08/11/2020 10:54
7 cuốn sách về kỹ năng đàm phán trong kinh doanh
Hầu như tất cả mọi thứ đều có thể thoả thuận được, nhưng làm thế nào để bước ra từ mỗi cuộc đàm phán trong tư thế của người đạt được mục tiêu? Bạn sẽ tìm thấy câu trả lời trong những cuốn sách về kỹ năng đàm phán sau đây.
Nghệ thuật đàm phán – Donald J.Trump & Tony Schwartz
Quyển sách cho chúng ta thấy cách Trump làm việc mỗi ngày – cách ông điều hành công việc kinh doanh và cuộc sống – cũng như cách ông trò chuyện với bạn bè và gia đình, làm ăn với đối thủ, mua thành công những sòng bạc hàng đầu ở thành phố Atlantic, thay đổi bộ mặt của những cao ốc ở thành phố New York… và xây dựng những tòa nhà chọc trời trên thế giới.
Quyển sách về kỹ năng đàm phán đi sâu vào đầu óc của một doanh nhân xuất sắc, và khám phá một cách khoa học chưa từng thấy về cách đàm phán một thương vụ thành công. Đây là một cuốn sách thú vị về đàm phán và kinh doanh – và là một cuốn sách nên đọc cho bất kỳ ai quan tâm đến đầu tư, bất động sản và thành công.
Bạn có thể đàm phán bất cứ điều gì – Herb Cohen
Trong cuốn sách Bạn có thể đám phám bất cứ điều gì, Herb Cohen chia sẻ với chúng ta kinh nghiệm của 40 năm tham gia và kết thúc thành công hàng nghìn cuộc đàm phán lớn nhỏ.
Cuốn sách không chỉ trình bày những yếu tố căn bản trong đàm phán và các kiểu đàm phán chủ yếu, mà còn đưa ra những ví dụ minh hoạ thú vị và thiết thực cho những hoàn cảnh khác nhau. Hay đề xuất những giải pháp xử lý mềm dẻo, tế nhị nhưng hiệu quả mỗi tình huống hay xung đột, dù là trong gia đình (Khi trẻ con khóc đòi quà…), trong cuộc sống hàng ngày (Khi vợ bạn im lặng…..), trong công việc (Khi xin tăng lương….) hay môi trường kinh doanh (Khi khai thuế lợi tức, khi mua đất…).
Thuật đàm phán – Brian Tracy
Đàm phán là một yếu tố thiết yếu trong mọi tương tác mang tính cá nhân cũng như chuyên nghiệp. Nó giúp chung ta thiết lập các mối quan hệ, hợp tác và đưa ra các giải pháp cho khách hàng, tổ chức và chính chúng ta.
Trong sự nghiệp thành công của mình, Brian Tracy đã đàm phán các hợp đồng trị giá hàng triệu đô la. Nhờ trải nghiệm đó, ông đã đúc rút và đưa những bí quyết vào cuốn sách Thuật đàm phán này như một cuốn cẩm nang ngắn gọn, giúp bạn trở thành một nhà thương thuyết bậc thầy.
Đàm phán bất kỳ ai – George Kohlrieser
Đám phán bất kỳ ai đầy ắp những câu chuyện ấn tượng, sâu sắc về các tình huống “bắt cóc” có thật.
Cuốn sách chỉ ra cho chúng ta cách phân tích tình huống để giải quyết xung đột; tạo mối quan hệ, thậm chí là với cả kẻ thù; biết tận dụng sức mạnh của đối ngoại và thương thảo; xây dựng sự hợp tác, thiết lập sự tin tưởng và làm chủ cảm xúc của mình.
Đọc vị bất kỳ ai – David J. Lieberman
Bạn băn khoăn không biết người ngồi đối diện đang nghĩ gì? Họ có đang nói dối bạn không? Đối tác đang ngồi đối diện với bạn trên bàn đàm phán đang nghĩ gì và nói gì tiếp theo? Thì đây là cuốn sách về kỹ năng đàm phán bạn nên đọc.
Đọc vị bất kỳ ai là cẩm nang dạy bạn cách thâm nhập vào tâm trí của người khác để biết điều người ta đang nghĩ. Cuốn sách này sẽ không giúp bạn rút ra các kết luận chung về một ai đó dựa vào cảm tính hay sự võ đoán.
Những nguyên tắc được chia sẻ trong cuốn sách này không đơn thuần là những lý thuyết hay mẹo vặt chỉ đúng trong một số trường hợp hoặc với những đối tượng nhất định.
Một đời thương thuyết – Phan Văn Trường
Hơn 40 năm kinh nghiệm trong nghề và cả nghiệp thương thuyết, Giáo sư Phan Văn Trường, cố vấn thương mại quốc tế của chính phủ Pháp, có lẽ đã cố gắng thể hiện gần trọn vẹn trong cuốn sách này. Được viết từ trải nghiệm của một người thường xuyên “xông pha trận mạc” đàm phán, thật khó có thể tìm được cuốn sách nào khác về đề tài này mang tính thực tế cao hơn Một đời thương thuyết.
Trong đó không có những bài lý thuyết theo lớp lang chuẩn mực, nhưng độc giả sẽ được “sống” thực sự trong từng bối cảnh đàm phán như đang diễn ra trước mắt. Và độc giả sẽ đọc cuốn sách này chẳng khác gì đang đọc một tập truyện ngắn đầy những tình tiết thú vị.
Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ – Trác Nhã
Xã hội hiện đại, từ xin việc đến thăng chức, từ tình yêu đến hôn nhân, từ giao lưu đến hợp tác… không việc gì không cần tài ăn nói. Khéo ăn nói giống như sở hữu loại “dầu bôi trơn” đảm bảo các mối quan hệ của bạn “vận hành” trơn tru. Không khéo ăn nói, gặp chuyện nhỏ mắc trở ngại, gặp chuyện lớn vấp thất bại.
Làm thế nào để nói năng trôi chảy? Làm thế nào để nói lời “đi vào lòng người”? Trong những dịp khác nhau, với những người khác nhau, ở những tình huống không giống nhau… có cuốn sách này gợi ý, bạn sẽ thành người khéo ăn nói.
Advertisement
Advertisement