27/06/2019 17:41
Apple đầu tư thêm 100 triệu USD cho Japan Display, giúp công ty này vượt qua khó khăn
Thông tin theo tờ Asahi của Nhật Bản, Apple đầu tư 100 triệu USD vào Japan Display khi nhà cung cấp này thực hiện tái cấu trúc.
Ngay sau khi thông tin được công bố, cổ phiếu của Japan Display tăng vọt 32% tại thị trường Tokyo. Được biết, Japan Display đang gặp vấn đề đối với việc cung cấp màn hình LCD, do Apple chứng kiến sức bán không tốt của chiếc iPhoneXR - mẫu duy nhất dùng màn hình LCD của Apple. Hiện Apple chiếm 60% doanh số của Japan Display.
Đây không phải lần đầu tiên Apple đầu tư hoặc bỏ tiền ra để hỗ trợ Japan Display, trước đó họ từng “rót” 1,5 tỷ USD cho nhà máy LCD của Japan Display. Khoản đầu tư bổ sung từ công ty sẽ chỉ khiến Japan Display mắc nợ nhiều hơn. Mặc dù vậy, nếu việc tái cấu trúc được thực hiện đúng thời điểm thì khả năng cao công ty sản xuất màn hình của Nhật Bản có thể trả nợ hết cho Apple trong tương lai.
Với việc các OEM đang dần chuyển sang sử dụng tấm nền OLED, Japan Display cần tập trung vào việc cố gắng thiết lập dây chuyền sản xuất màn hình OLED mà hãng đã đầu tư hàng triệu USD. Nếu không, nhu cầu về màn hình LCD trong vài năm tới sẽ giảm và điều đó sẽ khiến công ty ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn.
Đại diện của Apple và Japan Display từ chối bình luận về thông tin được tờ Asahi công bố.
Trước đó, Japan Display đã có những tiếp xúc với nhà đầu tư đến từ Đài Loan, tuy nhiên việc đầu tư 741 triệu USD từ nhà đầu tư Đài Loan đang bị dừng lại do họ muốn đánh giá lại khả năng và mức tăng trưởng của Japan Display.
Hai tập đoàn Harvest Group và Oasis Management Company công bố, hôm nay (thứ năm ngày 27/6) là hạn cuối để quyết định có đầu tư hay không. Nhà sản xuất màn hình Đài Loan TPK và công ty tài chính CGL đã quyết định từ bỏ đầu tư vào đầu tháng này.
Cổ phiếu của Japan Display tăng 18% tại thời điểm giao dịch buổi sáng nay ở Tokyo, mức cao nhất kể từ tháng 5/2019.
Japan Display được thành lập năm 2012 bởi 2 bộ phận sản xuất màn hình từ 3 công ty điện tử hàng đầu Nhật Bản là Hitachi, Sony và Toshiba.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp