25/10/2020 11:25
Ai là nạn nhân nếu Google 'độc quyền'?
Trước các cáo buộc độc quyền thị trường, Google từ lâu luôn biện hộ rằng sản phẩm của họ là miễn phí và không ai bị ép buộc phải sử dụng chúng.
Trong nhiều năm, Google thoát khỏi sự giám sát gắt gao của chính phủ dựa trên lập luận rằng những người tìm kiếm trên Internet không phải là khách hàng thực sự của họ. Chúng ta mới chính là sản phẩm của họ, còn những nhà quảng cáo là khách hàng thực sự.
Vậy ai sẽ là người bị ảnh hưởng bởi sự thống trị của Google trong lĩnh vực bán quảng cáo dựa trên từ khóa tìm kiếm và thông qua các doanh nghiệp liên kết với họ, từ phần mềm điện thoại Adroid đến nền tảng video Youtube và các bản đồ kỹ thuật số.
Trong vụ kiện chống độc quyền của Bộ Tư pháp Mỹ đối với Google, cơ quan tư pháp đã chỉ ra rằng cả nhà quảng cáo và những người dùng Internet thông thường đều bị ảnh hưởng bởi vị thế của gã khổng lồ công nghệ, bởi Google là cánh cổng kết nối Internet của cả tỷ người trên thế giới mà không gặp phải thách thức nào.
Người dùng Mỹ bị ép buộc phải chấp nhận các chính sách, quyền riêng tư và việc sử dụng dữ liệu cá nhân của Google. |
Trong bản khiếu nại hôm 20/10, chính phủ đã yêu cầu tòa án liên bang can thiệp để bảo vệ tính cạnh tranh của thị trường. Bản khiếu nại có đoạn: “Hệ quả là vô số nhà quảng cáo đều phải trả phí tổn bởi sự độc quyền về quảng cáo của Google. Người dùng Mỹ bị ép buộc phải chấp nhận các chính sách, quyền riêng tư và việc sử dụng dữ liệu cá nhân của Google.
Các doanh nghiệp mới với những mô hình kinh doanh sáng tạo đều không thể xuất hiện do cái bóng quá lớn của gã khổng lồ”. Chính phủ lập luận rằng Google đã lợi dụng vị thế độc quyền thông qua thỏa thuận với các doanh nghiệp khác nhằm quảng bá ứng dụng của Google và đặt mặc định các phần mềm của Google trên các thanh công cụ, điện thoại và các thiết bị.
Tất cả những điều này đều tạo ra lợi thế đối với việc tìm kiếm bằng Google và gây thiệt hại cho các đối thủ cạnh tranh. Các nhà chỉ trích từ lâu cũng đã đưa ra các lập luận tương tự nhằm kiểm soát hành vi của gã khổng lồ công nghệ này nhưng cơ quan thực thi pháp luật chống độc quyền Mỹ lại chỉ dựa vào tiêu chuẩn truyền thống để ra phán quyết về tính độc quyền của doanh nghiệp (dựa trên tiêu chuẩn liệu người tiêu dùng đang phải trả giá quá cao cho sản phẩm hay không).
Google kiểm soát khoảng 90% các tìm kiếm mạng toàn cầu và thống trị thị trường quảng cáo trên công cụ tìm kiếm, nhưng họ nắm giữ thị phần nhỏ hơn trong thị trường quảng cáo số.
Rebecca Allensworth, Giáo sư Luật tại Đại học Vanderbilt, nói: “Đây là một luận điểm cho thấy khách hàng chính là những nhà quảng cáo.
Tuy nhiên, có nhiều giáo sư luật khẳng định rằng khách hàng đang thực sự phải ‘trả phí’ cho những sản phẩm kiểu như công cụ tìm kiếm, không phải bằng USD, mà là những phí tổn về quyền riêng tư, sự tập trung và dữ liệu cá nhân. Những ‘chi phí’ này cũng nên được quan tâm”.
Hoạt động kinh doanh của Google là nhờ vào việc thu thập thông tin cá nhân của hàng tỷ người dùng, những người đang tìm kiếm trực tuyến, xem video Youtube, tìm đường trên bản đồ số, nói chuyện với trợ lý ảo hoặc sử dụng các phần mềm điện thoại của Google.
Dữ liệu này sau đó được sử dụng để cung cấp dữ liệu đầu vào cho công cụ quảng cáo, thứ đã biến Google trở thành một gã khổng lồ công nghệ. Makan Delrahim, trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ phụ trách lĩnh vực chống độc quyền, đã nhắc lại nhiều lần rằng mô hình kinh doanh miễn phí (Google và Facebook là những ví dụ nổi bật nhất) cũng nên được kiểm soát chống độc quyền bởi vì mục đích của chúng ta không phải đơn thuần chỉ là đảm bảo công bằng trong cạnh tranh về giá.
Mặc dù Google thống lĩnh thị trường quảng cáo trên công cụ tìm kiếm, nhưng họ lại đang nhắm tới một thị trường quảng cáo trực tuyến rộng lớn hơn và cũng cạnh tranh gay gắt hơn. |
Mục đích của chúng ta còn là thúc đẩy lợi ích của người tiêu dùng dưới mọi hình thức, bao gồm lựa chọn tiêu dùng, sự sáng tạo và chất lượng sản phẩm. Google từ lâu đã phủ định các cáo buộc cạnh tranh không lành mạnh và họ sẵn sàng chống lại bất cứ nỗ lực nào nhằm buộc họ phải chia nhỏ các dịch vụ. Google lập luận rằng bất luận quy mô kinh doanh khổng lồ, họ luôn hữu ích và có lợi cho người dùng.
Công ty nói: “Mọi người sử dụng Google vì họ chọn như vậy, không phải vì họ bị ép buộc hay không thể tìm thấy các sản phẩm thay thế”. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp Mỹ lại không nghĩ như vậy. Bộ này cáo buộc Google đã “khiến các đối thủ không có được các sản phẩm chất lượng, cơ hội và vị thế tài chính cần thiết để có thể thiết lập một đối trọng cạnh tranh với thế độc quyền lâu dài của Google”.
Việc tước đi cơ hội cạnh tranh này làm giảm đáng kể chất lượng của dịch vụ tìm kiếm. Bản khiếu nại cũng đề cập tới sự vi phạm quyền riêng tư cũng như việc sử dụng dữ liệu người dùng của Google, tuy nhiên không đi vào chi tiết.
Mặc dù Google thống lĩnh thị trường quảng cáo trên công cụ tìm kiếm, nhưng họ lại đang nhắm tới một thị trường quảng cáo trực tuyến rộng lớn hơn và cũng cạnh tranh gay gắt hơn. Google chiếm khoảng 29% thị trường quảng cáo số (theo một báo cáo tháng 6/2020 của eMarketer) và phải đối mặt với cạnh tranh ngày càng tăng từ các đối thủ như Facebook và Amazon, một công ty đang nắm giữ khoảng 23% thị phần và cũng đang đối mặt với các xem xét độc quyền từ chính phủ.
Các đối thủ trong lĩnh vực tìm kiếm như Yelp, Expedia và Tripadvisor là những doanh nghiệp “lớn tiếng” nhất khẳng định họ bị thiệt hại bởi cách thức kinh doanh của Google. Phó chủ tịch của Tripadvisor Seth Kalvert nói rằng cáo buộc độc quyền lần này là tốt cho người dùng và giữ gìn tính minh bạch của môi trường Internet cũng như duy trì sự cạnh tranh lành mạnh.
Ông Kalvert nói: “Các cáo buộc độc quyền này cung cấp một khuôn khổ cho hành động có ý nghĩa nhằm ngăn chặn Google sử dụng vị thế ‘gác cổng’ nhằm mưu lợi riêng cho các dịch vụ của họ cũng như làm tăng lợi nhuận bất chấp gây ra thiệt hại cho người dùng và sự cạnh tranh của thị trường”. Ở một góc độ nào đó, vụ kiện lần này lặp lại bản án của Bộ Tư pháp Mỹ trước đây chống lại gã khổng lồ công nghệ Microsoft.
Chính phủ đã kiện Microsoft hơn 20 năm trước, cáo buộc công ty này lợi dụng vị thế độc quyền để trói chặt khách hàng với sản phẩm của công ty, làm cho họ không còn hứng thú với các lựa chọn vốn tốt hơn từ các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn.
(Nguồn: TTXVN).
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp