13/03/2024 12:19
6 doanh nghiệp bảo hiểm sắp bị thanh tra trong năm 2024
Năm nay, Bộ Tài chính có kế hoạch thanh tra với 6 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó có việc triển khai bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với 2 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.
Dự kiến vào ngày 18/3 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Nội dung chất vấn tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số, đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng…
Báo cáo một số nội dung liên quan lĩnh vực bảo hiểm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, thời gian qua, thị trường bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ đã phát sinh một số vấn đề.
Nếu trước đây chỉ có kênh đại lý truyền thống thì thời gian qua đã xuất hiện thêm nhiều kênh phân phối khác, điển hình là kênh phân phối qua ngân hàng.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, kênh này giúp loại hình bảo hiểm trở nên đa dạng, nhưng cũng tạo ra sự phức tạp hơn và cần phải chấn chỉnh.
Bộ Tài chính đã nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành bổ sung nhiều quy định. Điển hình như việc chuẩn hóa một số quy định về hợp đồng bảo hiểm, nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia.
Cùng với đó là việc bổ sung các quy định nhằm ngăn chặn tình trạng ép mua bảo hiểm qua ngân hàng, hoặc tư vấn không đúng về sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư.
Đối với các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, đại lý bảo hiểm hoặc nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm phải ghi âm lại quá trình tư vấn, trong đó có xác nhận của khách hàng về việc tham gia bảo hiểm trên cơ sở tự nguyện và phù hợp với nhu cầu tài chính, theo TPO.
Người đứng đầu ngành tài chính cũng cho biết, trong các năm 2022 và 2023, bộ đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với 10/17 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có triển khai bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Qua thanh tra đã phát hiện các hành vi vi phạm, như sai phạm về ban hành quy trình, quy chế, sai phạm về việc tuân thủ biểu phí sản phẩm, đại lý bảo hiểm không tuân thủ quy định công ty và quy định pháp luật.
Cũng qua thanh tra đã kiến nghị xử lý về tài chính tổng số tiền là 21.000 tỷ đồng, trong đó loại ra khỏi chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021, năm 2022 với tổng số tiền là gần 2.000 tỷ đồng. Cùng với đó, đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 doanh nghiệp bảo hiểm, với số tiền 310 triệu đồng…
Báo cáo nêu rõ, năm nay Bộ Tài chính có kế hoạch thanh tra với 6 doanh nghiệp bảo hiểm. Trong đó sẽ tiến hành thanh tra việc triển khai bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với 2 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.
Trước đó trong năm 2023, Bộ Tài chính đã công bố kết quả thanh tra 4 doanh nghiệp nhân thọ gồm Prudential, Sun Life, BIDV Metlife và MB Ageas. Khi đó, lãnh đạo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cho biết, về chuyên môn, cơ bản các doanh nghiệp chấp hành đúng quy định pháp luật, nhưng lại mắc nhiều sai phạm về tài chính như chưa triển khai đúng trình tự, thủ tục bán sản phẩm bảo hiểm; chưa đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm; chưa thu thập chính xác thông tin của khách hàng trong quá trình tư vấn sản phẩm… và đặc biệt, nhân viên ngân hàng và đại lý bảo hiểm chưa thực hiện đúng quy định về sử dụng mã số đại lý bảo hiểm.
Từ đó, Bộ Tài chính yêu cầu 4 doanh nghiệp trên bổ sung hàng trăm tỷ đồng vào doanh thu để tính thuế thu nhập doanh nghiệp do hạch toán chi phí chưa đúng quy định. Cụ thể, số tiền Prudential phải bổ sung 700 tỷ đồng, Sun Life hơn 600 tỷ đồng, BIDV Metlife là 174 tỷ đồng và MB Ageas là 2,5 tỷ đồng, theo Vnbusiness.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm có biện pháp kiểm soát tình hình hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, nhằm bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm và an toàn tài chính của doanh nghiệp. Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì doanh nghiệp bảo hiểm phải chuyển ngay hồ sơ, tài liệu đến cơ quan điều tra để xử lý theo quy định pháp luật.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp