12/06/2023 15:20
90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử nhờ ứng dụng thành công AI trong y tế
Thực hiện chuyển đổi số y tế, Bộ Y tế đặt ra mục tiêu 100% dịch bệnh và ca bệnh truyền nhiễm được quản lý trên nền tảng số vào cuối năm 2023; Mỗi người dân đều có hồ sơ số về sức khoẻ cá nhân, trong đó 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử...
Chuyển đổi số trong y tế hiện nay đang là xu hướng toàn cầu, mang lại lợi ích to lớn cho các quốc gia, giúp cải thiện chất lượng y tế, tiết kiệm thời gian, chi phí, tăng tính hiệu quả trong việc khám chữa bệnh, và đồng bộ hóa thông tin y tế.
Theo kế hoạch hành động của Bộ Y tế thực hiện Nghị quyết số 157-NQ/BCSĐ của Ban cán sự Đảng Bộ Y tế về chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn vừa ký ban hành, mục tiêu mà ngành y tế đặt ra là:
100% hệ thống thông tin y tế được đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng theo hồ sơ cấp độ an toàn thông tin được phê duyệt và trước khi đưa vào sử dụng, khai thác.
100% các dịch bệnh truyền nhiễm và các ca bệnh truyền nhiễm được quản lý trên nền tảng số y tế.
100% các trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc được cấp chứng nhận đăng ký lưu hành tại Việt Nam được quản lý theo mã định danh duy nhất thống nhất với định danh hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc tế.
Ứng dụng thành công các công nghệ số: trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), kết nối vạn vật y tế (IoMT), chuỗi khối (Blockchain), … trong các hoạt động y tế.
Mỗi người dân đều có hồ sơ số về sức khỏe cá nhân, trong đó 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử. Mỗi trạm y tế xã đều triển khai hoạt động quản lý trạm y tế xã trên môi trường số, trong đó: 100% các xã triển khai phần mềm quản lý trạm y tế xã đầy đủ các chức năng theo quy định của Bộ Y tế; 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm trên nền tảng số.
Số lượng cơ sở khám, chữa bệnh triển khai y tế từ xa đang ngày càng phổ biến, tuy nhiên hiệu quả triển khai còn chưa rõ ràng khi vướng mắc về cơ chế tài chính và các quy định có liên quan của pháp luật về khám chữa bệnh.
Tăng cường truyền thông về lợi ích của chuyển đổi số y tế để các cơ quan, đơn vị, người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả của chuyển đổi số y tế. Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng thẻ CCCD gắn chíp khi khám chữa bệnh BHYT tại các cơ sở y tế.
Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều thách thức tồn tại trong tiến trình chuyển đổi số y tế ở Việt Nam. Người bệnh ở Việt Nam phải đối mặt với nhiều vấn đề, từ khả năng tiếp cận, chất lượng, cho đến trải nghiệm chăm sóc tổng thể. Các vấn đề này bao gồm thời gian chờ đợi tại các bệnh viện quá tải, thiếu nguồn lực y bác sĩ có tay nghề, và thiếu giường bệnh.
Cần phải xây dựng khung pháp lý bảo đảm tính thống nhất giữa các bộ, ban, ngành, cơ quan trong việc xây dựng các ứng dụng công nghệ y tế, bao gồm Bộ Y tế, Cục công nghệ thông tin, Vụ Kế hoạch -Tài chính, Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, các Vụ, Cục, Tổng cục dân số và Thanh tra Bộ, các Sở Y tế, và các đơn vị y tế cấp cơ sở.
(Nguồn: Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp