03/06/2020 10:48
Ấn Độ có thể thay thế Trung Quốc khi các công ty Mỹ di dời sản xuất?
Trang mạng Geopolitical Futures ngày 2/6 đăng tải bài viết của tác giả George Friedman, phân tích về quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã suy giảm trong một thời gian dài.
Trong nhiều năm, Mỹ đã cho phép Trung Quốc tiếp cận tương đối tự do đối với thị trường của Mỹ. Mỹ muốn một sự tiếp cận tương đương đối với thị trường Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh đã không thể đáp ứng điều này. Nền tảng công nghiệp của Trung Quốc là sản xuất nhiều sản phẩm hơn so với nhu cầu của người tiêu dùng, về cả số lượng, giá cả và chủng loại.
Trung Quốc là một quốc gia xuất khẩu bắt buộc vì chỉ có xuất khẩu mới có thể duy trì nền tảng công nghiệp và kèm theo đó là nền kinh tế và hệ thống tài chính của nước này. Cho phép Mỹ tiếp cận lớn hơn với thị trường Trung Quốc sẽ làm suy yếu các nền tảng tài chính của hệ thống Trung Quốc – một hệ thống đã tài trợ quy mô lớn để thiết lập hệ thống công nghiệp và phụ thuộc vào cả tiêu dùng nội địa lẫn bán hàng ở nước ngoài để cân bằng.
Hệ thống tài chính của Trung Quốc đã chịu áp lực kể từ năm 2008. Do đó, Trung Quốc không thể cho phép Mỹ có các quyền giao dịch tương đương, dẫn tới việc Mỹ áp đặt các loại thuế quan. Trung Quốc không ở vị trí để có thể nhất trí với các yêu cầu của Mỹ, bởi vì những hậu quả tài chính đối với nước này và Mỹ cũng không thể xóa bỏ các thuế quan vì thực tế xã hội ở Mỹ.
Mỹ không muốn phụ thuộc vào thế độc quyền của trung Quốc nhưng Ấn Độ chưa phải là lựa chọn hoàn hảo trong lúc này. |
Nhiều ngành công nghiệp đã được hưởng lợi lớn nhờ giảm chi phí sản xuất và sự tiếp cận chọn lọc đối với thị trường Trung Quốc, cho dù việc nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc đã gây thiệt hại lớn cho một số ngành công nghiệp của Mỹ. Mỗi ngành này đại diện cho các nhóm xã hội khác nhau và góp phần tạo ra những căng thẳng trong nền kinh tế nước Mỹ.
Đây không phải là một câu chuyện mới trong lịch sử của chủ nghĩa tư bản. Từ khoảng những năm 1990 của thế kỷ XIX cho đến cuối những năm 1920 của thế kỷ XX, nước Mỹ đã rơi vào vị trí của Trung Quốc như hiện nay.
Vào cuối thế kỷ 19, Mỹ đã thực hiện một cuộc cách mạng công nghiệp mà phụ thuộc vào sự tiếp cận đối với các thị trường nước ngoài, trong bối cảnh tiêu dùng nội địa không thể hỗ trợ cho các nhà máy công nghiệp. Hàng hóa giá rẻ của Mỹ tràn ngập châu Âu cho đến sau Chiến tranh thế giới thứ nhất.
Mỹ tiếp tục cố gắng tăng xuất khẩu, nhưng đồng thời hạn chế nhập khẩu, ví dụ như hàng dệt may của Nhật Bản. Cuối cùng, sự sụp đổ nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa của Mỹ và đây là một lực đẩy quan trọng khiến Mỹ rơi vào suy thoái.
Trung Quốc là một câu chuyện cũ với đầy rẫy những căng thẳng xã hội trên tất cả các mặt. Chuỗi cung ứng của Mỹ từng đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của phần lớn chuỗi cung ứng toàn cầu, và việc hạn chế nhập khẩu hàng hóa Mỹ đã giáng một đòn vào chuỗi cung ứng của nước này.
Điều tương tự đã xảy ra với Trung Quốc do hậu quả của đại dịch COVID-19. Các nền kinh tế bị thiệt hại do COVID-19 đã cắt giảm nhu cầu, khiến Trung Quốc rơi vào thế khó. Tuy nhiên, vẫn có một chiều hướng khác. Nhu cầu tăng cao đối với một số sản phẩm như dược phẩm đã không thể đáp ứng.
Dịch COVID-19 đã tấn công Trung Quốc và chuỗi cung ứng nội bộ của nước này bị phá vỡ hoặc chuyển hướng để phục vụ nhu cầu của Trung Quốc. Việc đánh mất các thị trường xuất khẩu đã làm nền kinh tế Trung Quốc chao đảo.
Nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng không thua những cường quốc khác. |
Ngoài ra, Trung Quốc cũng bị tác động bởi việc các nhà nhập khẩu nhận thức ra rằng việc quá phụ thuộc vào một nước trong chuỗi cung ứng của họ là quá rủi ro. Trung Quốc được coi là một nước xuất khẩu đáng tin cậy, nhưng ngay cả khi nước này có thể cung cấp các sản phẩm với chi phí thấp, điều này cũng không có ích gì nếu như hoạt động sản xuất bị gián đoạn và hàng hóa không sẵn có.
Đó không phải là vấn đề niềm tin vào Trung Quốc bị lung lay, mà chính việc thiếu sự đa dạng trong chuỗi cung ứng đã bộc lộ những rủi ro.
Hai vấn đề đặt ra hiện nay. Thứ nhất, Trung Quốc đã đạt tới những giới hạn chính trị của một nền kinh tế dựa vào xuất khẩu với một loạt căng thẳng với Mỹ và sự mất niềm tin về "sức khỏe" chuỗi cung ứng của nước này. Trung Quốc phải làm những điều mà Mỹ đã từng làm, sau hai thập kỷ suy thoái và chiến tranh, đó là tạo ra nhu cầu lớn trong nước để thúc đẩy nền kinh tế.
Thứ hai, nước nào sẽ thay thế vị trí của Trung Quốc? Lựa chọn rõ ràng đầu tiên chính là Ấn Độ, một quốc gia với dân số đông, đa dạng và nhìn chung còn nghèo, nhưng có mức độ kỷ luật và tinh thần kinh doanh, giống như Trung Quốc vào năm 1980. Tuy nhiên, Ấn Độ không ở trong trạng thái "cất cánh".
Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới là cũng là một nước xuất khẩu lớn. Trung Quốc xuất khẩu 2.000 tỷ USD mỗi năm, Ấn Độ khoảng 345 tỷ USD. Xuất khẩu chiếm khoảng 19% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc, trong khi đó tỷ lệ này ở Ấn Độ là 14% GDP.
Trung Quốc có dân số khoảng 1,4 tỷ người, Ấn Độ có quy mô tương tự. Những con số này cho thấy một lực lượng lao động lớn, sẵn có. Quan trọng hơn, Ấn Độ là một quốc gia ít phụ thuộc vào xuất khẩu để thúc đẩy kinh tế, mặc dù nước này vẫn còn nghèo.
Đặc điểm cơ bản của mô hình phát triển của Trung Quốc chính là lực lượng lao động được trả lương tương đối thấp, chứ không phải trật tự chính trị hiện nay với một hệ thống kinh tế có thể hiểu được.
Nói một cách đơn giản, Ấn Độ tăng trưởng dựa trên nhu cầu nội địa và giai đoạn tăng trưởng tiếp theo cần phải tạo cú hích về xuất khẩu. Do vậy, vào thời điểm khi Trung Quốc đang rơi vào một cuộc xung đột sâu sắc và đa chiều với khách hàng lớn nhất của mình, Ấn Độ có cơ hội độc nhất để thúc đẩy nền kinh tế của mình từ những vấn đề này.
Trung Quốc xuất khẩu 2.000 tỷ USD mỗi năm, Ấn Độ khoảng 345 tỷ USD. |
Do Ấn Độ và Trung Quốc luôn coi nhau là đối thủ, Ấn Độ có lợi ích kinh tế và chiến lược trong động thái này. Sự đối đầu Ấn-Trung, ngược lại cách đây hơn nửa thế kỷ, tạo cơ hội cho Mỹ mở cánh cửa khiến sự liên kết kinh tế giữa hai nước trở nên hấp dẫn hơn.
Mỹ, với tư cách là một quốc gia với rất nhiều các công ty tư nhân, hiện nay đã nhận thấy việc phụ thuộc vào một đất nước duy nhất trong chuỗi cung ứng là một sai lầm. Đại dịch toàn cầu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế và nhu cầu đối với các sản phẩm thiết yếu là không thể dự đoán.
Có thể chi phí lao động thấp có thể vẫn là yếu tố hấp dẫn với các công ty Mỹ lựa chọn việc nhập khẩu hoặc sản xuất tại Trung Quốc, việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng dù "đắt đỏ" nhưng là điều cần thiết. Ấn Độ là một sự bổ sung hoặc thay thế hợp lý cho Trung Quốc và thực sự đã đảm nhận vai trò đó, mặc dù mức độ chưa đầy đủ theo như các con số xuất khẩu cho thấy.
Ấn Độ là một nền kinh tế lớn với mục tiêu của nước này là đưa GDP đạt mức của Đức, Nhật Bản và Trung Quốc. Cơ hội được tạo ra bởi đại dịch bệnh và mối quan hệ khó khăn hiện nay của Trung Quốc với Mỹ đồng nghĩa rằng các công ty của Mỹ lựa chọn việc di chuyển cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc và Ấn Độ đã sẵn sàng tiếp nhận. Tuy nhiên, một điều không thể tránh khỏi là sự dịch chuyển kinh tế sẽ trở nên khó khăn do các vấn đề chính trị và quân sự.
Sự chuyển đổi trong chuỗi cung ứng một phần liên quan đến xung đột kinh tế Mỹ-Trung, điều này đã tạo ra các cơ hội kinh tế đối với Ấn Độ. Ấn Độ cũng biết chắc rằng có nhiều quốc gia khác có thể lấp đầy và mong muốn lấp đầy khoảng trống đó.
(Nguồn: TTXVN)
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement