03/04/2020 06:51
90% công ty lữ hành vừa và nhỏ tại TP.HCM tạm đóng cửa
Trong quý I/2020, do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch COVID-19, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh lên tới 18.600, tăng 26% so với cùng kỳ.
Tổng cục Thống kê cho biết trong quý I/2020, do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch COVID-19, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh lên tới 18.600, tăng 26% so với cùng kỳ. Cũng trong quý I, số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là hơn 12.000, giảm 21%. Ngoài ra còn có hơn 4.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tương đương cùng kỳ năm trước.
Đối với ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống chiếm 6,2% tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ giảm 30,3% so với cùng kỳ năm trước. Một số khách sạn trên địa bàn đã tạm ngưng nhận khách lưu trú từ ngày 16/3 đến 5/4 nhằm tham gia phòng, chống dịch COVID-19.
Doanh nghiệp dịch vụ, du lịch lao đao vì dịch bệnh COVID-19. Ảnh minh họa. |
Trong khi đó, hoạt động ăn uống chịu ảnh hưởng kép từ Nghị định 100 và từ dịch COVID-19, tiệc cưới, hội nghị được nhiều khách dời về cuối năm nhằm hạn chế tụ tập đông đúc. Các quyết định về tạm dừng hoạt động vui chơi, giải trí, nhà hàng và quán bar được triển khai quyết liệt nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và hạn chế lây lan dịch bệnh.
Riêng ngành du lịch lữ hành chiếm 1,4% tổng mức mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước đạt 4.505 tỉ đồng, giảm 39,9% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đánh giá Cục Thống kê, du lịch là một trong những ngành chịu tổn thất nặng nề từ dịch bệnh do tình hình dịch bệnh đã lan rộng trên thế giới. Khách du lịch hủy tour hàng loạt do lo sợ dịch bệnh, Chính phủ các nước trên thế giới đã kêu gọi người dân hạn chế đi lại và đóng cửa các địa điểm du lịch.
Ngoài ra, từ sau khi có ca nhiễm là nhân viên hướng dẫn du lịch, các đơn vị lữ hành cũng đã tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, kiểm tra sức khỏe cho khách du lịch và hạn chế nhận tour.
Tương tự, theo Sở Du lịch TP.HCM, qua rà soát nắm tình hình cho thấy các DN du lịch chịu tác động nặng nề do ảnh hưởng dịch COVID-19. Trong tháng 1 và tháng 2, trung bình lượng khách và doanh thu của các công ty lữ hành giảm 50%-60% so với cùng kỳ năm trước.
Đến tháng 3/2020, lượng khách và doanh thu của các công ty lữ hành liên tục giảm, đặc biệt có một số công ty lượng khách và doanh thu giảm 95%-100% so với cùng kỳ năm trước.
Cuối tháng 2, các công ty lữ hành dừng tour Daegu, ổ dịch COVID-19 tại Hàn Quốc. Ảnh minh họa. |
Hiện nay có đến 90% DN lữ hành vừa và nhỏ đã tạm ngưng hoạt động, một số DN lữ hành lớn vốn tư nhân chỉ bố trí nhân sự trực tại công ty, DN vốn nhà nước cũng hoạt động cầm chừng. Nhân viên được cho nghỉ không hưởng lương cho đến khi hết dịch sẽ đi làm lại.
Với những thiệt hại của DN du lịch thành phố, trước đó Sở Du lịch TP.HCM đã đề xuất UBND xem xét có ý kiến đề xuất với Chính phủ, bộ ngành các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN về thuế, tài chính, tín dụng, cơ chế, chính sách…
Những giải pháp này tương đồng với một loạt các giải pháp mà gần đây Bộ VH-TT&DL đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có chính sách hỗ trợ kịp thời, để hỗ trợ DN du lịch giảm thiệt hại vượt qua khó khăn.
Cụ thể: Giảm 50% thuế thu nhập DN, giảm 50% thuế VAT cho tiêu dùng du lịch và DN du lịch trong quý IV-2020 và quý I-2021.
Triển khai gói hỗ trợ tín dụng cho các DN đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch. Giảm lãi suất vay từ 3%/năm và kéo dài thời gian ân hạn, chậm trả lãi vay, có các khoản vay ưu đãi mới.
Cho phép DN du lịch và HDV du lịch chậm nộp thuế VAT, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm xã hội năm 2019, năm 2020 đến hết tháng 6-2021; chi trả bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động phải nghỉ việc do COVID-19...
Do ảnh hưởng của COVID-19 nên các công ty du lịch đã bật chế độ "ngủ đông". Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng kỳ vọng dịch bệnh sẽ kết thúc sớm nên dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh trong quý II khả quan hơn quý I.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp