27/05/2020 08:39
Ba chiến lược tái tranh cử Tổng thống Mỹ 2020 của Trump
Trong lúc ứng cử viên tiềm năng của đảng Dân chủ, cựu Phó Tổng thống Joe Biden, vẫn chỉ lôi kéo được một số lượng hạn chế trong các nhóm cử tri nền tảng, Donald Trump lại tận dụng vai trò tổng thống đương nhiệm để tổ chức “các sự kiện tranh cử úp mở” trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Trump mới đây đã tới thăm nhà máy sản xuất của Ford ở Michigan nhằm khảo sát về hoạt động sản xuất máy thở mới tại đây. Tuy nhiên, chuyến thăm của Trump cũng được tiến hành như một phần trong nỗ lực tái tranh cử. Giống như chiến dịch tranh cử năm 2016, Trump dường như một lần nữa tập trung vào việc lôi kéo tầng lớp công nhân.
Công kích các thống đốc đảng Dân chủ
Trong cuộc đối đầu với Hillary Clinton năm 2016, Trump đã chiến thắng tại “tiểu bang dao động” Michigan với tỷ lệ sát sao. Ông đã khích lệ sự ủng hộ từ tầng lớp lao động da trắng bằng việc nhắc tới mối lo ngại của họ về người nhập cư và nguy cơ thất nghiệp ở vùng Trung Tây do các cơ sở công nghiệp của Mỹ chuyển sang các nước như Trung Quốc.
Lần này, Trump đã xác định đảng Dân chủ là lực lượng gây cản trở công cuộc phục hồi kinh tế của ông thời hậu COVID-19. Ông Biden đang tăng cường công kích những lời hứa chưa được hiện thực hóa của Trump, với việc khẳng định rằng Trump “đã quay lưng lại với những người lao động ở Michigan”.
Cuộc chạy đua giữa Trump và Biden cho chiếc ghế tổng thống Mỹ đang đến hồi gay cấn, dù COVID-19 đang hoành hành tại quốc gia này. |
Đáp trả lại, Trump đã lựa chọn các tiểu bang dao động do thành viên đảng Dân chủ lãnh đạo để bày tỏ sự ủng hộ của ông đối với những người biểu tình đang “phản đối giãn cách xã hội và coi đó là sự xâm phạm quyền tự do của họ”.
Trong lúc các bang của Mỹ đang phải vật lộn do phản ứng chậm trễ của Trump trong đại dịch COVID-19, Thống đốc bang Michigan là Gretchen Whitmer đã đứng lên lớn tiếng chỉ trích cách phản ứng nhu nhược của chính phủ liên bang. Sự nổi trội của bà ở tầm quốc gia cũng làm dấy lên tin đồn rằng bà được ông Biden lựa chọn làm phó tổng thống nếu ông thắng cử.
Tuy nhiên, tại địa phương, bà đang phải đối mặt với những người biểu tình có vũ trang trước tòa nhà cơ quan lập pháp của bang Michigan và có nguy cơ bị ám sát. Nếu xét tới tiềm năng của bà dưới chính quyền Biden và vai trò của bà như một nghị sĩ đảng Dân chủ quản lý bang quan trọng trong cuộc bầu cử, chiến lược ủng hộ các cuộc biểu tình của Trump đã nổi lên trở thành cách tiếp cận lý tưởng.
Bằng cách đó, ông có thể né tránh việc các cuộc bầu cử trở thành cuộc trưng cầu ý dân về cách xử lý COVID-19 của ông. Do vậy, Trump cũng tập trung vào các tiểu bang dao động dưới sự lãnh đạo của thành viên đảng Dân chủ. Trump đã công kích Thống đốc bang Pennsylvania, Tom Wolf vì tiếp tục phong tỏa mà không có lý do hợp lý.
Và tại Winsconsin, phát biểu lên án phong tỏa của Trump đã kích động các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại đây kêu gọi “giải phóng” người dân khỏi các sắc lệnh “ở nhà” do Thống đốc Tony Evers ban hành.
Tuyên truyền về thuyết âm mưu “Obamagate”
Năm 2016, Trump thường chế nhạo bà Clinton là nhân vật được chính giới Mỹ ủng hộ, hay còn gọi là “đầm lầy”. Bởi cho rằng giới tinh hoa đã bóp méo cuộc bầu cử chống lại mình, Trump đã lôi kéo sự ủng hộ cho phong trào bảo thủ theo quan điểm chủ nghĩa dân tộc của ông.
Hiện tại, Trump đang thay đổi mục tiêu và “truyền bá” về thuyết âm mưu chống lại vai trò tổng thống của ông. Trump đã cáo buộc chính quyền của người tiền nhiệm Barack Obama vì “chủ mưu tiến hành cuộc điều tra về Nga và dàn dựng chiến dịch nhằm làm xói mòn nhiệm kỳ của Trump ngay cả trước khi nhiệm kỳ bắt đầu”. Ông đã gọi đó là “tội tác chính trị lớn nhất trong lịch sử Mỹ”.
Trump đang tận dụng COVID-19 để tạo lợi thế cho mình trong cuộc bầu cử sắp tới. |
Thuyết âm mưu này xoay quanh cố vấn chiến dịch tranh cử của Trump và sau đó là Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn. Năm 2017, ông Flynn nhận tội vì đã nói dối với Cục Điều tra Liên bang (FBI) về các cuộc tiếp xúc của ông với nhà ngoại giao Nga Sergey Kislyak trong quá trình chuyển tiếp hai nhiệm kỳ tổng thống.
Trong những ngày cuối cùng của chính quyền Obama, các cuộc đối thoại của họ được ghi âm như một phần của hoạt động do thám theo thường lệ của Mỹ với các quan chức Nga. Thông thường, danh tính của công dân Mỹ trong hoạt động do thám như vậy được giữ bí mật, nhưng có thể được “công bố” nếu các quan chức Mỹ yêu cầu.
Theo thuyết âm mưu của Trump, các quan chức cấp cao của Obama đã “tháo mặt nạ” của ông Flynn để khiến ông bị truy tố vì nói dối về việc đã thảo luận về các lệnh trừng phạt của Mỹ với đại diện của Nga. Tuy nhiên, các yêu cầu như vậy là thông lệ chung mà các nhà hoạch định chính sách sử dụng để hiểu rõ hơn về các tin tức tình báo được thu thập.
Thế nhưng, chương trình nghị sự của Trump nhằm thổi phồng thuyết âm mưu này dường như để hướng tới bù đắp cho vấn đề đặc biệt trong nỗ lực tái tranh cử năm 2002 của ông. Năm 2016, Trump và Clinton có tỷ lệ ủng hộ “tương đương nhau” khi xét về “tính chất đáng tin cậy’. Tuy nhiên, năm 2020, với danh tiếng là “người tử tế”, ông Biden đã dẫn trước Trump 15% trong câu hỏi về “sự trung thực và đáng tin cậy”.
Mặc dù thuyết âm mưu “Obamagate” giờ đây dường như đang được vạch trần với nhiều thông tin cho biết cái tên của ông Flynn chưa bao giờ giữ bí mật ngay từ đầu, nhưng mọi người dự đoán Trump có thể sử dụng thuyết âm mưu này để bôi nhọ Biden.
Ông Biden xác nhận rằng ông đã tham dự cuộc họp hồi tháng 1/2017 với Tổng thống Obama và các quan chức khác, trong đó bàn đến cuộc điều tra về ông Flynn. Bởi nhận ra tác động của thuyết âm mưu này với tỷ lệ ủng hộ của mình, cựu Phó Tổng thống Biden mới đây đã gọi đó là “sự chệch hướng” khỏi các vấn đề gây nhức nhối và từ chối “nhúng sâu vào vũng lầy” với chiến dịch của Trump.
Chiến lược "Nước Mỹ trước tiên" có vẻ như một lần nữa phát huy tác dụng trong bối cảnh dân Mỹ 'bài Trung" ngày càng nhiều. |
Ca ngợi thỏa thuận chưa hoàn tất với Trung Quốc
Năm 2016, Trump đã lớn tiếng khẳng định rằng việc hai đảng trong chính giới Mỹ ủng hộ thương mại tự do với Trung Quốc đã dẫn tới những “kết quả không thể chấp nhận được” tại khu trung tâm công nghiệp ở miền Trung Tây. Khi lên nắm quyền, Trump đã tiến hành cuộc chiến thương mại gồm các biện pháp thuế “ăn miếng trả miếng” với Trung Quốc trong hơn 18 tháng, trước khi tuyên bố đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.
Giờ đây, trước thềm cuộc bầu cử năm 2020, đại dịch COVID-19 đã mở ra cơ hội để Trump một lần nữa lợi dụng làn sóng bài Trung. Theo cuộc điều tra gần đây, đa số người dân Mỹ hiện có cái nhìn tiêu cực với Trung Quốc, phần lớn do đại dịch gây ra. Thêm vào đó, Trung Quốc được cho là đã chậm trễ thực thi các cam kết trong thỏa thuận giai đoạn 1.
Điều này mở ra cơ hội để Trump một lần nữa thể hiện tính hiệu quả của chính sách “Nước Mỹ trước tiên” trong lúc chiến dịch tranh cử của ông Biden đang chế giễu cách tiếp cận của Trump là “nói nhiều, làm ít”.
Như vậy, chiến lược tái tranh cử của Trump hiện tại bao gồm nỗ lực của ông nhằm “khắc họa” các thống đốc đảng Dân chủ như những người cản trở sự khôi phục các hoạt động kinh tế, “bôi nhọ” ông Biden qua việc tuyên truyền về “Obamagate” và tận dụng làn sóng bài Trung để hợp lý hóa cách tiếp cận “Nước Mỹ trước tiên” của ông.
(Nguồn: TTXVN)
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp