02/10/2017 06:50
Áp lực lớn đằng sau câu chuyện tăng vốn ngàn tỉ của các nhà băng
Cuộc chạy đua tăng vốn điều lệ của hàng loạt ngân hàng trong bối cảnh phải rốt ráo xử lý nợ xấu được xem là áp lực. Lượng tiền lớn còn lấy đi dòng tiền lẽ ra được dành cho sản xuất, kinh doanh của các ngành nghề khác.
Cuộc đua ngàn tỉ
Hai năm gần đây, đã có khoảng 20 ngân hàng đặt ra kế hoạch tăng vốn điều lệ với tổng số tiền gần 100.000 tỉ đồng. Có ba địa chỉ để các ngân hàng có thể tìm vốn là cổ đông hiện hữu, nhà đầu tư tiềm năng và nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, các cách gọi vốn phổ biến là phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu, phát hành riêng lẻ, chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc cổ phiếu thưởng.
Điển hình, ngân hàng SCB vừa tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để chào bán 170,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông sở hữu từ 1% vốn trở lên. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm. Giá bán là 10.000 đồng/cổ phiếu.
Sau khi phát hành số cổ phiếu này, vốn điều lệ của SCB sẽ tăng từ 14.295 tỉ đồng lên gần 16.000 tỉ đồng. Số tiền thu được từ đợt phát hành cổ phiếu lần này, SCB sẽ dùng một phần để đầu tư vào tài sản cố định, hiện đại hóa công nghệ thông tin, xây dựng và sửa chữa trụ sở các chi nhánh, bổ sung nguồn vốn kinh doanh.
Tương tự, ngân hàng Nhà nước cũng vừa cho phép MBBank tăng vốn điều lệ từ 17.127.409.090.000 đồng lên 18.155.053.630.000 đồng theo phương án đã được Đại hội đồng cổ đông của MBBank thông qua.
Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2017, cổ đông MBBank đã thống nhất việc tăng vốn điều lệ và sẽ tiến hành qua hai đợt. Đợt một tăng thêm 856 tỉ đồng bằng việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức đợt hai năm 2016 với tỷ lệ 5%.
Đợt hai sẽ phát hành cổ phiếu ESOP với nguồn vốn tăng thêm là 171 tỉ đồng và cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm. Nguồn vốn tăng thêm MBBank dự chi 270 tỉ đồng để xây trụ sở hoạt động, văn phòng chi nhánh và đầu tư công nghệ khác. Còn 758 tỉ đồng để bổ sung các nguồn vốn.
Còn VPBank sau khi vừa niêm yết trên HOSE cũng bắt tay thực hiện kế hoạch tăng vốn bằng cách phát hành riêng lẻ hơn 164 triệu cổ phần, thu về 6.423 tỉ đồng hồi giữa tháng 9. Trước đó, VPBank đã được ngân hàng Nhà nước phê duyệt tăng vốn điều lệ từ 10.765 tỉ đồng lên mức 15.706 tỉ đồng.
Cũng chung tham vọng đưa vốn điều lệ tăng hơn 5.000 tỉ trong năm 2017, TechcomBank tăng vốn điều lệ từ 8.878 tỉ đồng lên 13.878 tỉ đồng. TechcomBank sẽ chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của mỗi cổ đông.
Ngân hàng BIDV cũng muốn tăng vốn điều lệ thêm gần 4.500 tỉ đồng và đã được cổ đông thông qua. Theo đó, BIDV sẽ phát hành 102,6 triệu cổ phiếu ESOP, phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2016 là 239,31 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 7% và phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư 102,6 triệu cổ phiếu. Sau khi hoàn thành ba đợt phát hành cổ phiếu, vốn điều lệ của BIDV sẽ đạt gần 40.000 tỉ đồng.
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2017, ngân hàng ACB cũng đã thông qua việc tăng vốn điều lệ từ 10.273 tỉ đồng lên 11.259 tỉ đồng. ACB sẽ tăng vốn bằng cách chia cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu.
Không chỉ các ngân hàng lớn, nhóm các ngân hàng nhỏ cũng nhanh chóng tham gia cuộc đua tăng vốn. Cụ thể, HDBank sẽ tăng từ 8.100 tỉ đồng lên 8.829 tỉ đồng. LienVietPostBank đang có vốn điều lệ 6.460 tỉ đồng sẽ tăng lên mức 7.000 tỉ đồng.
Ngân hàng NCB dự kiến sẽ tăng thêm 3.000 tỉ đồng vốn điều lệ nữa để lên mức 6.000 tỉ đồng. NamABank muốn tăng vốn thêm gần 2.000 tỉ đồng để đưa vốn điều lệ lên 5.000 tỉ đồng. OCB muốn có thêm 1.000 tỉ đồng bổ sung vào vốn điều lệ.
Áp lực cho thị trường vốn
Nếu kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng thành công thì bức tranh ngân hàng cuối năm 2017 sẽ có những thay đổi lớn trong bảng xếp hạng các ngân hàng ở Việt Nam. BIDV và VietcomBank sẽ vượt qua VietinBank để trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam với hơn 39.000 tỉ đồng. Bởi trong năm 2017, VietinBank không có kế hoạch gì về vốn và nếu không sáp nhập xong PGBank thì ngân hàng này vẫn giữ nguyên vốn điều lệ là 37.234 tỉ đồng.
Bảng xếp hạng năm ngân hàng có quy mô vốn lớn nhất thị trường cũng sẽ thay đổi. VPBank và TechcomBank sẽ đẩy ACB, SHB và EximBank ra xa để cùng với BIDV, VietcomBank, VietinBank trở thành năm ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.
Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia Bùi Quang Tín, trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cho biết, cổ phiếu ngân hàng đang tăng giá mạnh. Do đó, việc ngân hàng Nhà nước đồng thuận cho các ngân hàng tăng vốn điều lệ trong bối cảnh các nhà băng làm ăn có vẻ tốt hơn trước, Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, xử lý hàng loạt sai phạm trong hệ thống ngân hàng là điều bình thường.
Ông Tín cho rằng, các ngân hàng đều tăng vốn bằng cách phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, phát hành riêng lẻ, chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc cổ phiếu thưởng thì sẽ làm pha loãng cổ phiếu. Tuy nhiên, đó là hướng đi mà các ngân hàng phải đi để sắp tới tăng vốn cấp một, cấp hai lên nhằm tăng tỷ lệ vốn an toàn (chỉ số CAR) và tuân thủ theo đúng Thông tư 41/2016, dự kiến sẽ có hiệu lực từ 1/1/2020.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, trong cùng một năm mà hàng loạt ngân hàng đều đồng loạt tăng vốn điều lệ thì sẽ tạo áp lực rất lớn lên thị trường vốn. Mà thị trường vốn của Việt Nam đã rất giới hạn rồi.
“Thị trường tài chính có hai phân khúc là thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Thị trường tiền tệ là vốn ngắn hạn cho đến 12 tháng. Thị trường vốn là tài chính trung và dài hạn, từ 12 tháng trở lên. Ở Việt Nam, thị trường vốn rất èo uột còn thị trường vốn lãi rất dồi dào. Đầu tư vào các ngân hàng phải dựa vào thị trường vốn chứ không thể trông chờ vào thị trường tiền tệ”, ông Hiếu nói.
Chuyên gia này cho biết thêm, để giảm áp lực lên thị trường vốn, nhiều ngân hàng đã mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài nhưng các nhà đầu tư nước ngoài lại bị khống chế bởi trần 20% cho một nhà đầu tư và 30% cho tất cả các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, ông Hiếu lại cho rằng, việc hàng loạt ngân hàng tăng vốn điều lệ sẽ tạo nhiều tín hiệu tích cực hơn là tiêu cực. Tích cực ở chỗ, vốn điều lệ là xương sống của một ngân hàng. Khi có vốn nhiều thì họ sẽ tăng được quy mô hoạt động. Bởi mỗi hợp đồng vay không quá 15% vốn của một ngân hàng và chỉ số CAR được đảm bảo.
“Nhưng rõ ràng, việc ồ ạt tăng vốn cũng có sự bất lợi. Một ngân hàng có vốn điều lệ càng nhiều thì lợi nhuận chia cho mỗi cổ phiếu càng ít đi. Về ngắn hạn, cổ đông sẽ chịu thiệt hạ do cổ tức sẽ giảm đi nhưng lâu dài thì việc tăng vốn là điều cần thiết cho sự phát triển của ngân hàng. Hơn nữa, nếu có quá nhiều nhà đầu tư bỏ tiền vào ngân hàng thì họ sẽ lấy đi cái vốn đáng lẽ ra sẽ dành cho sản xuất, kinh doanh cho các ngành nghề khác”, ông Hiếu nói.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Lê Minh Hoàng, trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho biết, chỉ số CAR theo quy định của ngân hàng Nhà nước đang ở mức 8%. Việctăng vốn là yêu cầu tất yếu để các ngân hàng đáp ứng các tiêu chuẩn quản trị rủi ro ngày càng khắt khe.Trước hết là mục đích đảm bảo chỉ số CAR theo đúng quy định.
“Tăng vốn trong bối cảnh phải rốt ráo xử lý nợ xấu được xem là áp lực lớn cho các ngân hàng.Tuy nhiên, trong chiến lược phát triển lâu dài thì việc tăng độ vững mạnh của bảng tổng kết tài sản qua việc tăng vốn điều lệ có ý nghĩa rất quan trọng”, ông Hoàng nói.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp