Minh có kinh nghiệm ở hai lĩnh vực này. Tuy nhiên, cái khó là Sacombank lấy tiền mặt ở đâu ra để tái cơ cấu.
Thuận lợi duy nhất với ông Minh là Đề án tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập với Southernbak đã được ngân hàng Nhà nước phê duyệt. 37.300 tỉ đồng trái phiếu VAMC được thực hiện trích lập dự phòng theo năng lực tài chính trong thời gian 10 năm. Các tài sản tồn đọng, Sacombank bán nợ theo giá trị thị trường. Nếu giá bán nợ thấp hơn dư nợ gốc thì chênh lệch được phân bổ dần vào chi phí hoạt động kinh doanh trong thời gian tối đa năm năm.
Phát biểu trước cổ đông sau khi được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Minh đặt mục tiêu sẽ xử lý nợ xấu của Sacombank trong vòng ba năm. Điều này sẽ là viển vông nếu nhìn vào số nợ khổng lồ tại Sacombank và khoản nợ xấu mà nhà băng này đã xử lý được sau gần hai năm Southernbank sát nhập vào.
Chuyên môn
Ông Dương Công Minh giỏi là điều ai cũng phải thừa nhận. Từ một thiếu tá và có hơn 13 năm làm quản lý ở các doanh nghiệp quân đội, ông Minh ra khỏi ngành và mở doanh nghiệp riêng. Hiện tại, ông Minh là Chủ tịch Công ty Cổ phần Him Lam có vốn điều lệ 6.500 tỉ đồng. Trong đó, ông Minh sở hữu 99% cổ phần.Ngoài ra, ông còn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị của 3 công ty khác là: Dụng cụ thể thao Bảo Long, Phát triển Xín Mần, Chứng khoán Liên Việt.
Trước khi được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank, ông Dương Công Minh từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị LienVietPostBank trong nhiều năm. Tập đoàn Him Lam là cổ đông sáng lập và là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu xấp xỉ 15%. Cá nhân ông Dương Công Minh không nắm giữ cổ phần của LienVietPostBank nhưng vợ ông Minh là bà Lê Thị Vân Thảo cùng em gái Dương Thị Liêm sở hữu gần 5% cổ phần.
Theo quy định tại Thông tư 36 của ngân hàng Nhà nước, để tránh sở hữu chéo, Tập đoàn Him Lam đã phải bán hết số cổ phần của LienVietPostBank đang nắm giữ hiện nay, trước khi ông Minh về làm Chủ tịch Sacombank.
Ông Dương Công Minh và ông Nguyễn Đức Hưởng, Chủ tịch Hội đồng quản trị LienVietPostBank gắn bó với ngân hàng này từ lúc thành lập trù bị vào năm 2007. Tuy nhiên, LienVietPostBank được như ngày hôm nay có đóng góp rất lớn của ông Hưởng. Chính ông Hưởng chứ không phải ông Minh là người đặt nền móng và điều hành LienVietPostBank suốt từ những ngày đầu đến giờ.
Điều đó đã tạo nên cụm từ “Minh Him Lam, Hưởng Liên Việt”. Dĩ nhiên, nhắc đến Dương Công Minh là nhắc đến Him Lam và nhắc đến LienVietPostBank là nhắc tới ông Hưởng. Do đó, việc điều hành Sacombank với nhiều u nhọt sẽ là thách thức không nhỏ với ông Minh.
Vượt qua cái bóng Đặng Văn Thành
Nếu như ông Minh gắn bó với LienVietPostBank từ những ngày đầu thành lập thì sự phát triển của Sacombank gắn liền với tên tuổi của ông Đặng Văn Thành. Sau khi ông Thành rời Sacombank vào cuối năm 2011 và Southernbank sát nhập vào Sacombank năm 2015, nhà băng này mới rơi vào cảnh bết bát. Còn trước đó, dưới sự điều hành của ông Đặng Văn Thành, Sacombank là một trong năm ngân hàng thương mại tốt nhất Việt Nam.
Việc ông Minh gia nhập Sacombank nằm ngoài dự đoán của rất nhiều người, bao gồm cả giới đầu tư và tài chính ngân hàng. Trước ông Minh, mọi đồn đoán về người ngồi vào chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank vẫn hướng về cái tên Đặng Văn Thành cùng các nhóm cổ đông của ông.
Tại đại hội cổ đông, không ít cổ đông lâu năm của Sacombank đã lên tiếng phản đối ông Dương Công Minh vì những ồn ào trong thời gian qua ở sân golf Tân Sơn Nhất và đặt câu hỏi “ông Đặng Văn Thành đâu rồi? Ông Thành có quay về với ngôi nhà chung Sacombank?”. Nhiều cổ đông lo ngại họ sẽ tiếp tục ăn “bánh vẽ” như cách mà ông Trầm Bê đã từng hứa hẹn năm 2015.
Cổ đông Sacombank chua chát nói: “Trước đây, thời ông Thành điều hành Sacombank, cổ phiếu STB giá gần 20.000 đồng/cổ phiếu nhưng nay chỉ còn một nửa. Liệu ông Minh có vực dậy được Sacombank?”.
Cổ đông nhớ ông Thành là điều dễ hiểu. Dưới thời ông Thành, Sacombank được xây dựng với nhiều giá trị nền tảng vững chắc, nhất là giá trị con người. Khi đó, những ai đã mang danh Sacombank, từ nhân sự cấp cao đến cô lao công đều một lòng vì sự đi lên của ngân hàng, tỏ ra tự hào khi làm việc cho Sacombank.
Khi đó, Sacombank cũng là ngân hàng tiên phong trong mọi lĩnh vực. Năm 1996, Sacombank là ngân hàng đầu tiên phát hành cổ phiếu ra công chúng với giá 200.000 đồng/cổ phiếu. Vào năm 2006, Sacombank là ngân hàng đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán. Những bước đi đột phá dưới thời ông Đặng Văn Thành đã giúp Sacombank định vị được chỗ đứng vững chắc trong lòng khách hàng.
Làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank, ông Minh đã đưa ra bốn giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Thứ nhất là cấu trúc lại quản trị ngân hàng và hệ thống nhân sự quản trị. Thứ hai là thúc đẩy kinh doanh. Thứ ba là tập trung xử lý nợ xấu. Thứ tư là tiết giảm chi phí để gia tăng lợi nhuận.
Trong năm nay, dù mục tiêu ngân hàng đề ra lợi nhuận chưa đến 600 tỉ đồng nhưng ông Minh tự tin có thể đưa Sacombank cán mốc hơn 1.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh Sacombank chồng chất khó khăn thì để đạt được lợi nhuận 600 tỉ đồng đã khó chứ chưa nói tới con số mơ ước 1.000 tỉ đồng.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp