03/07/2020 18:11
Airbus kêu gọi chính phủ các nước 'giải cứu' việc làm cho người lao động
Hãng chế tạo máy bay Airbus của châu Âu ngày 3/7 kêu gọi chính phủ các nước hỗ trợ để giải cứu hàng nghìn việc làm đang đứng trước nguy cơ bị cắt giảm do tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19.
Trao đổi với báo Der Spiegel (Đức), Giám đốc điều hành Airbus, Guillaume Faury, nói rằng hãng có thể bảo toàn tới 500 việc làm nếu Chính phủ Đức hỗ trợ thông qua chương trình phát triển nhiên liệu hydro dành cho máy bay.
Ngoài ra, việc kéo dài các chương trình cắt giảm giờ làm trong 24 tháng có thể "cứu" thêm 1.500 việc làm và vấn đề này vẫn đang được bàn thảo. Tương tự, 1.500 công việc cũng có thể được bảo toàn tại Pháp.
Một nhà máy của hãng Airbus tại Blagnac, miền nam Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn trong lĩnh vực hàng không, Airbus ngày 30/6 công bố kế hoạch tái cấu trúc quan trọng. Theo đó, Airbus sẽ cắt giảm 15.000 nhân sự trên toàn cầu, trong đó có 5.000 lao động ở Pháp, từ nay đến mùa Hè 2021.
Bên cạnh đó, 5.100 vị trí cũng sẽ bị cắt giảm ở Đức, 1.700 ở Anh, 900 ở Tây Ban Nha và 1.300 tại các địa điểm sản xuất khác trên toàn thế giới. Airbus hiện có 49.000 nhân viên ở Pháp, 45.500 ở Đức, 12.500 ở Tây Ban Nha và 11.000 ở Anh. Việc cắt giảm nhân sự lần này chiếm khoảng 11% tổng lực lượng lao động của hãng.
Trong những ngày gần đây, Đức và Pháp phàn nàn rằng kế hoạch cắt giảm khoảng 5.000 nhân sự tại mỗi nước của Airbus sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế. Pháp là quốc gia nơi nhà sản xuất máy bay tuyển nhiều nhân viên nhất với khoảng 49.000 người. Việc cắt giảm nhân sự ảnh hưởng chủ yếu đến bộ phận sản xuất máy bay thương mại.
Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không giảm sút do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã buộc Airbus thông báo quyết định giảm sản lượng máy bay tới 40% trong năm nay và năm tới so với thời kỳ trước dịch bệnh.
Lợi nhuận hoạt động được điều chỉnh của hãng trong quý I/2020 đã giảm 49% xuống còn 281 triệu euro (304,7 triệu USD), trong khi doanh thu giảm 15% xuống 10,63 tỷ euro, chủ yếu do nhu cầu máy bay chững lại trước cả khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Advertisement
Advertisement