26/06/2020 12:33
Bà Mai Kiều Liên nói về việc Vinamilk bán cà phê, khẳng định không để mất thị phần sữa
Bà Mai Kiều Liên cho biết Vinamilk không có ý định thuê những cửa hàng 20.000 USD để triển khai chuỗi cà phê, mà tận dụng lợi thế riêng của mình.
Mục tiêu của Vinamilk là luôn tăng trưởng và không để mất thị phần
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức theo hình thức trực tuyến diễn ra sáng nay, 26/6, Tổng giám đốc Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) - bà Mai Kiều Liên, khẳng định với cổ đông mục tiêu quan trọng nhất của doanh nghiệp từ trước đến nay là luôn tăng trưởng và không để mất thị phần.
Năm 2019, để tiếp tục phát triển thị trường nội địa, Vinamilk đã phát triển 251.000 điểm bán lẻ, bán hàng qua thương mại điện tử, bệnh việc, trường học. Tính đến cuối năm, Vinamilk cung cấp sữa cho chương trình sữa học đường tại 20 tỉnh, thành phố.
Năm 2020, Vinamilk đặt doanh th 59.600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế không thay đổi nhiều so với năm 2019, chỉ khoảng 13.000 tỷ đồng. Ảnh: VNM. |
Về thị trường quốc tế, Vinamilk mở rộng được thêm 2 thị trường mới là Ethiopia và Mozambique.
Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Vinamilk trong năm 2019 lần lượt đạt 56.400 tỷ đồng, 10.581 tỷ đồng; tương ứng mức tăng trưởng 7,2% và 3,4% so năm 2018.
Năm 2020, trước bối cảnh chung khó khăn vì đại dịch Covid-19, ban lãnh đạo Vinamilk vẫn đề ra kế hoạch kinh doanh khả quan. Theo đó, doanh thu đạt khoảng 59.600 tỷ đồng, tăng 5,7% so với kết quả thực hiện năm 2019; lợi nhuận trước thuế tăng nhẹ 1,6% lên 13.000 tỷ đồng.
CEO Mai Kiều Liên cho biết kế hoạch kinh doanh này dựa trên ước tính doanh thu nội địa tăng 3% và doanh thu xuất khẩu tương đương 2019.
Ngay quý đầu tiên của năm, Vinamilk đã ghi nhận 14.153 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận trước thuế 3.358 tỷ đồng, tương đương kết quả đạt được cùng kỳ năm 2019.
Cập nhật với cổ đông về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020, “nữ tướng” Mai Kiều Liên cho biết doanh thu tăng khoảng 7% và lợi nhuận trước thuế, sau thuế cùng tăng 3% so với cùng kỳ. Như vậy, doanh thu của “ông lớn” ngành sữa Việt Nam nửa đầu năm nay lên đến gần 30.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 7.100 tỷ đồng, hoàn thành hơn một nửa chỉ tiêu đặt ra cho năm nay.
Tổng giám đốc Vinamilk khẳng định so với quý I/2020, tăng trưởng nội địa và xuất khẩu quý II đã tăng mạnh trở lại, lần lượt đạt hơn 12% và hơn 26%.
Kỳ vọng 6 tháng cuối năm, kết quả kinh doanh của Vinamilk sẽ khả quan hơn nữa. Nếu tình hình kinh doanh thuận lợi, doanh nghiệp sẽ hoàn toàn có thể vượt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đã đặt ra.
Chuỗi cà phê của Vinamilk sẽ ra sao?
Tại đại hội, cổ đông cũng đã thông qua kế hoạch bổ sung thêm ngành dịch vụ phục vụ đồ uống, cụ thể là quán cà phê, giải khát và kinh doanh nhà hàng, các dịch vụ ăn uống.
Mai Kiều Liên nói với cổ đông Vinamilk không có ý định thuê những cửa hàng 20.000 USD để triển khai chuỗi cà phê, mà tận dụng lợi thế riêng của mình để đi vào ngành giải khát. Ảnh: Báo Đầu tư. |
Năm 2019, Vinamilk đã mở được 1 cửa hàng cà phê dưới thương hiệu Hi-Café tại quận 7. Tuy nhiên, trong thời gian thử nghiệm và đánh giá hiệu quả của hệ thống này, Vinamilk vận hành thông qua hợp tác với một bên thứ ba.
Ban lãnh đạo hãng sữa cho biết năm nay và các năm kế tiếp dự kiến mở rộng chuỗi cửa hàng này tại nhiều địa điểm khác nhau, và sẽ trực tiếp vận hành hoạt động kinh doanh. Do đó, doanh nghiệp sẽ thực hiện thủ tục bổ sung ngành nghề kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Nói với cổ đông, bà Mai Kiều Liên cho biết Vinamilk không có ý định thuê những cửa hàng 20.000 USD để triển khai dự án chuỗi cà phê này, mà thay vào đó sẽ tận dụng lợi thế của mình để đi vào ngành giải khát.
Theo bà, hiện Vinamilk đang sở hữu chuỗi cửa hàng giấc mơ sữa Việt với độ phủ rất lớn trên cả nước. Do đó, các cửa hàng này có thể sẽ được dùng để bán cà phê uống tại chỗ hoặc mang đi.
Ngoài ra, Vinamilk cũng bổ sung một số ngành nghề kinh doanh mới như sản xuất đường để phát triển các sản phẩm đường có chức năng chuyên biệt như đường dành cho người bệnh tiểu đường, người theo chế độ ăn kiêng.
Vinamilk còn đăng kí thêm nhiều ngành nghề như bán lẻ túi nilon, túi tái sử dụng, thay vì phát kèm miễn phí nhằm tăng ý thức bảo vệ môi trường…
Các công ty con mang về hàng nghìn tỷ đồng
Trong tổng doanh thu Vinamilk trên 54.600 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 10.581 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ, tổng doanh thu thuần từ các công ty con ở nước ngoài đạt 3.588 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ và đóng góp hơn 6% vào tổng doanh thu chung.
Hoạt động M&A với GTNFoods mang về cho Vinamilk khoản lãi lớn năm 2019. Ảnh: Báo Đầu tư. |
Cụ thể, Ankormilk ghi nhận doanh thu trên 50 tỉ đồng nhờ tiếp tục đẩy mạnh hệ thống phân phối trên toàn Campuchia. Còn doanh thu nhà máy Drifwood (Mỹ) cũng đạt 2.645 tỷ đồng (114 triệu USD).
Một công ty con khác tại Ba Lan là Vinamilk Europe Spóstka Z Ograniczona Odpowiedzialnoscia, có tổng sản lượng bột sữa thu mua và xuất khẩu trong năm 2019 đạt 7.000 tấn, mang về tổng doanh thu gần 374 tỷ đồng (16 triệu USD).
Đây là công ty đóng vai trò thu mua nguyên vật liệu sản xuất sữa và một số sản phẩm từ sữa, để phục vụ hoạt động kinh doanh của Vinamilk và các công ty con trong tập đoàn.
Trong năm 2019, Vinamilk có hoạt động đáng chú ý là chính thức sở hữu 75% vốn tại GTNFoods (Mã: GTN) và tham gia điều hành Công ty CP Sữa Mộc Châu, đơn vị sở hữu hơn 2.000 con bò sữa tại trang trại và 23.000 con bò sữa thông qua liên kết với 600 hộ dân cùng ba trung tâm giống bò sữa lớn.
Một nội dung được cổ đông quan tâm là Vinamilk dự kiến chia cổ tức năm 2020 với tỉ lệ tổi thiếu bằng 50% lãi ròng. Trong đó, tạm ứng cổ tức đợt 1 được thực hiện vào ngày 15/10/2020, tạm ứng cổ tức đợt 2 thanh toán vào ngày 26/2/2021.
Đối với cổ tức năm 2019 45%, tức 4.500 đồng/cổ phiếu, Vinamilk đã thực hiện tạm ứng cổ tức 3.000 đồng/cổ phiếu trong năm 2019 và 2020. Phần còn lại 1.500 đồng/cổ phiếu dự kiến thanh toán vào ngày 15/7/2020.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp