30/09/2019 16:16
7 chú ý khi bày trí bàn thờ tổ tiên
Hiểu về cách đặt vị trí đặt bàn thờ, cách sắp xếp đồ cúng và những thủ tục ngày lễ giỗ sẽ giúp cho gia chủ có nhiều phước báo.
Theo văn hóa người Việt, bàn thờ tổ tiên đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần và thường được trang trọng đặt ở phòng khách (trừ những gia đình xây phòng thờ riêng biệt). Đối với vị trí đặc biệt này, có những lưu ý nhất định gia chủ phải ghi nhớ để việc thờ cúng không sai phạm, thuận với trời đất, mang lại tài lộc, sức khỏe cho gia đình.
1. Vị trí đặt bàn thờ
Về vị trí đặt bàn thờ, có những nơi tuyệt đối cần tránh bao gồm dưới xà nhà, gầm cầu thang hoặc nhà vệ sinh, đối diện với nhà vệ sinh hoặc nhà bếp bởi luồng uế khí rất mạnh, không tốt cho nơi thờ tự. Ngoài ra, tường gắn bàn thờ cũng không nên gắn với nhà bếp hoặc nhà vệ sinh, phía trên đường ống hoặc cống thoát nước.
Theo truyền thống của người Việt, bàn thờ luôn được đặt gian chính giữa và trông thẳng ra cửa chính nhưng đối với nhà phố hiện nay, bàn thờ không nên đặt quá gần cửa chính.
Một trong những chức năng của các vị thần là bảo vệ, che chở những thành viên trong gia đình. Vì vậy, bàn thờ có thể đặt đặt trên hành lang hoặc lối dẫn phòng khách sang các phòng khác để tiết kiệm diện tích và hợpphong thủy.
2. Không khí quanh bàn thờ
Khu vực thờ tự luôn cần đến sự yên tĩnh. Vì vậy, các loại thiết bị âm thanh như loa, đài, TV… hoặc các nhạc cụ như đàn piano, kèn, trống đều không nên đặt gần bàn thờ! Tính nhiệt của bát hương và các đồ thờ cúng cũng kỵ với quạt và máy lạnh.
Để tiết kiệm không gian và muốn trang trí, một số gia đình đặt bể cá dưới bàn thờ. Bố cục này không được khuyến khích vì tính thủy của bể và tính hỏa của bàn thờ vốn khắc nhau, sẽ khiến gia đình lục đục, không thuận hòa, sức khỏe không ổn định, đặc biệt là người nam.
3. Độ cao của bàn thờ và màu sắc phù hợp
Chiều cao của bàn thờ cần phải cao hơn đầu người để tỏ lòng tôn kính với các vị thần và ông bà tổ tiên trong nhà. Nếu bàn thờ thấp hơn tầm mắt, mỗi khi thắp hương hay cầu khấn, gia chủ đều phải cúi nhìn. Đây là điều kiêng kỵ rất nghiêm trọng trong văn hóa tâm linh Á Đông.
Màu sắc tốt nhất cho bàn thờ là màu gỗ nâu đỏ là lựa chọn lý tưởng nhất bởi màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn trong khi chất liệu gỗ là đại diện của tự nhiên và sự mộc mạc, lâu đời. Ngoài ra, các gia chủ nên tránh sơn bàn thờ màu đen bởi đây là màu sắc của tang tóc và bất hạnh.
4. Ánh sáng và cách sắp xếp
Trên bàn thờ luôn cần duy trì đủ ánh sáng để gia chủ dễ dàng quan sát, đồng thời, tạo không khí tôn nghiêm và trang trọng cho nơi thờ tự. Ánh sáng vàng là lựa chọn phù hợp với hầu hết các phòng khách hiện nay. Ngoài ra, các gia chủ nên tránh lạm dụng các loại dây đèn nhấp nháy trang trí ngày lễ Tết hay đèn ánh đỏ quá tối, tạo cảm giác nặng nề.
Trên bàn thờ, gia chủ chỉ nên giới hạn các vị thần và ông bà tổ tiên. Quá nhiều đấng bề trên chẳng những khiến ban ngôi lộn xộn mà còn thiếu tôn trọng với mỗi người. Ngoài ra, các thần Phật luôn ở ngôi cao hơn ông bà tổ tiên. Vì vậy, hãy đặt tượng hoặc ảnh Phật cao hơn so với ảnh người thân đã khuất.
5. Chăm sóc bàn thờ cẩn thận và đều đặn
Một trong những điều quan trọng là luôn phải giữ bàn thờ sạch sẽ, không phủ bụi hàng ngày thay vì chờ đến ngày Sóc vọng mới chăm sóc, lau chùi. Ở một vị trí như phòng khách, nhiều người thường tiện tay đặt những vật dụng cá nhân lên bàn thờ hoặc trong ngăn kéo tủ thờ. Đây là hành vi tuyệt đối nên tránh.
6. Bố trí hoành phi, câu đối phòng thờ
Trong không gian thờ cúng tổ tiên của mỗi gia đình người Việt đều dành một phần trang trọng nhất để treo những bức hoành phi, câu đối. Đây là nét văn hóa đặc sắc trong đời sống tâm linh của người dân.Hoành phi thường được sơn son chữ vàng, có bức hoành phi hình cuốn thư.
Chữ viết trên hoành phi đều tỏ lòng tôn kính của con cháu đối với tổ tiên, ghi tụng công đức của tổ tiên, ghi lại những lời răn dạy con cháu, hoặc thể hiện ước nguyện cầu mong sự bình an, thái bình.Hai bên bàn thờ còn có đôi câu đối. Ngoài dùng trang trí, đôi câu đối còn ghi lại những lời răn dạy con cháu những giá trị đạo đức truyền thống, ca ngợi truyền thống của dòng họ hoặc cầu mong thái bình, thịnh vượng.
Mỗi gia đình đều lựa chọn chỗ trang trọng nhất để đặt bàn thờ. Tuy nhiên, không phải ai cũng bài trí phòng thờ đúng phong thủy. Một vài lưu ý quan trọng trên trong việc sắp xếp, lựa chọn vị trí đặt bàn thờ gia tiên sẽ giúp gia đình bạn luôn ấm êm, bình an.
7. Những kiêng kỵ khi bài trí bàn thờ
Ngoài những kiêng kỵ như trên, bàn thờ không đặt cạnh tường bếp đun, không dựa lưng vào nhà vệ sinh, hay không nằm dưới hay trên vệ sinh, hạn chế đặt ở ban công...
Kiêng kỵ về cách cục, trong phong thủy bàn thờ được coi như kháo sơn, cần đặt ở nơi có sơn tinh đang vượng. Như năm nay chúng ta đang ở trong vận 8, bàn thờ nên đặt nơi có Cửu Tử hay Nhất Bạch đáo sơn.
Kiêng kỵ về thời gian lập bàn thờ:
Việc lập bàn thờ thường được tiến hành đồng thời với nhập trạch, nên việc lựa chọn thời gian có ý nghĩa vô cùng quan trọng, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống sau này. Ngoài thời gian phù hợp với nhập trạch, cúng tế hay hợp tuổi gia chủ, người ta còn chú ý đến thời điểm có sao Bát Bạch để hóa giải sát khí.
Người xưa cho rằng phụ nữ mang thai có nhiều tạp khí, không nên động chạm vào bàn thờ hay bát hương. Hơn nữa, người bốc bát hương nên là gia chủ, chứ không nhất thiết phải nhờ người khác, cốt sao là sự thành tâm và tay chân sạch sẽ khi thực hiện.
Bàn thờ là nơi thờ cúng gia tiên chứ không phải nơi phô trương hay trưng bày, những thứ không liên quan đến thờ cúng không bày lên bàn thờ, nhất là giấy công đức ở đình chùa. Nếu thờ gia tiên cùng Phật hay thờ mẫu, cần tách riêng bàn thờ Phật hay thờ mẫu, bàn thờ gia tiên để thấp hơn và tách biệt.
Quan trọng nhất là hương hoa, tức hương thắp, hoa quả tươi, hoa tươi và nước sạch. Tránh các loại đồ giả như hoa quả nhựa. Đồ thờ cúng xong rồi nên bỏ xuống để thụ lộc, tránh bày để từ tháng này qua tháng khác. Không nên để lễ mặn, hay tiền mặt lên bàn thờ.
Advertisement
Advertisement