19/02/2020 15:55
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: "Tòa án không được quyền tước bỏ quyền cổ đông của tôi"
Phía bà Thảo cho rằng, bản án đang được hoãn thi hành nên bà vẫn duy trì tất cả các quyền hợp pháp của riêng bà tại Tập đoàn Trung Nguyên.
Tập đoàn Trung Nguyên vừa có thông cáo báo chí, thông tin về việc tự nguyện thực hiện nghĩa vụ thi hành án đối với ông Đặng Lê Nguyên Vũ (chủ tịch tập đoàn Trung Nguyên) và Tập đoàn Trung Nguyên. Thông cáo báo chí này khẳng định bà Lê Hoàng Diệp Thảo không còn là cổ đông trong các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên.
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn trên Zing, bà Lê Hoàng Diệp Thảo khẳng định, bà đang được duy trì tất cả các quyền hợp pháp của bà tại Tập đoàn Trung Nguyên như từ trước tới nay và chưa có bất kỳ thay đổi nào.
Bà Thảo cho rằng các quyền của bà tại Tập đoàn Trung Nguyên vẫn đang được duy trì. Ảnh: vietnamfinance |
Dựa theo thông cáo báo chí từ phía bà Lê Hoàng Diệp thảo, ngày 10/1/2020, Viện KSND tối cao đã ký ban hành văn bản yêu cầu hoãn thi hành án đối với phần tài sản của bản án phúc thẩm ly hôn của vợ chồng ông bà để xem xét giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm của bà Thảo nhằm tránh những hậu quả không thể khắc phục được.
Phía bà Diệp Thảo cũng cho rằng trong quá trình giải quyết các vấn đề liên quan đến thi hành án, nhận thấy việc Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM đã ban hành các quyết định có nhiều điểm sai trái, xâm phạm đến quyền lợi của bà Thảo. Do đó, bà Diệp Thảo đã làm đơn khiếu nại, đề nghị huỷ bỏ quyết định thi hành án.
Nguồn tin từ Vietnamdaily, trước những thông tin Trung Nguyên công bố hoàn tất thủ tục bà Lê Hoàng Diệp Thảo không còn đã cổ đông, bà Thảo đã lên tiếng trên Facebook cá nhân của mình phản ánh về vấn đề này.
Fanpage của bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Ảnh: AN. |
Nội dung bài viết bà Thảo đã đăng lên Facebook cá nhân của mình và sáng ngày 19/2: “Tôi là đồng sáng lập và là chủ của Trung Nguyên, Toà án không được quyền tước bỏ quyền cổ đông của tôi.
Những giá trị vẫn còn nguyên vẹn. Tôi lại lần nữa phải nỗ lực để giữ gìn lại những gì cho thế hệ của các con cháu sau này.
Và lúc này rất cần công lý thực thi để bảo vệ quyền của công dân, quyền của người phụ nữ và trẻ em. Pháp luật không thể tước quyền cổ đông, quyền sở hữu của công dân.
Viện Kiểm sát Tối cao đã có văn bản Quyết định hoãn thi hành án để xem xét giải quyết các thủ tục đề nghị giám đốc thẩm của tôi từ ngày 10/1/2020.
Trước đó, ngày 5/12/2019, tòa tuyên án kết thúc cuộc ly hôn suốt 5 năm của cặp đôi này. Ông Vũ phải thanh toán tiền chênh lệch tài sản cho bà Thảo. Sau đó, ông được quyền liên hệ với Sở Kế hoạch & Đầu tư các tỉnh Bình Dương, Bắc Giang, Đắk Lắk, Đắk Nông, TP.HCM để làm thủ tục thay đổi Giấy phép kinh doanh cho các doanh nghiệp trực thuộc tập đoàn.
Đến ngày 13/1, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM xác nhận ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã nộp đủ số tiền hơn 1.190 tỷ đồng nói trên tại Cục Thi hành án dân sự TP.HCM. Cùng ngày, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM nhận được công văn yêu cầu hoãn thi hành án qua đường bưu điện do Viện phó Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, yêu cầu hoãn thi hành án phần tài sản "để có thời gian xem xét, giải quyết đơn đề nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án hôn nhân và gia đình phúc thẩm theo đơn đề nghị của bà Lê Hoàng Diệp Thảo".
Nhưng vì ông Vũ đã thi hành xong nghĩa vụ thanh toán chênh lệch tài sản nên Cục thi hành án dân sự TP.HCM không ra quyết định hoãn thi hành án. Ngày 16/1, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đã hồi âm cho Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về vấn đề này.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp