13/05/2020 15:53
9 loại thảo dược trị ho vô cùng hiệu quả có sẵn tại nhà
Ho là triệu chứng, không phải bệnh, xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Theo các chuyên gia, ho là một phản xạ có điều kiện đột ngột thường lặp đi lặp lại.
Ho có tác dụng loại bỏ các chất kích thích, chất bài tiết hoặc chất nhầy làm nghẽn khí quản hoặc để loại bỏ các vi khuẩn bám vào đường hô hấp.
Các cây thuốc nam chữa ho thường được sử dụng do giá thành rẻ, dễ tìm, dễ sử dụng lại an toàn và không gây tác dụng phụ cho cơ thể. Một số cây thuốc được sử dụng phổ biến hiện nay là:
1. Hoa hồng bạch
Hoa hồng trắng kết hợp với đường phèn là một bài thuốc nam chữa ho hiệu quả cho cả trẻ em và người lớn
Theo Đông y, hoa hồng trắng hay hồng bạch là một vị thuốc vị ngọt, không độc, mùi thơm mát, tính mát. Trong thành phần có chứa nhiều đường, vitamin, tinh dầu có thể chữa ho và nhuận tràng hiệu quả. Để làm thuốc, hoa được hái phải là những đóa mới nở. Được bào chế bằng cách bỏ cả cuống lẫn đài, phơi khô trong bóng râm và cất trong lọ kín để giữ hương vị.
Cách sử dụng:
- Cách 1: Lấy 15g hoa hồng bạch và một lượng vừa đủ đường phèn sắc hoặc hấp cách thủy uống hàng ngày. Sử dụng khi còn nóng, liên tục trong 1 tuần. Có tác dụng chữa ho khái huyết do phế hư.
- Cách 2: Lấy 15g hoa hồng bạch còn tươi, 1 quả quất chín, ½ thìa mật ong hoặc đường phèn cho vào chén nhỏ hấp cơm hoặc chưng cách thủy. Sau khi chín thì nghiền nát, trộn đều, gạn lấy nước để uống nhiều lần trong ngày. Có tác dụng chữa ho do lạnh.
- Cách 3: Lấy 1 bông hoa hồng bạch, chỉ sử dụng cánh, đem rửa sạch, vò nát, cho thêm mật ong hoặc đường phèn vào hấp cách thủy. Để nguội chắt lấy nước uống mỗi ngày 1 thìa với trẻ em, 2 thìa với người lớn, ngày uống 2 – 3 lần sử dụng liên tục trong 1 tuần.
2. Cây húng chanh
Húng chanh còn gọi là tần lá dày, dương tử tô, rau thơm lông, rau thơm lùn. Theo Đông y, húng chanh vị cay the, hơi chua, mùi thơm, tính ấm. Có tác dụng thanh nhiệt, bổ phổi, giải độc, điều hòa hô hấp, lợi phế, giải cảm, chữa ho và viêm họng. Húng chanh nằm trong danh mục 70 cây thuốc Nam quan trọng trong y học theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế .
Theo nghiên cứu khoa học, trong tinh dầu húng chanh có chứa nhiều chất như carvacrol, thymol, salicylat, eugenol… Có tác dụng ức chế vi khuẩn gây bệnh và các trực khuẩn E.coli, bạc cầu, liên cầu khuẩn, phế cầu khuẩn…
Cách sử dụng:
- Chữa ho đờm thông thường: Lấy 15 – 16 lá húng chanh và 4 – 5 quả quất xanh rửa sạch, xay nhuyễn, thêm đường phèn, hấp cách thủy trong 20 phút. Uống liên tục 1 – 2 lần mỗi ngày cho đến khi giảm ho thì ngưng sử dụng.
- Chữa ho do cảm sốt, không ra mồ hôi: Lấy 20g lá húng chanh, 15g cam thảo đất, 15g tía tô, 5g gừng tươi sắc với nước trong ấm chuyên dụng. Thấy cô cạn thì tắt bếp, cho người bệnh uống khi còn ấm.
- Chữa ho do cảm cúm, cảm sốt, nghẹt mũi, nhức đầu: Lấy húng chanh tươi, thêm ít gừng, hành nấu lấy nước để xông cho ra mồ hôi.
- Chữa ho do cảm hàn, sốt không ra mồ hôi, miệng đắng: Lấy 15g húng chanh, 8g tía tô, 5g bạc hà, 3 lát gừng tươi sắc với nước, cho uống mỗi ngày một thang.
- Chữa ho nhiệt, khàn tiếng, mất tiếng, viêm họng: Lấy 20g lá húng chanh giã dập với 20g đường phèn. Hãm với 10ml nước sôi cho ngấm, chắt lấy nước uống bỏ bã 2 lần/ngày.
3. Gừng
Gừng vị cay tính ấm thích hợp chữa ho do cảm lạnh, nhiễm lạnh
Theo Đông y, gừng tính ấm, vị cay có tác dụng tán phong hàn, làm ấm tỳ vị. Gừng được sử dụng trong trường hợp ho do cảm lạnh, cảm cúm do thời tiết thay đổi. Tuyệt đối không dùng cho trường hợp âm hư nội nhiệt sinh ho, cảm mạo thử nhiệt, cảm mạo phong nhiệt, trúng nắng.
Cách thực hiện:
- Cách 1: Lấy 60g gừng già tươi rửa sạch, giã nhuyễn, đun với nửa lít nước trong 30 phút, lọc bỏ bã lấy nước cho thêm ít mật ong vào khuấy đều để uống. Chia làm 2 lần uống, mỗi lần 50ml đều đặn vào hai buổi sáng tối cho đến khi cơn ho dứt hẳn.
- Cách 2: Lấy 7 lát gừng sống, 2 củ cải trắng rửa sạch, giã nhuyễn, vắt lấy nước cốt, chia làm 2 – 3 lần uống trong ngày. Sử dụng liên tục trong 7 ngày giúp giảm ho an toàn.
- Cách 3: Lấy 50g gừng tươi rửa sạch, giã nát, cho vào chậu có pha sẵn 1 lít nước sôi, thêm 20g muối hạt. Chờ đến khi nước nguội bớt còn 40 độ thì cho trẻ ngâm chân và massage gan bàn chân trong 20 – 30 phút, thêm nước ấm để duy trì nhiệt độ.
Lưu ý: Không nên sử dụng gừng trong thời gian dài với người viêm dạ dày, viêm gan, viêm thận, nhiệt trong, âm hư hỏa vượng, đái tháo đường, hạch phổi…
4. Quả lê
Theo Đông y, quả lê vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc được sử dụng nhiều để hỗ trợ điều trị các bệnh về đường hô hấp, giúp giảm ho đờm. Theo nghiên cứu khoa học, lê chứa nhiều vitamin C, acid folic và các khoáng chất như sắt, photpho, canxi… Sử dụng lê giúp giảm ho khan, ngứa cổ an toàn hiệu quả.
Cách thực hiện:
- Cách 1: Lấy 1 quả lê gọt bỏ vỏ cắt thành miếng vừa ăn, cho vào một chiếc bát ngâm với mật ong trong 30 phút. Cho hỗn hợp trên vào nồi hấp trong 45 phút sau đó để nguội cho vào lọ thủy tinh dùng dần.
- Cách 2: Lấy 1 quả lê, 1 củ cải trắng rửa sạch, gọt bỏ vỏ cắt thành từng miếng. Cho vào máy xay nhuyễn lấy nước, sau đó đem đun sôi cho đến khi hỗn hợp đặt lại thì tắt bếp, thêm ít mật ong khuấy đều, uống trong 2 – 3 ngày.
- Cách 2: Lấy 1 quả lê gọt vỏ, rửa sạch cắt thành miếng vừa ăn, chuẩn bị thêm một ít hạt sen. Cho 2 nguyên liệu vào nồi nấu mềm, có thể thêm một ít đường phèn cho dễ ăn. Sử dụng với lượng vừa phải mỗi ngày sẽ giúp giảm nhanh triệu chứng ho.
5. Lá hẹ
Lá hẹ tính ôn, vị hơi cay là bài thuốc nam trị ho thường được sử dụng
Lá hẹ tính ôn, vị cay hơi chua, không độc, đi vào tỳ vị can. Được biết đến với công dụng ôn trung, tán độc, tiêu đờm, hành khí và đặc biệt là chữa ho rất hiệu quả. Sử dụng lá hẹ chữa ho cũng là một trong những phương pháp được nhiều người áp dụng và mang lại những dấu hiệu điều trị tích cực.
Cách thực hiện:
- Lấy 1 nắm lá hẹ tươi, rửa sạch để ráo nước.
- Cắt nhỏ cho vào tô, tưới mật ong sao cho ngập hết phần lá hẹ.
- Hấp cách thủy cho đến khi hỗn hợp mềm nhuyễn dễ nuốt.
- Cho bé ăn 3 – 4 lần trong ngày, mỗi lần 2 – 3 thìa cà phê.
- Thực hiện đều đặn, liên lục trong 7 ngày sẽ giúp bé giảm ho hiệu quả.
Lưu ý: Không áp dụng cho trẻ dưới 1 tuổi vì mật ong có mang dược tính dễ gây độc cho trẻ sơ sinh.
6. Tỏi
Tỏi tính ấm, vị hăng, phát huy tác dụng tốt trong việc làm ấm cơ thể, đào thải độc tố, kháng viêm, kháng khuẩn, tiêu diệt các tác nhân gây ho hiệu quả. Trong tỏi có chứa nhiều hoạt chất như Allicin, Diallyl Sulfide, Ajoene và nhiều vitamin A, B, C, D có tác dụng nâng cao đề kháng, giảm đau rát cổ họng, giảm mệt mỏi do ho gây ra…
Cách thực hiện:
- Tỏi và mật ong: Lấy vài nhánh tỏi giã dập, cho vào bát thêm mật ong để hấp cách thủy trong 20 phút. Để ấm thì uống 3 lần, mỗi lần 2 thìa mật ong.
- Tỏi và sữa: Lấy 1 cốc sữa nóng, giã dập tỏi và cho vào đợi khi sữa còn ấm thì uống từng ngụm để hỗn hợp này làm sạch vùng họng.
- Tỏi chưng muối: Lấy vài nhánh tỏi, đập dập trộn cùng hạt mùi thêm 2 thìa nước hấp cách thủy trong 15 phút. Chắt lấy nước, uống từng tí một mỗi ngày giúp cổ họng dịu mát và không đau rát. Không áp dụng cho trẻ nhỏ.
7. Cam thảo
Cam thảo cần được sử dụng đúng liều lượng, dùng quá nhiều sẽ không tốt cho cơ thể
Cam thảo nằm trong danh sách các vị thuốc quý, cây và rễ đều có tính bình, vị ngọt. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, bồi bổ tỳ vị, dưỡng phế, tiêu đờm hỗ trợ chữa ho hiệu quả. Trong nghiên cứu khoa học, cam thảo chứa nhiều chất kháng viêm, kháng khuẩn tiêu viêm giúp thúc đẩy làm lành tổn thương vùng họng và giảm ho tốt.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị 10g bột cam thảo, 1 quả chanh tươi
- Bột cam thảo cho vào 200ml nước ấm, khuấy đều đến khi tan hết
- Chanh cắt đôi, vắt lấy nước cho vào ly bột cam thảo đã chuẩn bị khuấy đều.
- Uống khi còn ấm, mỗi ngày 2 lần cho đến khi hết bệnh.
Ngoài ra, có thể sử dụng cam thảo và trà xanh để hỗ trợ chữa ho, làm dịu tình trạng đau rát ở cổ họng. Lấy 10g lá trà xanh, 10g bột cam thảo, trà xanh rửa sạch hãm với 200ml nước sôi trong 20 phút thì thêm bột cam thảo vào khuấy đều cho tan. Uống khi còn ấm, mỗi ngày sử dụng 2 lần vào sáng và tối.
8. Lá tía tô
Rau tía tô có vị cay, tính ấm, mùi thơm, là một loại rau thơm thường xuất hiện trong bữa ăn của người dân Việt Nam. Tía tô đi vào kinh phế – tâm – tỳ có tác dụng hạ khí, làm thuốc an thai, trừ cảm mạo, giảm ho cho cả người lớn và trẻ nhỏ hiệu quả.
Cách thực hiện:
- Nếu trẻ ho nhiều, thở gấp, mặt tím tái: Lấy 20g tía tô tán mịn thành bột, hòa với nước ấm cho trẻ uống hoặc nấu chung với cháo để dễ ăn.
- Nếu trẻ ho nhẹ: Lấy hoa khế, hoa đu đủ đực, lá tía tô mỗi thứ 10g đen rửa sạch, cho vào chén thêm 5g đường phèn và chút nước vào nồi đun cách thủy trong 15 phút. Để nguội, cho trẻ uống khoảng ½ muỗng cà phê, nuốt từ từ cho nước thuốc thấm vào lưỡi.
- Nếu trị ho cho người lớn: Lấy 150g lá tía tô tươi, 3 củ hành tươi xắt nhỏ cho vào cháo nóng, ăn từ từ sẽ giúp giải cảm giảm ho hiệu quả.
9. Cải cúc (Tần ô)
Cải cúc còn có tên gọi khác là tần ô
Theo các tài liệu y học cổ truyền, cải cúc vị hơi đắng, tính mát, mùi thơm nồng, không độc. Có tác dụng yên tâm khí, thanh đàm hỏa, hỗ trợ điều trị ho lâu ngày, viêm phế quản, ho dai dẳng, ho khan, ho có đờm. Ngoài ra, cải cúc còn có thể làm dịu họng nhanh rất thích hợp để chữa ho, ngứa rát cổ họng cho trẻ nhỏ.
Cách thực hiện:
- Cách trị ho cho trẻ nhỏ: Lấy 20g rau cải cúc nhặt sạch, chỉ lấy lá và thân non đem thái nhỏ cho vào chén. Thêm 2 thìa mật ong rồi đem hấp cách thủy trong 10 -15 phút thì lấy ra cho trẻ uống cả nước lẫn cái. Thực hiện 2 lần/ngày vào hai buổi sáng tối, liên tiếp 1 tuần sẽ giúp giảm ho hiệu quả.
- Cách trị ho cho người lớn: Lấy 100g cải cúc, 200g phổi lợn thái thành miếng nhỏ vừa ăn đem nấu thành canh sử dụng mỗi ngày để hỗ trợ chữa ho ở người lớn. Ngoài ra, có thể dùng cải cúc, giã nát lọc lấy nước pha với nước ấm, thêm 1 thìa mật ong uống từ từ từng ngụm để làm dịu cổ họng.
- Cách chữa ho có đờm: Lấy 500g cải cúc, 1 đầu cá mè, đầu cá rửa sạch rán vàng thêm ít gừng rồi tưới rượu lên nêm nếm vừa ăn. Sử dụng khi còn nóng để hỗ trợ long đờm.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp