19/04/2017 10:48
Ai bảo vệ bác sĩ?
Liên tiếp gần đây có các trường hợp bác sĩ, nhân viên y tế bị hành hung ở mức độ nghiêm trọng. Bác sĩ làm sao an tâm chữa bệnh?
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 4 tháng đầu năm 2017 đã có 4 trường hợp bác sĩ, nhân viên y tế bị hành hung ở mức độ nghiêm trọng.
Mới đây, khibác sĩ phó trưởng khoa hồi sức cấp cứu ngoại (Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thất, Hà Nội) đang tư vấn về việc chuyển viện cho người nhà một bệnh nhi bị tiêu chảy (do virus) thì bị bố của cháu bé cầm chiếc “cốc Liên Xô” - rất to và dày - đập mạnh vào vùng đỉnh đầu.
Bác sĩ này bị rách vùng da đỉnh đầu, chảy nhiều máu, bị ngất và phải khâu 7 mũi.
Con bệnh ai không xót, nhưng…
Chị Lê Trâm (Q.7, TP.HCM) nhận xét: “Con đau bệnh ai không lo, không xót nhưng cách hành xử như vậy thì thật quá đáng, côn đồ, cần phải xử lý thật nghiêm”.
Anh Tuấn Nghĩa (Q.11, TP.HCM) cho rằng chỉ nhìn riêng chuyện hành hung bác sĩ bằng chiếc cốc to và dày là đủ thấy vị phụ huynh này đã sai.
Bạn đọc Nguyễn Trọng Nghĩa nói: “Dù trong hoàn cảnh như thế nào đi nữa cũng còn pháp luật. Bác sĩ phó khoa đó đang là trưởng kíp trực. Một bác sĩ phải chăm sóc điều trị cho biết bao người bệnh. Không thể chấp nhận hành động côn đồ này”.
“Càng ngày thấy việc hành hung bác sĩ càng nhiều và có chiều hướng nghiêm trọng hơn. Phải chăng luật của ta chưa đủ nặng để ngăn chặn tình trạng này?”, chị Thanh Tuyền nêu ý kiến.
Kiến nghị quy chế bảo vệ bác sĩ
Luật sư (LS)Phạm Công Út (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết theo quy định pháp luật hiện nay thì mọi công dân đều được bảo vệ, không phân biệt người đó có vị trí nào trong xã hội. Ông Út cho rằng nhiều trường hợp hành hung bác sĩ ở mức độ nghiêm trọng như vừa qua đặt ra câu hỏi về công tác giữ an ninh, an toàn cho đội ngũ bác sĩ ở các bệnh viện.
LS Hồ Nguyên Lễ cho rằng hiện nay tại các bệnh viện đều có lực lượng nhân viên bảo vệ hoặc thuê dịch vụ bảo vệ. Tuy nhiên, dường như lực lượng này chỉ phục vụ công tác hành chính, kiểm soát tại các cổng ra vào hoặc tuần tra mà không đảm bảo an toàn tính mạng cho đội ngũ y, bác sĩ, kỹ thuật viên...
Theo LS Lễ, lãnh đạo các bệnh viện phải tăng cường lực lượng bảo vệ tại các nơi thăm khám, cấp cứu người bệnhđể ứng phó kịp thời khi có vụ việc hành hung xảy ra. Môi trường làm việc của đội ngũ y, bác sĩ, kỹ thuật viên... là bệnh viện - môi trường lao động đặc biệt - nên Bộ Y tế cần kiến nghị Nhà nước ban hành các quy chế riêng biệt đảm bảo an toàn tính mạng cho họ trong khi thực hiện công việc.
“Có thể tăng mức xử phạt hành chính đối với hành vi xâm hại đến sức khỏe, tính mạng nhân viên bệnh viện trong khi hành công việc cứu chữa bệnh, kiên quyết xử lý nghiêm khắc đối với người vi phạm”, ông Lễ nhấn mạnh.
Có thể xử lý hình sự
Luật sư Phạm Công Út cho biết, hành hung bác sĩ, nhân viên y tế là xâm hại đến sức khỏe, tính mạng của họ, là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu tỉ lệ thương tật của người bị hại dưới 11% và người hành hung chưa được xóa án tích (nếu có) hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì người hành hung có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng. Ngoài ra, nếu hành vi này gây hư hỏng dụng cụ, thiết bị, thuốc men y tế thì họ còn có thể bị khởi tố về hành vi hủy hoại tài sản.
LS Nguyễn Thanh Nam (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng nếu xác định tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên thì người hành hung sẽ bị truy tố hình sự về hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác theo Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999; từ 31% trở lên trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh thì sẽ bị truy tố hình sự về cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo Điều 105 Luật này.
LS Hồ Nguyên Lễ khẳng địnhtheo Điều 6, Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, cấm các hành vi gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của y, bác sĩ, kỹ thuật viên... Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính về lĩnh vực an toàn xã hội, an ninh trật tự: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp