23/08/2019 08:27
Áp lực chống gian lận xuất xứ đang rất lớn
Áp lực chống gian lận xuất xứ đang rất lớn bởi chỉ cần liên quan một vụ việc, Việt Nam sẽ trở thành chủ thể trong các xung đột thương mại.
Theo cổng thông tin Chính phủ, không riêng gì Bộ Công Thương mà lực lượng Hải quan, Công an đều đã nêu nguy cơ, hệ luỵ về gian lận xuất xứ.
Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về tình trạng gian lận xuất xứ, nghi vấn cấp C/O (Giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc của hàng hóa - Certificate of origin) giả… tại cuộc họp về xuất nhập khẩu 6 tháng cuối năm 2019 diễn ra vào đầu tháng 8 vừa qua.
Dán nhãn xuất xứ cho mặt hàng nông sản?
Tại cuộc họp, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường TPHCM chợ đầu mối Thủ Đức nhập 80 tấn nông sản/ngày, trong đó 20% nông sản nhập khẩu.
Các nông sản của Úc, Nhật Bản được dán nhãn để bảo vệ thương hiệu hàng hóa của họ. Những nước còn lại, đặc biệt là Trung Quốc không dán nhãn. Vì vậy người tiêu dùng không biết đâu là táo Việt Nam, đâu là táo Trung Quốc.
“Quy định hiện hành, nông sản không phải dán nhãn mác xuất xứ, từ đó dẫn đến bất cập là người tiêu dùng, cơ quan quản lý nhà nước không biết đâu là hoa quả Việt Nam và đâu là Trung Quốc….”, ông Trần Hữu Linh cho biết.
Áp lực chống gian lận xuất xứ đang rất lớn |
Liên quan đến việc kiểm tra, xác minh cấp C/O, ông Linh cho hay, 3 tháng vừa qua Cục Xuất nhập khẩu liên tục gửi hồ sơ sang Tổng cục QLTT về nghi vấn gian lận C/O, làm C/O giả. Qua kiểm tra cho thấy, vụ việc được phát hiện do cơ quan hải quan nước nhập khẩu báo lại, có 3 trường hợp doanh nghiệp làm giả liên 1 của C/O (có 3 liên), thực hiện qua một công ty dịch vụ chuyên làm C/O. Doanh nghiệp lý giải là do “cần gấp C/O, nếu không cấp kịp phía đối tác sẽ huỷ đơn hàng”.
Bên cạnh đó, ông Trần Hữu Linh cho biết, có tình trạng doanh nghiệp gia công, chế biến những mặt hàng đơn giản không đủ điều kiện cấp C/O nhưng họ vẫn xin cấp C/O Việt Nam nhằm hợp thức hoá hồ sơ.
“Hệ luỵ là sẽ chuyển hàng không đủ tiêu chuẩn sang thị trường châu Âu, châu Mỹ. Do đó, cần phải quyết liệt, cụ thể, kiểm soát chặt chẽ hơn trong việc cấp C/O”, ông Linh nói.
Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, 7 tháng đầu năm nay, tần suất các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước đối với Việt Nam ở mức cao, trung bình mỗi tháng 1 vụ. Trong khi đó, tình hình các nước đều đang lưu ý tới việc điều tra xuất xứ hàng hoá nhằm áp dụng các biện pháp bảo hộ mậu dịch, phòng vệ thương mại.
Nhìn nhận tình trạng này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: “Áp lực chống gian lận xuất xứ đang rất lớn bởi chỉ cần liên quan một vụ việc, Việt Nam sẽ trở thành chủ thể trong các xung đột thương mại. Không riêng gì Bộ Công Thương mà lực lượng Hải quan, Công an đều đã nêu nguy cơ, hệ luỵ về gian lận xuất xứ”.
Tăng cường vai trò quản lý nhà nước khi cấp C/O
Báo cáo về việc hậu kiểm khi thực hiện cấp C/O, Cục Xuất nhập khẩu cho biết, cơ quan này đã thường xuyên trao đổi, cảnh báo các tổ chức cấp C/O về việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp C/O. Trong đó, đặc biệt lưu ý tới một số mặt hàng có nguy cơ cao về gian lận xuất xứ hàng hóa (pin mặt trời, lốp ô tô, hạt dẻ cười, tôm, nhôm, thép, gỗ ván ép, gạch men, xe đạp điện,...).
Chủ động tổ chức các đoàn kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa tại cơ sở sản xuất của doanh nghiệp khi có nghi vấn về gian lận xuất xứ. Tập huấn, hướng dẫn về xuất xứ hàng hóa cho doanh nghiệp, khuyến nghị doanh nghiệp phối hợp cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý khi thấy có dấu hiệu bất thường, tránh gây ảnh hưởng đến cả ngành sản xuất.
Đối với các nước nhập khẩu, Cục Xuất nhập khẩu cho biết, trước năm 2016, nước nhập khẩu xác minh xuất xứ chủ yếu các mặt hàng công nghiệp, tuy nhiên gần đây, các nước có xu hướng chuyển sang xác minh xuất xứ cả mặt hàng nông sản.
Do đó, Cục Xuất nhập khẩu cũng thường xuyên thành lập Tổ công tác liên ngành liên quan phối hợp với cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu tiến hành kiếm tra, xác minh tại cơ sở sản xuất cũng như kiểm tra, xác minh hồ sơ giấy.
Riêng đối với nhóm hàng nông sản, ông Trần Hữu Linh đề nghị lãnh đạo Bộ Công Thương kiến nghị với Bộ KH&CN xem xét sửa Nghị định 43/2017 về nhãn hàng hóa. Trong đó, yêu cầu hàng nông sản phải dán nhãn.
Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ đạo, Cục Xuất nhập khẩu thực hiện tốt vai trò kiểm tra xác minh xuất xứ, báo cáo lên Chính phủ cập nhật tình hình, kết quả của các cuộc kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa.
Cục Xuất nhập khẩu tiếp tục chủ trì, phối hợp với Tổng cục Hải quan, các tổ chức cấp C/O tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, hậu kiểm đối với các mặt hàng xuất khẩu đòi hỏi tiêu chí xuất xứ chặt (xuất xứ thuần túy) hoặc các mặt hàng nằm trong danh sách đang bị điều tra, áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp của các nước trên thế giới.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng nhấn mạnh việc cần phải tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa trong hoạt động cấp C/O nhằm ngăn chặn gian lận xuất xứ hàng hóa. Thành lập đoàn kiểm tra tình hình thực hiện cấp và quản lý cấp C/O ưu đãi.
Advertisement
Advertisement