01/10/2020 11:25
Bà Harris, người được ông Biden chọn làm cấp phó trong cuộc đua vào Nhà Trắng là ai?
Nếu thành công trong cuộc bầu cử tháng 11 năm nay, bà Harris sẽ trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên làm Phó Tổng thống Mỹ. Vậy bà là ai?
Bà Harris (nghị sĩ bang California, 55 tuổi, gốc Ấn Độ và Jamaica) từng có thời gian đảm nhiệm cương vị công tố viên tại San Francisco và công tố viên liên bang tại California.
Khi tham gia Ủy ban Tư pháp của Thượng viện, bà Harris từng được tờ Los Angeles Times ca ngợi là người có khả năng chịu áp lực lớn và trở thành một trong những thẩm vấn viên sắc sảo. Bà Harris có một số quan điểm khác biệt với Tổng thống đương nhiệm Donald Trump. Bà cho rằng, chính phủ cần quan tâm hơn tới việc bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, người da màu và nhập cư.
Thượng nghị sĩ Kamala Harris. Ảnh: Getty Images |
Ngoài ra, tên tuổi của bà cũng khá nổi trên truyền thông Mỹ sau khi bà tham gia tranh cử sơ bộ đảng Dân chủ hồi năm ngoái. Lúc đó, bà được đánh giá hội tụ đầy đủ tố chất trở thành biểu tượng của đảng Dân chủ.
Kamala Harris là ai?
Kamala Harris (Kamala Devi Harris) sinh ngày 20/10/1964 ở Oakland, bang California. Mẹ bà - Shyamala Gopalan - là một nhà khoa học về ung thư vú di cư từ Tamil Nadu, Ấn Độ năm 1960 để theo học tiến sĩ ngành Nội tiết học tại Đại học California-Berkeley. Cha bà - Donald J. Harris - là một giáo sư danh dự chuyên ngành Kinh tế của Đại học Stanford, nhập cư từ Jamaica năm 1961 để học kinh tế tại Đại học California-Berkeley.
Bà được nuôi dưỡng trong một khu xóm có nhiều người Mỹ gốc Phi ở Berkely. Khi còn nhỏ, Kamala được cha mẹ ẵm đi dự các cuộc biểu tình của phong trào dân quyền và tham gia ca đoàn của một nhà thờ Baptist.
Kamala Harris tốt nghiệp Đại học Howard với bằng cử nhân Khoa học Chính trị và Kinh tế năm 1986, tốt nghiệp trường Luật Hastings College năm 1989.
Năm 2003, Kamala Harris đánh bại sếp cũ của mình - ông Terence Hallinan - giành được chức vụ công tố viên quận San Francisco, bang California.
Bà Kamala Harris tiếp tục thăng tiến trên con đường sự nghiệp khi giành được chức vụ Tổng Chưởng lý bang California vào tháng 11/2010, trở thành người Mỹ gốc Phi đầu tiên và cũng là người phụ nữ đầu tiên nắm chức vụ này. Trong cương vị này, bà thương thuyết thành công với 5 ngân hàng lớn nhất nước để các ngân hàng phải bồi thường về lối làm ăn thiếu chính đáng của họ trong lĩnh vực cho vay tiền thế chấp mua nhà, buộc các ngân hàng chi ra 20 triệu USD, cao gấp 5 lần con số do tiểu bang California đề nghị.
Bà Kamala Harris là người phụ nữ Mỹ gốc Á đầu tiên đại diện đảng lớn trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Ảnh: CNBC |
Bà Kamala Harris cũng gây bão về quyết định của bà, từ chối bảo vệ Dự luật 8, tu chính án được đề nghị để sửa đổi hiến pháp California nhằm thu hẹp định nghĩa của hôn nhân để chỉ công nhận sự kết hợp giữa hai người khác giới tính, gạt bỏ quyền kết hôn của những cặp đồng tính. Tổng Chưởng lý Kamala Harris là người chủ trì cuộc hôn nhân đồng giới đầu tiên tại California vào năm 2013.
Năm 2016, bà giành được một ghế tại Thượng viện. Kamala Harris gây chú ý khi năm sau, 2017, bà trở thành người Mỹ gốc Ấn đầu tiên và phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên phục vụ trong cương vị thượng nghị sĩ (Đảng Dân chủ), đại diện cho bang California. Tại Thượng viện, bà có chân trong nhiều tiểu ban quan trọng, trong đó có Ủy ban An ninh nội địa và các vấn đề chính phủ, Ủy ban Đặc biệt về Tình báo, Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Phân bổ Ngân sách.
Bà thất bại trong cuộc vận động để được Đảng Dân chủ chọn đại diện cho đảng ra tranh chức với Tổng Thống Donald Trump. Có lúc bà được coi là ứng viên dẫn đầu trong các cuộc bầu cử sơ bộ Đảng Dân chủ. Tuy nhiên, nay bà lại được ông Joe Biden lựa chọn trong danh sách các ứng viên tiềm năng cho vị trí "phó tướng" của ông.
Những điều ấn tượng
Trong suốt hai thập kỷ tham gia đời sống chính trị Mỹ, người phụ nữ mang hai dòng máu Ấn Độ và Jamaica này đã làm nên "bộ sưu tập" với những điều thật ấn tượng. Kamala Harris là phụ nữ da màu đầu tiên trở thành Tổng Chưởng lý bang California, là thượng nghị sĩ người Mỹ gốc Ấn đầu tiên trong Thượng viện Mỹ. Và giờ, bà là người phụ nữ gốc Á đầu tiên, người phụ nữ da màu đầu tiên được một đảng lớn của Mỹ (Đảng Dân chủ) chọn làm ứng cử viên tranh cử Phó Tổng thống Mỹ trong cuộc đua vào Nhà Trắng cùng ông Joe Biden.
Cựu Phó Tổng thống Joe Biden và Thượng nghị sĩ Kamala Harris phát biểu vào ngày 12/9/2020 tại Houston, Texas. Ảnh: ROBYN BECK/AFP qua Getty Images. |
Nữ thượng nghị sĩ của bang California là người phụ nữ thứ 3 trong lịch sử Mỹ được chọn tranh cử ghế Phó Tổng thống Mỹ. Trước bà là Thống đốc bang Alaska Sarah Palin (năm 2008) và dân biểu bang New York Geraldine Ferraro (năm 1984).
Và nếu thành công trong cuộc bầu cử tháng 11 năm nay, bà sẽ còn bổ sung thêm nhiều danh hiệu "đầu tiên" khác nữa: Người phụ nữ đầu tiên, người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên, người Mỹ gốc Ấn đầu tiên, người Mỹ gốc Á đầu tiên làm Phó Tổng thống Mỹ.
Ảnh hưởng từ gia đình
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2009 của báo Indian Abroad, bà Kamala Harris nói về ảnh hưởng của mẹ bà và nguồn gốc văn hóa của quê mẹ trong cuộc đời mình: "Mẹ tôi rất tự hào về di sản văn hóa của bà và dạy chúng tôi. Em gái Maya và tôi chia sẻ với bà niềm tự hào về văn hóa Ấn Độ. Cứ vài năm, chúng tôi lại về thăm Ấn Độ. Một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất đối với tôi, ngoài mẹ tôi, là ông ngoại P.V.Gopalan - từng giữ chức vụ tương đương với Bộ trưởng Ngoại giao của Mỹ.
Ông ngoại tôi là một trong những nhà đấu tranh cho độc lập đầu tiên của Ấn Độ. Và một số kỷ niệm thời nhỏ đáng nhớ nhất của tôi là đi dạo ngoài biển với ông sau khi ông về hưu và sống ở Besant Nagar, giờ gọi là Madras. Mỗi sáng, ông thường đi dạo với những người bạn thân từng tranh đấu với ông. Họ bàn chuyện chính trị, về công lý và sự cần thiết phải diệt trừ nạn tham nhũng. Họ bày tỏ ý kiến, tranh luận với nhau và thỉnh thoảng lại cười lớn... Những cuộc đối thoại đó có ảnh hưởng rất lớn đối với tôi. Tôi học hỏi nơi họ tinh thần trách nhiệm, phải trung thực và bảo vệ danh dự của mình... Cho nên phần đó trong lý lịch của tôi ảnh hưởng rất nhiều tới con người tôi hôm nay, cũng như những công việc mà tôi theo đuổi".
Thượng nghị sĩ Kamala Harris (phải) và mẹ, bà Shyamala Gopalan. Ảnh: AP |
Ngay từ năm 13 tuổi, cô gái nhỏ Kamala Harris đã cùng em gái Maya "lãnh đạo" thành công một cuộc biểu tình ngay trước tòa nhà chung cư đang sống để phản đối chính sách cấm trẻ em vui chơi trên cỏ.
Ông G. Balachandran, chú của bà Harris hiện sống tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ, nhớ lại chuyến sang Mỹ thăm cô cháu gái khoảng 15 năm trước, lúc bà Harris đang là Ủy viên công tố quận của San Francisco, bang California. Khi đó, bà Harris đối mặt với sức ép từ dư luận chỉ trích vì không đề nghị mức án tử hình đối với một người đàn ông bị buộc tội giết một cảnh sát. Bà nhận thấy mức án tử hình không ổn ở nhiều cấp độ, trong đó có những vấn đề bất bình đẳng sắc tộc.
Bất kể sức ép căng thẳng từ lực lượng cảnh sát và một số chính trị gia cao cấp trong bang California, bà Harris không đồng ý làm theo mong muốn của họ. “Con bé đã học được điều này từ mẹ nó. Shyamala đã luôn dạy con gái rằng, không để ai đó tác động đến mình”, ông Balachandran nói.
Vì những quan điểm lập trường trong vấn đề chính sách đối ngoại trên cương vị Thượng nghị sĩ, bà Harris không được lòng một số người ở Ấn Độ. Tuy nhiên, bà đã tạo nên những điều đáng tự hào cho đất nước, nhất là cho cộng đồng ven biển nơi có nhà của ông bà ngoại bà ở Chennai.
(Tổng hợp)
Advertisement
Advertisement