30/03/2020 16:06
Ai có thẩm quyền xử phạt người không đeo khẩu trang?
Cảnh sát giao thông xử phạt người không đeo khẩu trang (nếu có) là không đúng với thẩm quyền.
Chính phủ yêu cầu người dân đeo khẩu trang tại nơi công cộng
Dịch COVID-19 ở Việt Nam đang trong giai đoạn khốc liệt nhất từ đầu dịch đến giờ. Bộ Y tế đã liên tục tuyên truyền về việc người dân phải đeo khẩu trang khi ra đường để tránh dịch bệnh lây lan. Vậy, nếu người dân không chấp hành nghiêm chỉnh thì cơ quan nào có thẩm quyền xử phạt?
Số ca nhiễm COVID-19 ở Việt Nam đã lên tới gần 200 người. Chính phủ liên tục có nhiều động thái quyết liệt để ngăn ngừa dịch COVID-19 lây lan trong cộng đồng nhằm bảo vệ sức khỏe người dân.
Từ việc đóng cửa tất cả dịch vụ không cần thiết; hạn chế chuyến bay đến và đi từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh – nơi tâm dịch; dừng toàn bộ xe hợp đồng/xe du lịch trên 09 chỗ ra vào 02 thành phố này; cấm người dân tụ tập đông người…
Ai có thẩm quyền xử phạt người không đeo khẩu trang? |
Tuy nhiên, việc yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc đã được thực hiện từ cách đây nửa tháng. Tại Thông báo 98/TB-VPCP ngày 14/3, Thủ tướng đã yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc (cả đối với người Việt Nam, người nước ngoài) tại nơi công cộng từ ngày 16/3/2020.
Bộ Y tế liên tục gửi tin nhắn đến người dân yêu cầu, nhắc nhở đeo khẩu trang khi ra đường, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn…
Thế nhưng, không phải ai cũng thực hiện đúng yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Những ngày gần đây, để thực hiện quyết liệt nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm bệnh, nhiều địa phương đã tiến hành xử phạt những người không đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, nơi tập trung đông người.
Vậy, cơ quan nào có thẩm quyền xử phạt người dân không đeo khẩu trang tại nơi công cộng?
Cơ quan nào có thẩm quyền xử phạt người không đeo khẩu trang?
Theo điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP, sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi không đeo khẩu trang tại nơi công cộng (không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế).
Đối chiếu với quy định về thẩm quyền xử phạt trong Luật Xử lý vi phạm hành chính thì phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND xã, phường.
Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện clip một chiến sỹ Cảnh sát giao thông xử phạt người dân “chống đẩy”. Theo người chia sẻ clip, lý do những người này bị phạt là do không đeo khẩu trang.
Tuy nhiên, theo Thông tư 01/2016/TT-BCA, Cảnh sát giao thông chỉ có quyền xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước khác.
Như vậy, Cảnh sát giao thông xử phạt người không đeo khẩu trang (nếu có) là không đúng với thẩm quyền. Mặt khác, trong các hình thức xử phạt hành chính không có hình thức nào là phạt chống đẩy. Vì thế, cả thẩm quyền và hình thức xử phạt trong trường hợp này là trái quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong những ngày rất "nóng" về dịch COVID-19 tại Việt Nam, việc đeo khẩu trang không phải để tránh bị xử phạt, càng không phải thời điểm "phân bua" ai có quyền phạt, mà là hành động bảo vệ sức khỏe bản thân mình, gia đình mình và bảo vệ cả cộng đồng.
Advertisement
Advertisement