16/01/2018 16:57
Ba lực cản chặn đà tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2018
Các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực và hệ quả là thuế nhập khẩu vào Việt Nam sẽ xuống 0%, gây sức ép lớn cho nguồn thu ngân sách.
Không hiểu vì sao tăng
Sáng 16/1, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã công bố báo cáo Kinh tế vĩ mô quý IV năm 2017 và cả năm 2017. Theo VEPR, kinh tế vĩ mô ổn định cùng với những cải cách thể chế nhằm cải thiện môi trường đầu tư được Chính phủ quyết tâm thực hiện được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, hỗ trợ tích cực hơn cho hoạt động kinh doanh trong năm 2018.
Theo VEPR, năm 2017 là năm thành công của kinh tế Việt Nam bởi đây là năm đầu tiên sau nhiều năm hoàn thành 13 chỉ tiêu kinh tế xã hội do Quốc hội đề ra, dù các chuyên gia cũng như các tổ chức không đưa ra nhiều triển vọng lạc quan.
Số liệu công bố của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cao trong quý IV năm 2017 với 7,65%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm, cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Cụ thể năm 2015 là 7,01% và năm 2016 là 6,68%.
Cuộc cách mạng 4.0 sẽ khiến Việt Nam bị hạn chế trong việc phát huy nhân công giá rẻ. |
Trái với những dự đoán về gia tăng lạm phát trong quý cuối năm do sự điều chỉnh giá các mặt hàng như y tế, giáo dục và xăng dầu, lạm phát quý IV năm 2017 diễn biến ổn định.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ, Tổng cục Thống kê công bố kết quả phát triển kinh tế quý IV năm 2017 cũng như cả năm 2017 khiến các chuyên gia và những người quan sát kinh tế Việt Nam đặt câu hỏi, căn cứ vào đâu mà Việt Nam có thể đạt được tốc độ tăng trưởng cao và nhiều bất ngờ như vậy?
Theo bà Lan, sự tăng trưởng của năm 2017 có một điểm tương đối tiến bộ so với năm 2016, đó là về cơ cấu nội ngành của các ngành kinh tế bắt đầu có sự chuyển dịch. Ví dụ như ngành công nghiệp, khai khoáng giảm xuống về tỉ trọng và tăng tỉ trọng của ngành chế biến, chế tạo.
“Tôi cho rằng việc chuyển dịch cơ cấu là vô cùng quan trọng, đặc biệt là chuyển dịch cơ cấu của nội ngành. Nhiều năm nay việc tắc nghẽn về năng suất lao động là do không chuyển dịch được cơ cấu nội ngành, trong khi chuyển dịch cơ cấu giữa ngành năng suất thấp như nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ thì không còn nhiều cơ hội nữa”, bà Lan nói.
Năm 2017, xuất siêu lớn của khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) góp phần quan trọng mang lại thặng dư thương mại nhưng cũng đặt ra những lo ngại về tính bền vững của nền kinh tế khi phụ thuộc ngày càng nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Cán cân thanh toán tổng thể thặng dư đạt 3,4% GDP đã giúp Ngân hàng Nhà nước bổ sung lượng dự trữ ngoại hối lớn. Dự trữ ngoại hối cao giúp Ngân hàng Nhà nước có thêm không gian để tiếp tục duy trì nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất, hỗ trợ thúc đấy trăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, điều này đặt ra thách thức cho Ngân hàng Nhà nước trong việc kiểm soát và trung hòa lượng ngoại tệ này nhằm kiểm soát lam phát và ổn định kih tế vĩ mô.
Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết số 48/2017/QH14 về các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2018 như tăng trưởng GDP từ 6,5-6,7%, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu từ 7-8%, tỉ lệ nhập siêu trên tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%, CPI (chỉ số giá tiêu dùng) bình quân 4%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội từ 33-34% GDP.
Theo nhóm nghiên của VEPR, những mục tiêu cho năm 2018 có thể đạt được với các điều kiện thuận lợi hiện nay tiếp tục được duy trì. VEPR cũng đưa ra dự báo, GDP năm 2018 sẽ đạt mức 6,65%. Trong đó quý I năm 2018 tăng trưởng kinh tế sẽ ở mức 6,02% và lạm phát ở mức 4,41%.
3 lực cản
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu VEPR cũng chỉ ra nhiều vấn đề nội tại, cố hữu của nền kinh tế vẫn chưa được giải quyết triệt để sẽ là lực cản đối với nền kinh tế.
Đó là động lực tăng trưởng kinh tế vẫn chưa đến từ việc tăng năng suất lao động. Năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp so với các nước trong khu vực, chỉ bằng 1/14 so với Singapore, 1/6 so với Malaysia và 1/3 so với Thái Lan.
Nếu không có những biện pháp tổng thể giúp nâng cao năng suất lao động trong tương lai gần, trong bối cảnh cơ cấu dân số vàng sắp đi qua, Việt Nam sẽ khó có thể duy trì được đà tăng trưởng như hiện nay.
Thực hiện cam kết với các hiệp định thương mại tự do, nhiều mặt hàng sẽ có thế suất bằng 0% trong năm 2018. Điều này gây thất thu cho ngân sách. |
Lợi thế về lao động giá rẻ sẽ càng ngày càng mất đi do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong bối cảnh tài nguyên ngày càng cạn kiệt, sản xuất của ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục suy giảm, công nghiệp chế tạo chưa tạo ra được những đột phá mới, nông nghiệp vẫn đứng trước nhiều rủi ro lớn do tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu, áp lực tăng trưởng cho năm 2018 thực sự là một thách thức lớn.
Tiếp đến thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao tiếp tục là vấn đề nghiêm trọng cản trở nền kinh tế. Trong khi nguồn vốn chi đầu tư công còn hạn chế, chi thường xuyên vẫn ở mức cao tạo gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Các nhà tài trợ nước ngoài sẽ lần lượt rút dần vốn khỏi Việt Nam và chỉ cho vay với các mức lãi suất kém ưu đãi hơn.
VEPR cho rằng năm 2018, Việt Nam cần sử dụng nhiều hơn nội lực làm động lực cho tăng trưởng. Chính phủ cũng cần thực hiện các biện pháp quyết liệt để thắt chặt chi tiêu thường xuyên như các chính sách tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy, hạn chế chi tiêu cho các tổ chức đoàn thể, thoái vốn khỏi các doanh nghiệp nhà nước.
Cuối cùng là việc phụ thuộc vào nền kinh tế thế giới và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài cũng tạo ra nhiều bất trắc, tiềm ẩn cho nền kinh tế. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2018 có thể đối mặt với nhiều rủi ro bất định lớn liên quan đến địa chính trị và xu hướng bảo hộ thương mại của một số nước lớn cũng như sự thay đổi ngày càng nhanh của khoa học và công nghệ.
TS. Lê Đăng Doanh cho biết, chúng ta cần phải nhìn thẳng vào sự thật, sự đóng góp của kinh tế nội địa rất thấp và tăng trưởng kinh tế dựa vào doanh nghiệp đầu tư nước ngoài quá nhiều. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý đến vấn đề nội địa hóa các sản phẩm công nghiệp còn rất thấp.
Theo ông, năm 2018 là một năm hội nhập, năm bản lề, đặc biệt các hiệp định thương mại tự do sẽ được thực hiện nghiêm túc và hệ quả là thuế suất hàng nhập khẩu vào Việt Nam sẽ xuống đến mức 0%, gây sức ép rất lớn cho nguồn thu ngân sách. Vì vậy năm 2018 không phải là năm dễ dàng...
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp