20/08/2020 14:49
Apple sẽ ra sao khi hướng đến ngưỡng 3.000 tỷ USD vốn hóa?
Táo khuyết” trở thành doanh nghiệp đầu tiên tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đưa giá trị vốn hóa chạm ngưỡng 2.000 tỷ USD.
apple-inc-tag157398/"> Apple Inc. lại phá kỷ lục của chính mình. Vào ngày 19/8, chỉ hai năm sau khi trở thành doanh nghiệp Mỹ đầu tiên đạt mức vốn hóa thị trường 1.000 tỷ USD, “Táo khuyết” lại trở thành doanh nghiệp đầu tiên tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đưa giá trị vốn hóa chạm ngưỡng 2.000 tỷ USD.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng con đường dẫn đến ngưỡng vốn hóa 3.000 tỷ USD tiếp theo của “đại gia công nghệ” này sẽ không hề dễ dàng.
Dấu ấn vốn hóa 2.000 tỷ USD
Trong số rất nhiều thành tựu của mình – như việc phát triển các sản phẩm công nghệ dẫn dắt xu hướng mới iPhone, iPad, iTunes, App store - Apple, giờ đây có thể tự hào về một thành tựu nữa: Trở thành doanh nghiệp đầu tiên ở Mỹ đạt giá trị vốn hóa 2.000 tỷ USD.
Dựa trên số lượng cổ phiếu là 4,275 tỷ đơn vị, Apple đã phá vỡ ngưỡng trên khi giá cổ phiếu của hãng tăng lên 467,77 USD/cổ phiếu vào lúc 11h ngày 19/8 (theo giờ miền Đông nước Mỹ, tức 22h cùng ngày ở Việt Nam). Đáng tiếc là Apple đã không duy trì được mốc kỷ lục này, và đóng cửa ở mức 462,83 USD/cổ phiếu, đưa giá trị vốn hóa thị trường của “Táo khuyết” còn khoảng 1.980 tỷ USD.
Cổ phiếu của Apple vượt trội so với thị trường. Ảnh:Bloomberg |
Cổ phiếu của Apple đã tăng giá khá nhanh trong nhiều năm qua, và bứt phá mạnh mẽ hơn năm 2020, với mức tăng hơn 60% tính từ đầu năm tới nay, bất chấp sự xáo trộn do COVID-19 gây ra. Tính trung bình, cổ phiếu của hãng đã tăng 3,5% mỗi tuần kể từ đầu tháng Sáu tới nay.
Và giá cổ phiếu của “Táo khuyết” đã tăng đáng kể sau khi hãng công bố báo cáo thu nhập quý II/2020 vào tháng Bảy, với doanh số kỷ lục và tổng doanh thu 59,7 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thành công của Apple cũng đưa Giám đốc điều hành (CEO) Tim Cook lên hàng tỷ phú - một trong số ít CEO đạt được đẳng cấp đó mà không phải là người thành lập công ty do ông đang lãnh đạo.
Khách hàng trải nghiệm các sản phẩm của Apple tại cửa hàng ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Quả thực Apple không phải là doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới được mức giá trị vốn hóa cao như vậy. Tập đoàn năng lượng quốc doanh Saudi Aramco của Saudi Arabia đã chinh phục thành công ngưỡng vốn hóa 2.000 tỷ USD đó vào tháng 12/2019 trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Song việc giá dầu lao dốc đã ảnh hưởng đến cổ phiếu của tập đoàn này.
Giá trị vốn hóa của Apple cũng đã vượt Saudi Aramco vào đầu tháng Tám, sau khi hãng công bố báo cáo thu nhập khá lạc quan.
Ngoài Apple, hai “gã khổng lồ” công nghệ khác của Mỹ là Amazon và Microsoft cũng đang tiến gần hơn đến mốc vốn hóa 2.000 tỷ USD. Cả hai đều đang được định giá khoảng 1.600 tỷ USD. Chủ sở hữu Google là Alphabet cũng có giá trị hơn 1.000 tỷ USD.
Con đường phía trước không trải đầy hoa hồng
Không thể phủ nhận rằng việc Apple đạt mốc vốn hóa 2.000 tỷ USD là rất ấn tượng. Tuy nhiên, giới quan sát cảnh báo Apple sẽ phải đối mặt với con đường bất định hơn khi hướng tới mức vốn hóa 3.000 tỷ USD.
Đầu tiên, mức định giá của Apple đã nâng cao kỳ vọng của giới đầu tư về tương lai.
Để minh họa, một khảo sát của Phố Wall cho thấy đa số nhà phân tích nhận định doanh số bán trong tài khóa 2020 kết thúc vào tháng Chín tới của Apple chỉ cao hơn 3% so với doanh thu hai tài khóa trước. Tuy nhiên, giá cổ phiếu của họ đã tăng hơn gấp đôi trong cùng khoảng thời gian đó, dẫn đến mức định giá cao gấp khoảng 33 lần doanh thu của bốn quý tiếp theo.
Dòng máy tính Mac Pro mới của Apple tại buổi ra mắt ở San Jose, California, Mỹ ngày 3/6/2019. Ảnh: AFP/TTXVN |
Định giá cao ngất ngưởng của Apple sẽ tăng gánh nặng buộc hãng không được để thị trường thất vọng về hoạt động kinh doanh của mình. Tuy vậy, các sản phẩm sắp tới của “Táo khuyết” chưa thể đảm bảo chắc chắn sẽ thành công.
Trái ngược với mẫu iPhone SE thuộc phân khúc rẻ hơn đã giúp thúc đẩy doanh thu quý vừa qua, hãng sẽ phải tìm cách thuyết phục người tiêu dùng mua những chiếc iPhone cao cấp, có giá 1.000 USD khi ra mắt các mẫu mới hỗ trợ mạng 5G vào mùa Thu. Song những chiếc điện thoại đắt tiền này có thể sẽ khó được đón nhận, khi hàng chục triệu người Mỹ đang phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp.
Hơn nữa, giới đam mê công nghệ cho rằng, sẽ chưa có những ứng dụng mới cần tốc độ mạng nhanh và mạnh như những gì mạng 5G hứa hẹn, khiến việc nâng cấp điện thoại trở nên kém hấp dẫn hơn đối với người dùng. Những thông tin được tiết lộ gần đây cho thấy có vẻ Apple cũng sẽ không có nhiều đổi mới về phần dịch vụ, khi họ chỉ đưa ra một gói đăng ký thể dục trực tuyến mới và một số dịch vụ đăng ký theo gói khá khiêm tốn khác.
Trên hết, Apple đang phải đối mặt với càng nhiều vụ điều tra của các cơ quan quản lý về vị trí thống trị của họ trên thị trường điện thoại thông minh.
Vào tháng Sáu, Liên minh châu Âu (EU) thông báo đã mở hai cuộc điều tra chống độc quyền chính thức đối với Apple, một trong số đó sẽ xem xét các yêu cầu của hệ thống mua trong ứng dụng (in-app purchase) của họ.
Tháng trước, CEO Tim Cook cũng phải bảo vệ các chính sách của cửa hàng ứng dụng App Store, và mức phí cao của hãng trong một phiên điều trần chống độc quyền trước Quốc hội Mỹ. Rõ ràng là nếu một trong hai cơ quan quản lý này siết chặt giám sát các hoạt động kinh doanh của Apple, điều có thể tác động tiêu cực đến lợi nhuận của hãng.
Khách hàng trải nghiệm máy tính MacBook tại cửa hàng của Apple tại Rosny-sous-Bois, gần Paris, Pháp. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Dựa trên doanh thu ngày càng tăng từ các dịch vụ và kế hoạch tung ra các gói đăng ký khác nhau vào cuối năm nay, tương lai của nhà sản xuất iPhone rõ ràng không chỉ phụ thuộc vào các sản phẩm phần cứng truyền thống, mà còn cả phần mềm giúp duy trì lòng trung thành của khách hàng.
iPhone đã đưa Apple tới mức vốn hóa 1.000 tỷ USD. Dịch vụ, ở một mức độ nào đó, đã giúp “Táo khuyết” chạm ngưỡng vốn hóa 2.000 tỷ USD. Trong tương lai, yếu tố nào giúp “đại gia” công nghệ này duy trì ngưỡng đó và thậm chí tăng lên cao hơn vẫn còn để ngỏ.
(Nguồn: TTXVN)
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp